Học sinh Trung Quốc vùi đầu vào “biển” tài liệu ôn thi Cao Khảo. (Ảnh: Quora) |
Cao Khảo – kỳ thi đông đảo, căng thẳng nhất thế giới
Hằng năm, khoảng trên dưới 10 triệu thí sinh tham gia vào Cao Khảo – kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc. Kỳ thi diễn ra vào đầu tháng 6 trong hai đến ba ngày, kéo dài khoảng 9 tiếng đồng hồ, được đánh giá là khốc liệt hơn bất kỳ một kỳ thi tuyển chọn đồng cấp nào khác tại Mỹ và châu Âu. Thậm chí, một số trường đại học phương Tây như New Hampshire (Mỹ), Cambridge (Anh), Toronto (Canada), hay Học viện Mỹ thuật Firenze (Italy) cũng đã chấp nhận điểm thi Cao Khảo làm cơ sở xét tuyển đầu vào.
Cao Khảo đã trải qua nhiều lần cải cách, với mỗi địa phương có cho mình những phương thức tổ chức và đánh giá riêng, dựa trên những nền tảng cơ bản. Ba môn bắt buộc là Hoa văn, Toán học và Ngoại ngữ chiếm phần hơn trong tổng điểm, bên cạnh đó là các môn tùy chọn Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Sinh học, Hóa học), hay Khoa học Xã hội (Chính trị, Lịch sử, Địa lý). Hầu hết các bài thi được thực hiện dưới hình thức trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, chỉ có môn Hoa văn được thực hiện dưới hình thức viết luận.
Kỳ thi đại học tại các nước Đông Á hết sức áp lực, có tính chất phân loại cực đoan và rõ rệt. Với một kỳ thi đông đảo thí sinh như Cao Khảo, sự phân loại và cạnh tranh đương nhiên là rất lớn. Chỉ khoảng chưa đến 2% thí sinh có thể được nhận vào các trường đại học tốp đầu. Chính sự khốc liệt như vậy đã biến Cao Khảo trở thành một trong những sự kiện lớn, tác động tới tất cả các mặt đời sống xã hội Trung Quốc trong thời gian diễn ra, từ giao thông, xây dựng (hạn chế hoạt động trong khu vực điểm thi), cho đến quan hệ gia đình (đầu tư cho thi cử),….
Áp lực cạnh tranh chỉ là một trong những mặt trái của Cao Khảo. Kỳ thi này còn vấp phải nhiều sự chỉ trích khác, như làm mất cân đối quá trình học tập và rèn luyện bậc phổ thông, thiếu công bằng trong quá trình tuyển sinh giữa các địa phương, hay phổ biến nhất vẫn là những tác động tiêu cực lên sức khỏe tâm sinh lý nói chung của giới trẻ. Đây là những vấn đề trọng tâm được chú ý trong quá trình cải cách thi cử của chính phủ Trung Quốc, hướng tới mục tiêu giảm bớt gánh nặng thi cử cho học sinh, sinh viên.
Kỳ thi tuyển đại học Suneung là một phần của xã hội trọng thi cử quá mức tại Hàn Quốc. (Nguồn ảnh: BLARB) |
“Suneung” và dịch vụ gia sư ăn nên làm ra
Suneung – kỳ thi tuyển sinh đại học Hàn Quốc cũng mang những màu sắc tương tự. Sức ép của Suneung khiến nhu cầu luyện thi của đại bộ phận giới trẻ luôn ở mức cao, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ gia sư, biến đây trở thành một ngành dịch vụ thực thụ.
Tập trung vào các bộ môn Quốc ngữ, Quốc sử, Toán và Tiếng Anh, chương trình thi cử quốc gia tại Hàn Quốc vẫn bị cho là mang nặng hình thức khoa cử. Áp lực khủng khiếp đè nặng thúc ép các bậc phụ huynh cùng học sinh tìm kiếm các lớp học thêm ngoài giờ. Một học sinh cuối cấp có thời gian học một ngày lên tới 16 tiếng đồng hồ. Đáp ứng nhu cầu ngày một cao này, gia sư trở thành một ngành dịch vụ phát triển thần tốc và lâu dài. Ước tính, tổng nguồn thu trong một tháng của gia sư trên toàn Hàn Quốc trung bình rơi vào khoảng 2.3 đến 2.5 triệu USD một tháng. Thậm chí, con số này có thể lớn hơn đối với những nhà cung cấp dịch vụ học thêm chuyên nghiệp dành cho tầng lớp thu nhập khá, hay đối với những dịch vụ dạy thêm và cung cấp bài giảng trực tuyến, có khả năng tiếp cận hàng trăm nghìn người cùng lúc.
Sự phát triển của dịch vụ gia sư chuyên nghiệp tồn tại song song với những áp lực gây nên bởi nền giáo dục nặng về hình thức. Suneung chỉ là một phần trong xã hội xem trọng và sùng bái thi cử và các bài kiểm tra chuẩn hóa. Những ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe học sinh, sinh viên, lên tài chính cũng như các mối quan hệ gia đình là một trong những điều liên tục được đòi hỏi khắc phục, song vẫn chưa xuất hiện một sự thay đổi đáng kể nào nhằm cải thiện những khuyết điểm cố hữu này trong hệ thống giáo dục phát triển hàng đầu châu lục của xứ sở kim chi.