Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn

0:00 / 0:00
0:00
Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn
SVVN - Dưới góc nhìn của một người con Sài Gòn nặng lòng với Thủ đô, chàng họa sĩ Hoàng Phong đã “thai nghén” bộ tranh màu nước ấn tượng về Hà Nội mang tên Chút tình gửi phố nhằm thể hiện tình yêu sâu sắc với thành phố đã nuôi lớn nguồn cảm hứng sáng tạo trong mình. Bộ tranh nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Tình yêu nồng nàn với cọ vẽ

Sinh ra và lớn lên tại TP. HCM, Hoàng Phong (sinh năm 1987) đã gắn bó với nghề họa sĩ tự do được hơn 10 năm. Vốn mê vẽ từ bé, anh quyết tâm theo đuổi nghề này khi đã trưởng thành mặc cho lời khuyên ngăn của nhiều người. “Với mình, thật ra không có nghề nào đảm bảo cho một người đủ sống cả, quan trọng là người đó sống với nghề như thế nào. Mình nghĩ đơn giản, cứ quyết tâm làm gì mình thích là được, rồi một ngày sẽ được đền đáp xứng đáng”, anh tâm sự.

Trước khi chuyển hẳn sang vẽ tranh màu nước, anh đã từng thể nghiệm vẽ tranh sơn mài và tranh sơn dầu. Việc lựa chọn màu nước làm chất liệu cố định là vì nó phù hợp với tính cách của Hoàng Phong. Anh cho biết, anh thuộc típ người có cảm xúc thay đổi liên tục. Trùng hợp thay, yêu cầu của tranh màu nước là cần phải vẽ nhanh nên có thể bắt kịp được dòng cảm xúc của anh. Theo chàng trai 8X, loại chất liệu khó khống chế này sẽ tạo cho anh áp lực vừa đủ khi đặt bút vẽ.

Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 1

Chân dung anh chàng họa sĩ trẻ Hoàng Phong. (Ảnh: NVCC)

Hoàng Phong cũng chia sẻ thêm, thời gian đầu anh chủ yếu vẽ tranh tĩnh vật, chân dung còn giờ đây anh tập trung vẽ tranh phong cảnh. Là hội viên của Hội Mỹ thuật TP. HCM và là thành viên của Hiệp hội Màu nước quốc tế (IWS), anh tâm niệm, chính trải nghiệm sống là chìa khóa tạo nên thành công cho tác phẩm. “Bạn có thể lựa chọn nhiều chất liệu cũng như trường phái nghệ thuật để thể hiện, tuy nhiên, để tác phẩm khơi dậy nhiều tâm tư tình cảm thì không gì bằng trải nghiệm thật của bản thân. Đó cũng là lý do mình không nhận đặt vẽ theo yêu cầu của người khác. Tác phẩm vì thế sẽ chỉ là sự vay mượn từ người khác”, anh bày tỏ. Vì vậy, với tâm huyết của một người họa sĩ, anh cho ra đời nhiều bức tranh ấn tượng và hoàn thiện cả về mặt nội dung lẫn hình thức.

Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 2

Bức tranh về phố Hàng Mã ngày giáp Tết.

Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 3

Dấu ấn kiến trúc thời Pháp thuộc luôn gây nhiều cảm hứng cho Hoàng Phong.

Gửi chút tình với Hà Nội vào trong tranh

Mới đây, Hoàng Phong đã cho đăng tải bộ tranh Chút tình gửi phố của mình lên nhóm Mê tranh. Tác phẩm gồm 28 bức tranh về những góc phố ở Hà Nội đã được thực hiện từ cuối năm 2017 đến nay. Ngay lập tức, tác phẩm của anh nhận được hàng trăm lượt chia sẻ cũng như lời khen ngợi từ cộng đồng yêu hội họa nói chung và những người yêu Hà Nội nói riêng. Anh chia sẻ: “Trước đây, mình không nghĩ tới việc sẽ đặt chân lên đất Bắc. Mãi đến tầm cuối năm 2017, mình mới có dịp ra Hà Nội. Từ đó, Hà Nội đã hớp hồn mình. Tình yêu mình dành cho Hà Nội không đến từ cái nhìn của người khác hay qua thơ văn mà nó xuất phát từ cảm xúc đậm chất chủ quan. Mình yêu những buổi sáng tinh mơ hoặc thời điểm sau mười giờ đêm, phố phường Hà Nội khi đó thật tĩnh lặng và thanh bình”.

Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 4
Một góc phố Nguyễn Thiếp gợi nỗi buồn man mác, bâng khuâng.
Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 5
Nhà thờ Lớn Hà Nội hiện lên với vẻ đẹp trữ tình qua tranh vẽ của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn.

Với Hoàng Phong, chính tình yêu đó đã tiếp thêm động lực để anh đều đặn bay ra Hà Nội hằng năm trước khi dịch COVID-19 ập đến. Nhờ vậy, anh có cơ hội cảm nhận trọn vẹn tiết trời của Hà Nội thay đổi rõ rệt theo từng mùa cũng như chiêm ngưỡng từng loài hoa đặc trưng của 12 mùa hoa. Chia sẻ về chất liệu sáng tạo trong tranh, anh cho biết mình sử dụng giấy màu nước Arches xuất xứ từ Pháp. Theo anh, đây là chất liệu vẽ thuộc vào dạng “bút sa gà chết”, rất khó chỉnh sửa nên thời gian vẽ không lâu và chỉ dao động khoảng một tuần. Tuy nhiên, giai đoạn tính toán để tìm ra cách thể hiện sẽ lâu hơn, có khi mất đến một tháng trước khi chấp bút vẽ.

Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 6
Hình ảnh góc phố Châu Long trong nắng vàng Hà Nội. Đây là bức tranh được sử dụng làm bìa cho cuốn sách của nhà văn Tô Hoài.
Xao xuyến với bộ tranh về Hà Nội của chàng họa sĩ trẻ Sài Gòn ảnh 7
Một góc cổ kính, nên thơ của căn biệt thự cổ số 8 Chân Cầm.

Hoàng Phong cũng có đọc sách, nghe nhạc về Hà Nội nhưng anh hạn chế vì muốn dùng trải nghiệm của bản thân để “cảm” Hà Nội nhiều hơn. Anh say mê Hà Nội ở từng góc phố, con đường, nếp sinh hoạt gần gũi cùng với những con người bình dị tại nơi đây. Ngoài ra, với anh, Hà Nội còn mang đậm dấu ấn thời Pháp thuộc, thể hiện qua đặc trưng kiến trúc của trường học, biệt thự tư nhân cho đến bảo tàng, các cơ quan nhà nước. Vì thế, chàng họa sĩ đã “góp nhặt” những cảm nhận riêng về Hà Nội vào trong tranh vẽ của mình. Anh tỉ mỉ trong cách xây dựng bố cục, cách phối màu, tinh thần về Hà Nội mà anh muốn truyền tải. Anh chia sẻ: “Để tạo ra cái ‘thần’ trong tranh cần nhiều yếu tố nhưng quan trọng hơn hết vẫn là rung động thật của người nghệ sĩ với đối tượng được vẽ. Cứ trung thực với bản thân, sự độc đáo của tác phẩm sẽ tự khắc mà có”.

Bộ tranh Chút tình gửi phố còn có cơ hội xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt phải kể đến một bức trong bộ tranh đã được sử dụng làm bìa sách cho cuốn Chuyện cũ Hà Nội của nhà văn Tô Hoài. Nói về dự định sắp tới sau khi dịch COVID-19 kết thúc, Hoàng Phong hy vọng anh có thể tổ chức một triển lãm riêng tranh về Hà Nội tại chính mảnh đất này.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Viết sách kỹ năng khó hay dễ?

Viết sách kỹ năng khó hay dễ?

SVVN - Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong - được mời chia sẻ trên kênh VTV1 Đài truyền hình Việt Nam về chủ đề sách kỹ năng ở Việt Nam. Anh cũng là chuyên gia tư vấn xuất bản sách uy tín từ gần 10 năm nay. Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam xin trích đăng một số nội dung trả lời của nhà báo Nguyễn Tuấn Anh tại buổi ghi hình chương trình.
Du học song ngành tại Mỹ, nam sinh Việt chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ đặc biệt nhất

Du học song ngành tại Mỹ, nam sinh Việt chia sẻ những trải nghiệm tuổi trẻ đặc biệt nhất

SVVN - Hứa Nhật Thạnh (năm thứ tư, học song ngành Toán học/ Khoa học Máy tính và Khoa học Chính trị, trường ĐH Columbia, Mỹ) ngoài thành tích học tập ấn tượng, Nhật Thạnh từng là thực tập sinh tại ngân hàng đầu tư hàng đầu phố Wall, đồng thời tích cực tham gia các dự án xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

Nữ sinh tóc xanh Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) đỗ học bổng toàn phần thạc sĩ châu Âu

SVVN - Với mái tóc ngắn nhuộm nổi bật, Hoài Thu là cô gái ngành kỹ thuật đam mê học hỏi, khám phá và không ngừng tiến bộ. Chỉ trong ba năm đại học, nữ sinh USTH hoàn thành 180 tín chỉ, học thêm tiếng Pháp, đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ, đi trao đổi và thực tập tại Ý, trước khi giành học bổng thạc sĩ Erasmus Mundus.
500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

500 đội viên, đoàn viên đồng diễn, xếp hình cờ hoa mừng 'Tết Độc lập' tại Nam Định

SVVN - Đồng diễn, xếp chữ, xếp cờ hoa chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 là hoạt động truyền thống hằng năm của các bạn học sinh tại Hải Hậu, Nam Định - một trong những địa phương 'ăn Tết Độc lập' lớn nhất cả nước với nhiều hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ quần chúng sôi nổi cả tháng.
Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

Thế hệ trẻ và Ngày Quốc khánh

SVVN - Ngày Quốc khánh 2/9 từ lâu đã trở thành một biểu tượng lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường và đoàn kết dân tộc. Đây là ngày để tưởng nhớ sự kiện trọng đại của đất nước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua góc nhìn của thế hệ trẻ ngày nay, ngày lễ vừa là cột mốc lịch sử, vừa là dịp để họ khám phá, thể hiện tình yêu quê hương theo cách riêng.