Tình cờ gặp ông trong một buổi “hội luận” với khách mời chủ yếu là giới trẻ, để nghe ông nói về đời sống, về trăn trở, về tuổi trẻ.
Dừng lại để tiếp tục, lùi ra xa để thấy rõ hơn
Trong lần thỉnh giảng mới đây tại ĐH FPT có người đã hỏi tôi: “Đang làm F&B (Food & Brevage) rất thành công sao ông lại nhảy sang nội thất (Furniture)?” “Có lẽ là có cùng chữ F”, tôi cười lớn khi đưa ra câu trả lời và tiếp rằng: “Tôi thành thật là chẳng biết gì về ngành này. Nhưng tôi thích được điều hành, đưa một đội ngũ hay thương hiệu trở nên mạnh. Bất kế là thương hiệu nào, được điều hành dẫn dắt nó trở nên mạnh hơn chính là đam mê của tôi. Đó chính là câu trả lời sau 5 năm ở Úc. Có lúc tôi dự định làm xuất nhập khẩu, từng dự định khởi nghiệp với công nghệ. Nhưng loay hoay nửa chừng thì “xìu”. Tôi nghĩ rằng khó nhất với một người, nhất là người trẻ, đó là đưa ra quyết định. Nhưng ở tuổi của tôi, phải đưa ra một quyết định mang tính sống còn với bản thân, lại càng khó”.
Gần 10 năm trước, khởi sự và đang thành công với thương hiệu Phở 24 có hơn 70 cửa hàng trong và ngoài nước, tôi bán công ty với giá 20 triệu USD. Lúc đó tôi có rất nhiều cơ hội để làm những thứ hấp dẫn khác. Một buổi sáng thức dậy, trong đầu tôi nảy một câu hỏi: “đây là lúc mình có cơ hội không làm gì nữa trong vài năm như ấp ủ. Dành toàn thời gian cho gia đình, không động tay chân đầu óc vào công việc? Lúc đó tôi vừa làm xong căn nhà vô cùng ưng ý ở Phú Mỹ Hưng, vừa ở được vài tháng. Ngay hôm sau, vợ chồng tôi mua vé máy bay và gói gém hành lý sang Úc ngay lập tức.
Ngoài kinh doanh, tôi mê nghệ thuật, nhất là vẽ tranh. Chính chúng ta luôn là một họa sĩ với giá vẽ là cuộc sống này. Trước một bức tranh, họa sĩ thường hay dừng lại, lùi ra xa ngắm bức tranh và trở lại vẽ tiếp. Đó là lúc tư duy sáng tạo và làm mới cảm xúc. Ngừng lại rồi vẽ tiếp nét cọ sẽ tốt hơn hì hục liên tục.
Cuộc sống ở Úc là một sự khác biệt. Có khi mua một bóng đèn Tàu vài chục đồng nhưng công thợ lắp ráp đến…800 đồng. Tôi hỏi mình: “Nếu cứ như thế này thì…chết”, hai vợ chồng cười vui với nhau. Thế là tôi phải tự tay cắt cỏ, mày mò tự sửa điện, làm mộc, đóng cái bàn cái ghế v..v Dần dần “tay nghề” nâng lên, tôi sửa được uôn ống cống, WC, làm hàng rào v..v Vậy là tôi khám phá ra: chính chúng ta hoàn toàn có thể làm những việc mà trước giờ mình luôn nghĩ là không thể, khi rơi vào một tình thế bắt buộc. Đôi khi, hãy quẳng mình vào một thử thách. Nó chẳng đe dọa mình đâu, mà là một cuộc khai mở điều tốt đẹp ẩn sâu bên trong. Người trẻ luôn cần thử thách như vậy, đừng quá an toàn.
Không có 2 từ “thất bại”
Ở Úc, tôi làm giảng viên ĐH Western Sydney. Thời gian rảnh, tôi lại vẽ tranh, viết lách và ngẫm nghĩ về thời cuộc, người thân v..v và giải một câu hỏi của bản thân lấn cấn suốt nhiều năm: “Thật sự mình muốn cái gì?. Hình như đây là câu hỏi ám ảnh cho nhiều người, nhất là lứa tuổi 40 trở lên. Đơn giản nhưng khó. Có những giai đoạn chúng ta rớt vào sự hoang mang: “mình là gì? Cần gì? Muốn gì?”.
Và câu trả lời tôi có được sau 5 năm: “Tự tay xây dựng một cái gì đó cho bản thân. Không nhất thiết phải kiếm quá nhiều tiền nhưng phải tự tay mình điều hành”. Tôi cũng nhận ra mình làm nhiều thứ không ưng ý với “đứa con tinh thần” Phở 24 mà lúc hăng say nhất lại không nhìn ra. Đó là khoảng nghỉ quý giá để tiếp tục. Tôi không nghĩ “già khó thay đổi, trẻ mới dễ”. Người lớn nhiều kinh nghiệm sống hơn để nhận ra sai lầm mà thay đổi. Người trẻ vồn vã và lý tưởng quá, không dễ chút nào. “Người lớn” khác “người già”. 30 tuổi biết sai mà không sửa là “già”. 70 tuổi biết lầm mà hoàn thiện mình thì vẫn “trẻ”. Tôi quyết định về Việt Nam.
Trong kinh doanh cũng như cuộc sống, luôn có hai cách để tiến lên: làm tốt hơn những cái cũ, hoặc hoàn làm cái mới. Nếu với Phở 24 là lần khởi nghiệp thứ nhất. Thời gian ở Úc có thể xem là lần thứ 2, để làm mới bản thân. Các bạn khởi nghiệp đừng để tâm sớm hay muộn, quan trọng nhất là đúng thời điểm. Trong từ điển của tôi không có 2 từ “thất bại”. Nếu có, tất cả chỉ là chưa đúng mong muốn. Thất bại là sự chấm hết. Còn không như mong muốn là kết quả để nhìn lại và tiếp tục cái mới. Trong thất bại cũng có cái đẹp, ngay cả bông hoa tàn.
Trong kinh doanh, nghệ thuật, viết sách, vẽ tranh v.v. cái đẹp vẫn hiện diện, ngay cả trong thất bại. Vậy thì các bạn sợ gì mà không đưa ra quyết định cho cuộc sống của mình. Người ta nói, khó nhất không phải là từ chối mà là đưa ra quyết định. Tôi muốn động viên và cổ vũ người trẻ, đừng hiểu tôi đang xúi dại!
KHOA TƯ (ghi)