Ám ảnh vì ‘ăn quả gì cũng phải gọt vỏ’, thầy trò nghiên cứu thuốc an toàn cho nông dân

0:00 / 0:00
0:00
Ám ảnh vì ‘ăn quả gì cũng phải gọt vỏ’, thầy trò nghiên cứu thuốc an toàn cho nông dân
SVVN - Từ những lo ngại về nông nghiệp lạm dụng thuốc trừ sâu độc hại, thực phẩm tồn dư hóa chất và môi trường bị hủy hoại, nhóm giảng viên và sinh viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) đã nghiên cứu giải pháp mới từ cây "neem" và giành giải thưởng quốc tế.

Dự án "Nanoneem" do TS Dương Nguyễn Hồng Nhung - Giảng viên khoa Công nghệ Sinh học, trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM) làm trưởng nhóm và do nhóm sinh viên của khoa đồng nghiên cứu, cùng sự hỗ trợ của một số sinh viên trường ĐH Ngoại thương.

Mới đây, dự án đã giành giải Nhất trị giá 30.000 đôla Canada và 4.200 đôla Canada học bổng từ Mosaic Summer School, tại cuộc thi “Sáng tạo kinh doanh xã hội năm 2021” (Social Business Creation – SBC), quy tụ các trường đại học từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Canada, Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Đức, Argentina, Mexico... Vì cách trở do dịch bệnh, cuộc thi năm nay phải diễn ra qua hình thức trực tuyến.

Ám ảnh vì ‘ăn quả gì cũng phải gọt vỏ’, thầy trò nghiên cứu thuốc an toàn cho nông dân ảnh 1

Nhóm nghiên cứu dự án Nanoneem của giảng viên và sinh viên trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM).

Theo nhóm nghiên cứu, từ năm 2012, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tương đương 3,6 kg thuốc trên mỗi hecta đất nông nghiệp, gấp 3 lần tại Mỹ. Đáng báo động hơn là đa phần các loại thuốc BVTV này đều là hóa chất độc hại và có tới 40% nông dân sử dụng thuốc không đúng quy trình.

Điều này dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng: Tồn dư hóa chất đọc hại trong thực phẩm, tổn hại sức khỏe cả nông dân lẫn người tiêu dùng, tăng khả năng kháng thuốc của sâu bệnh và tác động xấu đến môi trường.

Những vấn đề trên xuất phát từ thói quen sử dụng thuốc BVTV của nông dân, ít quan tâm đến độc tính của thuốc mà thường quan tâm đến giá rẻ và khả năng diệt sâu . Nhưng những người nông dân này không đáng trách.

Sau khi nghiên cứu thị trường, nhóm nhận thấy nguyên nhân sâu xa là nông dân thiếu cơ hội tiếp cận thuốc trừ sâu sinh học an toàn và hiệu quả với giá thành hợp lý giữa thị trường tràn ngập các lựa chọn độc hại lại rẻ.

Ám ảnh vì ‘ăn quả gì cũng phải gọt vỏ’, thầy trò nghiên cứu thuốc an toàn cho nông dân ảnh 2

Những ghi nhận của nhóm nghiên cứu về tác động tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

“Khi dự thi, tôi kể câu chuyện mẹ của mình luôn phải ngâm rau cả giờ đồng hồ, ăn trái gì cũng sợ độc, cũng phải gọt vỏ, từ ổi, táo đến cả quả nho bé tí. Đó không phải là chuyện hiển nhiên, mà cần phải thay đổi”, TS Hồng Nhung cho biết.

Một vấn đề nhức nhối khác là diện tích rừng "neem" (cây xoan Ấn Độ) bị thu hẹp dần. Đây là loại cây không chỉ có vai trò quan trọng với hệ sinh thái, giữ nước ngầm và chống xói mòn mà còn là loại thuốc trừ sâu tự nhiên hiệu quả và an toàn. Người dân chặt phá để trồng loại cây khác vì cây "neem" không mang lại hiệu quả kinh tế.

Với công nghệ nano, nhóm khắc phục được nhược điểm của thuốc trừ sâu từ cây "neem" là nhanh chóng phân hủy dưới ánh Mặt Trời, bằng cách chuyển hóa dầu "neem" thành dạng hạt nano, mang lại hiệu quả cao hơn, ổn định và tiết kiệm hơn.

Hoạt chất thiên nhiên từ cây "neem" được bao bọc trong các hạt nano với kích thước từ 1-100nm vì vậy ổn định và thẩm thấu tốt hơn để diệt sâu bệnh một cách hiệu quả.

Ám ảnh vì ‘ăn quả gì cũng phải gọt vỏ’, thầy trò nghiên cứu thuốc an toàn cho nông dân ảnh 3

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung -Trưởng nhóm nghiên cứu dự án.

Công nghệ nano giúp nanoneem có những chức năng tuyệt vời với giá thành thấp. Nanoneem được chứa trong các chai có dung tích khác nhau (tứ 100ml đến 5l), phù hợp với các đối tượng sử dụng khác nhau: Nông dân trồng trọt với mục đích kinh tế, các hộ gia đình trồng cây theo sở thích… có thể lựa chọn được sản phẩm phù hợp với diện tích vườn. Cứ 100ml Nanoneem có thể pha với 5 - 20l nước, chỉ cần phun 1 tuần/lần. Giải pháp này hữu dụng với nông dân trồng trọt kinh tế, có thể đạt chứng chỉ VietGAP hoặc GlobalGAP

Nhóm kỳ vọng Nanoneem không chỉ là giải pháp bảo vệ thực vật an toàn mà còn có những tác động xã hội sâu sắc: Hạn chế lạm dụng thuốc độc hại, giúp bảo vệ và mở rộng vùng trồng "neem" tại Ninh Thuận, tỉnh có diện tích cây nhiều nhất. Nanoneem sẽ giúp tăng không gian xanh đô thị. Thông qua đó, lợi ích kinh tế song hành với quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn.

Ám ảnh vì ‘ăn quả gì cũng phải gọt vỏ’, thầy trò nghiên cứu thuốc an toàn cho nông dân ảnh 4
Phần trình bày trực tuyến về dự án của nhóm tại cuộc thi SBC.

Trình bày trực tuyến về dự án của nhóm tại cuộc thi, TS Nhung cho biết thêm: “Trong quá trình dự thi, nhiều giám khảo đã ngỏ ý giúp mang sản phẩm đến thử nghiệm ở các thị trường Mỹ, Canada, New Zealand, chứng tỏ không chỉ ở Việt Nam mà nông nghiệp sạch luôn là vấn đề được các quốc gia quan tâm. Chúng tôi cam kết dự án sẽ dành 100% lợi nhuận để tái đầu tư vào công nghệ, hỗ trợ nông nghiệp xanh, bảo vệ rừng và môi trường. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được đầu tư cũng như sự ủng hộ về chính sách nhiều hơn nữa”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.