Một bài đăng trên Facebook gần đây đã thu hút sự chú ý và tranh luận của cộng đồng mạng với chia sẻ: "Tuy con 'chặn' mẹ trên Facebook nhưng con yêu mẹ nhiều lắm". Bên dưới bài đăng, dân mạng thi nhau chia sẻ những tình huống dở khóc dở cười khi mạng xã hội trở thành "chiến trường" giữa các thế hệ: “Hồi lâu tôi đăng bài thơ, bố tôi vào sửa thơ tôi, từ đó bố tôi không thấy tôi up thơ nữa…”, “Xài một nick làm con ngoan trò giỏi, hay đăng tus chăm học. Còn nick hiện tại hay đi bình luận “dạo” nên phải block từ gia đình đến họ hàng,...”, “Không bị soi nhưng bố mẹ thường áp đặt tư tưởng lên những bài mình đăng, mọi người hiểu mà”,...
Cần không gian riêng tư để thoải mái bộc lộ cá tính
Lập tài khoản Facebook từ năm 12 tuổi, đến nay, Nguyễn Bích Ngọc (21 tuổi, Hà Nội) vẫn chưa một lần kết bạn hay thậm chí sử dụng tài khoản mạng xã hội cá nhân để trò chuyện, nhắn tin với bố mẹ. Lý do được Ngọc đưa ra là vì cô bạn thường xuyên lướt mạng xã hội vào ban đêm và tham gia vào các diễn đàn trực tuyến. Nếu bố mẹ biết được thói quen này, chắc chắn Ngọc sẽ bị nhắc nhở và kiểm soát giờ giấc nghiêm ngặt. Ngoài ra, những bình luận vui vẻ, mang tính giải trí của Ngọc khi tương tác với bạn bè đôi khi lại bị người thân đánh giá là tiêu cực.
Nhiều bạn trẻ cho biết cần không gian riêng tư trên mạng xã hội để tự do bộc lộ cá tính. (Ảnh: AI) |
"Mình quyết định "chặn" không chỉ bố mẹ mà cả bà con hàng xóm trên mạng xã hội. Điều này không có nghĩa là mình không quý mến họ, mà đơn giản là mình muốn có một không gian riêng tư để tự do thể hiện bản thân, chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc mà không sợ bị ai đó phán xét hay can thiệp", Ngọc tâm sự.
Nguyễn Bảo Trân, sinh viên năm hai Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội lựa chọn tạo “ranh giới” rõ ràng giữa thế giới trực tuyến và cuộc sống gia đình từ khi còn là học sinh cấp ba. Quyết định kết bạn với bố mẹ trên Facebook, nhưng Bảo Trân vẫn khéo léo ẩn tất cả các bài đăng của mình để bảo vệ không gian riêng tư. Cô nàng chia sẻ: “Mình xem Facebook như một góc nhỏ của riêng mình, nơi bản thân có thể thoải mái thể hiện bản thân, chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc mà đôi khi không tiện nói ra với người thân”.
Giống như nhiều bạn trẻ khác, Trần Minh Kiên (23 tuổi, Thanh Hóa) đã tạo cho mình hai "cuộc đời" riêng biệt trên mạng xã hội. Một tài khoản, nơi chàng trai chia sẻ những khoảnh khắc tích cực, những thành tích đạt được để bố mẹ luôn yên tâm và hiểu rõ cuộc sống của con. Tài khoản còn lại, Kiên không kết bạn với bố mẹ, dành riêng cho những tâm sự, những sở thích cá nhân, nơi chàng trai trẻ có thể thoải mái tương tác với bạn bè mà không sợ bị đánh giá. Để có một không gian riêng tư thực sự, Kiên còn "chặn" cả họ hàng, anh chị em và những người quen khác.
Sống 2 "cuộc đời" là giải pháp giúp người trẻ vừa giữ sự liên kết với gia đình, vừa giữ được sự thoải mái cần thiết trên không gian mạng (Ảnh: AI) |
"Mình muốn bố mẹ luôn vui lòng và yên tâm về mình, nên mình đã tạo một tài khoản riêng để chia sẻ những điều tích cực. Nhưng bên cạnh đó, mình cũng cần một không gian riêng tư để thể hiện bản thân. Mình tin rằng việc cân bằng giữa hai "cuộc đời" này sẽ giúp mình vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, vừa có được sự thoải mái cần thiết", Kiên chia sẻ.
"Mình muốn bố mẹ luôn vui lòng và yên tâm về mình, nên mình đã tạo một tài khoản riêng để chia sẻ những điều tích cực. Nhưng bên cạnh đó, mình cũng cần một không gian riêng tư để thể hiện bản thân. Mình tin rằng việc cân bằng giữa hai "cuộc đời" này sẽ giúp mình vừa giữ được mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, vừa có được sự thoải mái cần thiết".
Bên cạnh nhu cầu về không gian riêng tư, bất đồng quan điểm giữa các thế hệ cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều người trẻ lựa chọn "chặn" người thân trên mạng xã hội. Mạng xã hội, với tính tương tác cao và sự đa dạng về thông tin, dễ dàng trở thành "chiến trường" của những cuộc tranh luận. Sự khác biệt về thế hệ, quan điểm sống, hay đơn giản chỉ là những hiểu lầm nhỏ nhặt cũng có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Để tránh những xung đột không mong muốn, nhiều bạn trẻ đã tìm cách hạn chế tương tác với người thân trên mạng bằng cách "chặn" kết bạn.
Gần đây, Lê Thùy Trang (20 tuổi, TP.HCM) đã gặp phải tình huống khá trớ trêu khi bị mẹ yêu cầu xóa kênh Instagram cá nhân. Nguyên nhân là do mẹ Trang vô tình phát hiện những hình ảnh xăm tay của cô trên trang cá nhân và không đồng tình với quyết định này. Dù đã cố gắng giải thích, Trang vẫn không thể thuyết phục được mẹ.
“Mình cảm thấy rất buồn khi mẹ không tôn trọng sở thích cá nhân của mình. Mình nghĩ rằng, mỗi người đều có quyền được tự do thể hiện bản thân, đặc biệt là trong không gian riêng tư trên mạng xã hội”, Trang chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý nói gì?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ ra rằng, nhu cầu khẳng định bản thân và bảo vệ không gian riêng tư là nguyên nhân chính khiến nhiều bạn trẻ hạn chế tương tác với bố mẹ và người thân trên mạng xã hội. Việc bị đánh giá hay can thiệp quá sâu từ gia đình khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy khó chịu. Bên cạnh đó, sự khác biệt về quan niệm và cách sử dụng mạng xã hội giữa các thế hệ cũng là một nguyên nhân dẫn đến hành động này.
"Việc "chặn" tài khoản người thân trên mạng xã hội có thể có nhiều tác động khác nhau đến tâm lý và mối quan hệ gia đình. Về mặt tích cực, điều này có thể giúp bạn trẻ cảm thấy thoải mái hơn, giảm bớt áp lực từ sự giám sát của gia đình và có thể tự do thể hiện bản thân. Tuy nhiên, về mặt tiêu cực, nó cũng có thể làm gia tăng sự cách biệt, tạo ra cảm giác xa cách, thiếu gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Việc này có thể là một biểu hiện của xu hướng tâm lý mong muốn giữ gìn không gian riêng tư, cũng như khẳng định quyền tự chủ của bản thân. Tuy nhiên, nếu không được xử lý khéo léo có thể dẫn đến những hiểu lầm và làm xấu đi mối quan hệ gia đình", ông nhận định.
Để giải quyết tình trạng xung đột trong việc sử dụng mạng xã hội, chuyên gia khuyên các bạn trẻ nên mở lòng chia sẻ với gia đình: "Thay vì "chặn" hoàn toàn, con cái có thể giải thích cho bố mẹ, gia đình về nhu cầu riêng tư của mình và thiết lập các giới hạn rõ ràng về những gì mà bản thân có thể thoải mái chia sẻ. Hơn nữa, các bạn trẻ có thể lựa chọn việc sử dụng các tính năng của mạng xã hội như danh sách bạn bè giới hạn hay nhóm riêng tư để kiểm soát nội dung mà mình chia sẻ. Điều quan trọng là cả gia đình cần tôn trọng lẫn nhau và duy trì sự tin tưởng với đối phương".
"Khi phát hiện con mình "chặn" trên mạng xã hội, thay vì tức giận, phụ huynh hãy xem đó là cơ hội để thấu hiểu con hơn. Hãy bình tĩnh trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ của con về không gian riêng tư. Một môi trường cởi mở, tôn trọng sẽ giúp cả hai gần gũi nhau hơn và giải quyết hiểu lầm một cách hiệu quả".
"Khi phát hiện con mình chặn trên mạng xã hội, thay vì tức giận, phụ huynh hãy xem đó là cơ hội để thấu hiểu con hơn. Hãy bình tĩnh trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ của con về không gian riêng tư. Một môi trường cởi mở, tôn trọng sẽ giúp cả hai gần gũi nhau hơn và giải quyết hiểu lầm một cách hiệu quả", ông cho biết thêm.