Những bữa cơm bình dị
Hơn bốn tháng nghỉ dịch vừa qua, bên cạnh việc học online mỗi ngày, Hoàng Thu Hà (sinh năm 2002, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) thường tranh thủ thời gian để quây quần bên gian bếp, học thêm nhiều công thức nấu ăn mới. Là một người trẻ yêu gia đình, Hà thật sự trân trọng khoảng thời gian hiếm hoi này để được ở cạnh người thân lâu hơn.
Hà thường xuyên đăng tải những bức ảnh về bữa cơm gia đình do mình tự nấu lên mạng xã hội. Cô cho biết: “Trước đây, đi học xa nhà, mình không có nhiều thời gian ngồi ăn bữa cơm cùng ba mẹ. Giờ đây, được ở bên gia đình lâu hơn, mình tranh thủ học hỏi từ mẹ, từ các kênh nấu ăn để tự tay nấu nướng, san sẻ giúp đỡ mẹ phần nào. Mình thấy hạnh phúc lắm!”.
Vì là người yêu thể thao nên Thu Hà khá chú trọng chế độ dinh dưỡng. |
Hà chia sẻ thêm, vì ba mẹ bận rộn nên từ những năm 11 - 12 tuổi, Hà đã tự học cách nấu những món đơn giản cho bản thân và cho em gái. Sau này, đi học xa nhà và ở cùng chị gái, vì chị cũng bận rộn nên cô thường giúp đỡ bằng cách nhận nhiệm vụ dậy sớm chuẩn bị bữa cơm. Do vậy, với Hà, chuyện nấu nướng đã quá quen thuộc. Thời gian ở nhà vừa rồi, cô coi đây là cơ hội gìn giữ những điều bình dị trong cuộc sống.
Những bữa ăn do tự tay Thu Hà nấu. |
Cùng lớp với Hà là cô bạn Thu Nghiệp, dịch này, Nghiệp bị kẹt lại tại TP. HCM nên không thể trở về quê. Do vậy, việc nấu nướng là cách giúp Nghiệp giải trí, đỡ buồn chán vì nhớ nhà. Là một cô gái yêu bếp núc, Nghiệp coi thời gian nghỉ dịch này là cơ hội quý giá để rèn luyện tay nghề. "Ngày nào mẹ cũng gọi điện cho mình để hỏi thăm tình hình cuộc sống ở Sài Gòn thế nào. Đã hơn bốn tháng rồi không được về nhà, mình cũng nhớ nhà lắm. Mình sống cùng anh nên việc nấu nướng mình phải đảm đương mỗi ngày. Cứ tự mày mò rồi nấu mãi nên mình thấy “nghiện” luôn!" – Thu Nghiệp bộc bạch.
Những bữa cơm tự tay Nghiệp chuẩn bị. |
“Tín đồ ăn vặt” tự chế biến tại nhà
Thời gian giãn cách kéo dài, mọi hoạt động ăn uống, giải trí đều phải tạm hoãn lại, điều này được coi là một cực hình đối với nhiều “tín đồ ăn vặt”. Vì thế, không ít bạn trẻ đã xoay sở bằng cách tự tìm tòi, nấu nướng tại nhà để thỏa mãn “cơn thèm”.
Nguyễn Ngọc Vân Ý (sinh năm 2002, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) là trường hợp như vậy. Từ nhỏ, Vân Ý đã được khơi niềm yêu thích với việc nấu nướng từ mẹ mình, thêm việc khéo tay hay làm, càng ngày cô càng “cứng tay nghề”. Là một người mê đồ ăn vặt nhưng dịch này không thể ra ngoài, cô ưu tiên việc nấu nướng tại nhà, học hỏi thêm nhiều công thức các món ăn mới từ mạng xã hội. “Hiếm lắm mới có khoảng thời gian về bên gia đình lâu như vầy, nên mình tranh thủ ở cạnh ba mẹ, đồng thời học nấu nướng nhiều hơn để không bị lụt nghề”, Vân Ý chia sẻ.
Vân Ý thích chế biến các món ăn trong thời gian nghỉ giãn cách. |
Món ăn vặt do Ngọc Duy chế biến. |
Một “tín đồ" mê ăn vặt khác như cô bạn Vân Ý là Phạm Ngọc Duy (trường ĐH Mở TP. HCM). Dù là con trai nhưng cậu bạn lại rất thích say mê nấu nướng. Duy chia sẻ: “Khi lên Sài Gòn học lại, mình ở trọ cùng vài đứa bạn. Tụi mình phải thay phiên nhau nấu nướng mỗi ngày, vì thế mùa dịch này mình tranh thủ tập nấu nhiều món hơn để khi lên lại Sài Gòn có thể nấu món mới cho tụi bạn”.
4 món ngon từ cơm nguội lan truyền trên mạng xã hội TikTok
Thời gian giãn cách, nhiều món ăn lạ liên tục xuất hiện trên mạng xã hội và được các bạn trẻ truyền nhau. Trong đó phải kể đến công thức chế món ngon từ cơm nguội đã trở thành trào lưu gây sốt, thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok.
4 món ngon được nhiều bạn trẻ yêu thích là bánh gạo cay (Tokbokki) từ cơm nguội có thể chế biến một cách đơn giản tại nhà. Tiếp đến là món cơm cháy chà bông mỡ hành từ cơm nguội, giòn thơm và không ngán. Tiếp theo là bánh đúc nóng từ cơm nguội, dễ ăn, lạ miệng và cuối cùng là bánh phồng tôm vàng, giòn, thơm từ cơm nguội. Nhờ đó, cơm nguội đã được các bạn trẻ tận dụng lại nhiều hơn trong việc chế biến món ăn vặt.