Bí quyết: Được học ngành mình thích
Nguyễn Phương Anh (sinh năm 1996, Hà Nội) là sinh viên khoa Ngôn ngữ Anh Trường ĐH Hà Nội. Cuối tháng 6/2018, Phương Anh đã tốt nghiệp với tấm bằng đạt loại Xuất sắc và hiện tại đang được giữ lại làm giảng viên. Được biết, 4 năm trước Phương Anh cũng là thủ khoa đầu vào của trường. Nữ giảng viên trẻ là 1 trong 88 gương mặt Thủ khoa xuất sắc của các trường học viện, đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018.
Phương Anh chia sẻ: “Mình khá bất ngờ vì trước đó không đặt mục tiêu phải đạt danh hiệu gì đó khi tốt nghiệp mà chỉ cố gắng hết sức mình. Trước hết khi nhận tin là thủ khoa của trường, mình đã bất ngờ và rất may mắn khi nghe Thành đoàn báo tin một lần nữa nên niềm vui nhân đôi”. Đối với Phương Anh, cảm xúc của 4 năm trước và hiện tại khi đều trở thành thủ khoa của trường có sự tương đồng và khác biệt nhất định: “2 danh hiệu đều mang lại cho mình những niềm vui như nhau nhưng 4 năm trước là kết quả của một quá trình rất dài còn 4 năm sau, mình nghĩ bản thân có nhiều may mắn hơn một chút.
Khi thi ĐH là một mình mình đi thi, làm bài nhưng 4 năm đại học để được danh hiệu như hiện tại còn có sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô. Cấp 3 là một bài thi để vào trường, còn ĐH lại là kết quả rèn luyện của cả 4 năm nên Phương Anh nghĩ điểm số cũng có sự đóng góp của nhiều tố khác nữa nên mỗi danh hiệu đều có một cảm xúc riêng”.
Ít ai biết rằng thời điểm trước khi thi ĐH Phương Anh từng nghĩ mình sẽ theo học một trường khác. Lớp 10, mơ ước nhen nhóm bấy giờ của Phương Anh là theo học một trường kinh tế nhưng đến năm lớp 11, cô bạn bắt đầu học thêm tiếng Anh. Cũng từ đó Phương Anh được truyền cảm hứng và đặt mục tiêu thi đỗ vào ĐH Hà Nội. “Mình học tiếng Anh của một cô giáo tại trường ĐH Hà Nội, nghe cô kể những câu chuyện, chia sẻ về việc cô đi du lịch ở Anh, học ở Úc và kể cô đi rất nhiều nơi trên thế giới, mình mới nhận ra: “À, hóa ra ngôn ngữ có thể đem lại cho mình rất nhiều điều hay mà trước giờ mình chưa từng nghĩ đến". Cách dạy của cô cũng truyền cảm hứng khiến Phương Anh bắt đầu chuyển hướng và nghĩ rằng bây giờ mình muốn trở thành giảng viên như cô, từ đó cũng hâm mộ trường ĐH Hà Nội”, Phương Anh kể về cơ duyên theo học ĐH Hà Nội.
Chia sẻ về “bí quyết” học tập để giữ vững phong độ của mình trong 4 năm qua Phương Anh cho rằng việc được học ngành mình thích chính là “bí quyết” tuyệt vời nhất: “Vì khi đó sẽ có động lực để cố gắng trau dồi. Khi học tiếng Anh, mình rất thích và có định hướng rõ ràng về tương lai rằng sẽ dùng những thứ học được để làm gì và định hướng phát triển tương lai như thế nào. Trong lúc học, lúc nào mình cũng hứng thú và em nghĩ có là động lực lớn nhất và bí quyết lớn nhất rồi”.
Ngoài học tập, Phương Anh cũng hăng hái tham gia công tác Đoàn, các hoạt động trường, khoa. Đặc biệt vượt qua rất nhiều vòng loại, phỏng vấn, kiểm tra kiến thức, Phương Anh là một trong những sinh viên được chọn trở thành TNV của Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC MRT năm 2017. Bên cạnh đó cô bạn cũng từng làm biên dịch viên thời vụ cho kênh VTV2. Với Phương Anh đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và sự tập trung cao độ vì yêu cầu phải trau chuốt ngôn từ hơn rất nhiều, đặc biệt là khi đưa lên TV.
Học đi đôi với hành
Trở thành thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chàng trai Đặng Thành Duy tự nhủ bản thân phải càng cố gắng hơn nữa để chạm đến ước mơ có được những công trình ấn tượng. Vốn sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều hoạt động lĩnh vực nghệ thuật, Thành Duy có được khả năng cảm thụ và có một cái nhìn sâu sắc về nghệ thuật. Với nỗ lực của mình, anh chàng này trở thành thủ khoa đầu vào năm 2013 của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp với 41 điểm (tổ hợp môn Ngữ văn – Vẽ hình họa – Bố cục màu). Và trong kỳ thi tốt nghiệp ĐH vừa qua, với số điểm 8.35/10 Thành Duy tiếp tục trở thành thủ khoa đầu ra của trường.
Thành Duy chia sẻ: “Bố mẹ mình đều là họa sĩ nên chắc mình được thừa hưởng một phần khả năng cảm thụ nghệ thuật của bố mẹ. Ngay từ khi còn nhỏ mình đã rất thích vẽ, và bố mẹ cũng định hướng theo con đường này. Thật may mắn khi những nỗ lực cố gắng của bản thân được đền đáp xứng đáng”. Theo Thành Duy thì việc quan trọng vẫn là thời gian học trên lớp để nắm bắt những kiến thức căn bản một cách hệ thống, từ đó sẽ có được nền tảng quan trọng. Với Duy khi ôn luyện môn Ngữ văn theo cách học “xương cá”, nắm bắt các ý chính, triển khai thành các ý nhỏ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Còn về hình họa và bố cục màu, anh bạn tiết lộ rằng nắm bắt từng bước, dựng hình chắc chắn rồi lên sáng tối không gian.
Quá trình học đại học, Duy luôn cố gắng tiếp thu những bài giảng của thầy cô, anh bạn cũng chú trọng các bài học thực hành thực tế. Vì có tiếp xúc thực tế thì những kiến thức mới trở nên có ý nghĩa. Với các đồ án chuyên ngành, Thành Duy tìm kiếm và khai thác những ý tưởng mới lạ, độc đáo với những cảm xúc sâu sắc. Thành Duy tâm sự: “Đôi lúc có thể ra ngoài phố, nhâm nhi một cốc cà phê để lấy lại tinh thần rồi tiếp tục làm việc, học tập. Vì thực ra những ý tưởng hay không phải lúc nào cũng xuất hiện bên bàn học. Thế nên ngoài thời gian ở trường thì mình gặp bạn bè, đi đây đó để mở mang tầm hiểu biết”.
Trong quan niệm của anh chàng này, đời người chỉ có một lần để sống, làm những gì mình thích, thổ lộ với người mình yêu một cách chân thành để sau này khi nhìn lại quãng đường đã qua sẽ không phải thở dài tiếc nuối. Khi làm việc Duy nghiêm túc và cẩn trọng, nhưng ngoài đời anh cởi mở, dễ gần và luôn rạng ngời nụ cười trên môi. Bởi thế, nhiều khi rơi vào trạng thái căng thẳng, áp lực, anh tìm cách không để bản thân đánh mất niềm lạc quan vốn có. Thành Duy mong muốn sẽ trở thành một người có thể tạo nên những công trình mang đến hạnh phúc cho mọi người. “Những công trình đó không cần vô địch mà chỉ cần có ích, và được đón nhận trong sự hân hoan, thế là đủ”, Duy nói. Duy không bao giờ cho phép bản thân cẩu thả, qua loa trong bất cứ khâu nào của công việc, anh cho rằng mình “khó tính” nhưng chính sự cẩn trọng đó làm nên phong cách riêng của Duy.
Nắm vững môn cơ bản và môn chuyên ngành
Đỗ Mỹ Linh (sinh năm 1996, quê Hưng Yên) là Thủ khoa cả đầu vào và đầu ra của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội năm 2018. Mỹ Linh là Thủ khoa đầu vào của Khoa Truyền hình. Khi còn học cấp 3, cô là học sinh của trường THPT Chuyên Ngoại Ngữ, ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Mỹ Linh học tiếng Anh và tiếng Trung từ thời cấp 3. Cô rất thích học ngoại ngữ. Sau này lên Đại học tập trung vào chuyên ngành nhiều hơn, nhưng Linh vẫn muốn trau dồi thêm về ngoại ngữ của mình. Linh nghĩ rằng học ngôn ngữ không chỉ là học tiếng nói, mà còn học về văn hóa của ngôn ngữ đó. Vì vậy cô vẫn mong muốn có thể học thêm một ngôn ngữ khác. Linh thường thích đọc các tài liệu về chuyên môn của mình bằng Tiếng Anh, ngoài ra, các nước phát triển cũng có những chương trình truyền hình rất hay, nên cô rất thích xem để có thể học tập được cách sản xuất của họ.
Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đặc thù khác với đa số các trường đại học ở môi trường học thiên về nghệ thuật, với nhiều phần thực hành hơn lý thuyết. Tuy nhiên, những phần lý thuyết đó cũng đóng vai trò rất quan trọng. Linh chia sẻ bí quyết để có thành tích học tập tốt khi học tại ngôi trường này: “Khi học, em thường cố gắng nắm rõ những kiến thức các môn cơ bản và môn chuyên ngành. Đây là nền tảng vững chắc giúp em đỡ bị bỡ ngỡ hơn khi bắt đầu đi vào thực hành”.
Một trong những bài học đầu tiên mỗi khi lên lớp của thầy giáo chủ nhiệm là câu hỏi: “Tuần này có những sự kiện gì mà các em quan tâm?” Lúc đầu, cả lớp rất tò mò khi thầy hỏi câu hỏi đó. Nhưng nhờ thầy giải thích, sinh viên hiểu được để làm một biên tập viên, mình phải có sự nhạy bén với các thông tin, những điều mà khán giả đang tò mò, và giúp họ trả lời những vấn đề đó. Đó chính là một trong những cách tìm đề tài để sản xuất chương trình. “Khi học chuyên ngành Biên tập truyền hình, chúng em thường thực hành bằng những phóng sự, bản tin. Còn nhớ, những lần đầu tiên làm bài tập, em cảm thấy bị “ngợp” khi nhận thấy công việc của một biên tập viên không chỉ có dẫn dắt chương trình trên sóng truyền hình, mà còn là rất nhiều những công việc phía sau hậu trường, là sự phối hợp của rất nhiều người: từ đạo diễn, biên tập viên, quay phim và rất nhiều những thành phần khác, để có thể gửi tới khán giả những chương trình thú vị. Vì vậy, em nhận thấy để học tốt chuyên ngành này, mình phải trau dồi thêm cách làm việc nhóm, tính cẩn thận để công việc của mình không làm ảnh hưởng đến các phần công việc khác”. Linh cho biết: “Em nghĩ thành tích học tập tốt là một điều quan trọng, tuy nhiên đó không phải là con đường duy nhất để mình đạt được thành công. Có lẽ lí do khiến em đạt được thành tích tốt là do em đã xác định đúng được khả năng và đam mê của mình”.