1. Quản lý và phân bổ thời gian hiệu quả
Bạn Nguyễn Phương Thảo, cử nhân tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng tiếng Anh), trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, trước hết tân sinh viên cần rèn luyện cho bản thân kỹ năng quản lý thời gian. Theo đó, Thảo cho rằng việc cân bằng giữa học tập, các mối quan hệ xã hội và công việc là điều vô cùng quan trọng. Để giải quyết bài toán thời gian, cô bạn đã tập trung vào việc xác định rõ các ưu tiên và tận dụng các công cụ hỗ trợ như Google Calendar, Microsoft To Do.
“Cuộc sống sinh viên không chỉ bao gồm học tập mà còn nhiều các khía cạnh đời sống khác như tình bạn, tình yêu, công việc,… bởi vậy quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Tập trung vào các ưu tiên và sử dụng công cụ hỗ trợ quản lý thời gian như Google Calendar đã giúp mình sắp xếp thời gian hiệu quả”, cô bạn cho biết.
Tương tự, bạn Đinh Thanh Hương, sinh viên xuất sắc khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng cuộc sống đại học không chỉ gói gọn trong sách vở. Bên cạnh việc quản lý và phân bổ thời gian, cân bằng giữa việc học tập trên lớp, tân sinh viên cũng nên dành thời gian trải nghiệm, khám phá thành phố nơi mình đang theo học để có thêm những kiến thức, trải nghiệm thực tế.
2. Cần lên lộ trình học tập
Nguyễn Thị Hằng, cử nhân tốt nghiệp Xuất sắc khoa Ngữ Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ rằng việc xác định rõ mục tiêu ngay từ khi bước chân vào giảng đường là vô cùng quan trọng. Mục tiêu sẽ được chia nhỏ thành những giai đoạn khác nhau, từ ngắn hạn đến dài hạn.
Nguyễn Thị Hằng cho rằng năm nhất là thời điểm thích hợp để tân sinh viên đầu tư vào việc phát triển bản thân. |
"Chẳng hạn, bên cạnh việc chuyên tâm vào kiến thức chuyên ngành, năm nhất là thời điểm thích hợp để tân sinh viên đầu tư vào việc phát triển bản thân thông qua việc học ngoại ngữ, tham gia các câu lạc bộ và hoặc kiếm một công việc làm thêm", Hằng chia sẻ.
Cùng quan điểm với Hằng, Nguyễn Thanh Phương, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng việc lên kế hoạch chi tiết là yếu tố then chốt để thành công trong học tập. Theo Phương, việc chia nhỏ các mục tiêu lớn thành những nhiệm vụ nhỏ hơn, kèm theo đó là đặt ra thời hạn cụ thể sẽ giúp sinh viên tạo động lực và tránh tình trạng trì hoãn.
"Một khi đã có kế hoạch, việc quan trọng nhất là thực hiện đúng kế hoạch đó. Lười biếng và trì hoãn chính là những trở ngại lớn nhất mà mỗi sinh viên cần vượt qua", Phương chia sẻ.
3. Tìm phương pháp học tập phù hợp với bản thân
Thảo chia sẻ, để học tốt ở bậc đại học, việc tìm ra phương pháp học tập phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Với khối lượng kiến thức khổng lồ ở mỗi bài giảng, việc xây dựng những phương pháp học tập hiệu quả sẽ giúp tân sinh viên tiếp thu kiến thức được nhanh và hiệu quả hơn. Bản thân Thảo đã kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, như vẽ sơ đồ tư duy để hình thành mối liên kết kiến thức giữa các bài học, học nhóm để cùng nhau giải quyết những bài tập khó. Nhờ đó, việc học trở nên thú vị và "dễ ngấm" hơn, giúp cô nàng đạt được kết quả cao trong cả môn chung và môn chuyên ngành.
Thảo đã kết hợp nhiều phương pháp học tập khác nhau, như vẽ sơ đồ tư duy, học nhóm để "dễ ngấm" kiến thức hơn. |
Tống Thái Thiên, thủ khoa phương thức xét tuyển ưu tiên năm 2021 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM, chia sẻ rằng bí quyết học tập của mình chính là việc xây dựng một hệ thống kiến thức chặt chẽ. Thay vì cố gắng "ôm đồm" quá nhiều thông tin, Thiên tập trung vào việc nắm vững từng phần kiến thức cơ bản và liên kết chúng lại với nhau thành một chuỗi logic.
Ngoài ra, chàng trai trẻ cũng rất chú trọng đến việc sử dụng hình ảnh và sơ đồ để trực quan hóa kiến thức. Việc kết hợp hình ảnh với văn bản giúp Thiên ghi nhớ thông tin một cách hiệu quả hơn.
4. Đừng ngại đặt câu hỏi
Hằng cho rằng đại học là môi trường khuyến khích sinh viên chủ động tìm tòi và tương tác. Do đó, cô nàng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc 'đừng ngại đặt câu hỏi'. Theo Hằng, thầy cô và bạn bè là những nguồn tài nguyên quý giá giúp sinh viên giải đáp thắc mắc và mở rộng kiến thức. Việc đặt câu hỏi sẽ giúp sinh viên giải tỏa những thắc mắc của mình, có nhiều kiến thức mới mà thầy cô không chia sẻ hết. Thường xuyên đặt câu hỏi với người dạy sẽ giúp sinh viên phát huy tinh thần sáng tạo và khả năng tư duy của mình.
"Đại học chú trọng việc tự tìm hiểu và khả năng tương tác, chính vì vậy, một kĩ năng quan trọng mà các bạn nên có chính là "đừng ngại đặt câu hỏi", đối tượng các bạn có thể trao đổi chính là thầy cô trực tiếp giảng dạy hay cả bạn bè trong lớp, trong khoa, đây là một nguồn tài nguyên vô cùng đáng giá giúp bạn khắc sâu kiến thức cũng như mở rộng hiểu biết về vấn đề", Hằng chia sẻ.
5. Tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa
Thanh Hương cho rằng việc tham gia các hoạt động trong và ngoài trường không chỉ giúp trau dồi kỹ năng mà còn mở ra nhiều cơ hội mới. Qua việc thử sức ở những vị trí khác nhau, Hương đã có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ những người truyền cảm hứng, từ đó không ngừng hoàn thiện bản thân.
Hương chia sẻ: "Mình thường chọn những hoạt động liên quan đến sở thích cá nhân như ca hát, ngoại ngữ. Điều này giúp mình vừa được thỏa mãn đam mê vừa có cơ hội học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước."
Ngọc Hà áp dụng phương pháp "7 -3": 70% thời gian cho việc học và 30% thời gian còn lại cho các hoạt động ngoại khóa. |
Để cân bằng giữa việc học tập và các hoạt động ngoại khóa, Lê Thị Ngọc Hà, cử nhân xuất sắc Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ công thức "7-3" của bản thân. Cụ thể, Hà dành 70% thời gian cho việc học và 30% thời gian còn lại cho các hoạt động ngoại khóa. Cô nàng cho rằng việc học tập là mục tiêu đầu tiên mà sinh viên cần hướng tới, nhưng việc dành thời gian cho các mối quan hệ xã hội và hoạt động ngoại khóa cũng không kém phần quan trọng.
Ảnh: NVCC