Tại buổi nói chuyện với các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sinh viên các trường đại học và Công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM với chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ” ngày 6/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cho rằng, nền kinh tế tri thức chính là tương lai của thế giới, và những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ là yếu tố quyết định thành công của quốc gia, địa phương đó; đồng thời khẳng định vai trò tiên phong của giới trẻ không chỉ tri thức chuyên môn mà còn sự nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân.
Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi phát biểu chào mừng diễn đàn. (Ảnh: WEF) |
"Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung. Đất nước đang cần những cá nhân có bản lĩnh, có trí tuệ và lòng yêu nước để xây dựng và đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng trong tương lai", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Cũng tại buổi nói chuyện, GS Klaus Schwab có những chia sẻ về bức tranh tổng quan của nền kinh tế tri thức gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, trong đó có Việt Nam, qua đó nhìn nhận những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế tri thức.
Theo GS Klaus Schwab, bạn trẻ Việt Nam phải được trang bị kiến thức mới của thời đại 4.0 để xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, bền vững theo hướng chuyển đổi công nghiệp; giao lưu hỏi đáp với các doanh nhân trẻ, doanh nhân sáng tạo, doanh nhân khởi nghiệp, sinh viên tiêu biểu về vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong nền kinh tế tri thức, tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Quang cảnh tại diễn đàn. (Ảnh: WEF) |
GS Klaus Schwab cho rằng, sự phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong vài thập kỷ qua là minh chứng cho khả năng phục hồi, sự linh hoạt và quá trình hoạch định chính sách có chiến lược của đất nước.
"Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại và sản xuất toàn cầu. Khi bước vào kỷ nguyên trí tuệ, Việt Nam cần tiếp tục thay đổi, tận dụng công nghệ số để duy trì lợi thế cạnh tranh của mình", GS Klaus Schwab nói.
“Việt Nam với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6 đến 7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30 tuổi, là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD vào năm 2050”, GS Klaus Schwab nói.
Cũng theo GS Klaus Schwab, 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam, đó là: Trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa trong sản xuất; thương mại điện tử và dịch vụ số; hạ tầng số và đô thị thông minh; phát triển bền vững và công nghệ xanh.
GS Klaus Schwab đã có nhiều chia sẻ thú vị tại diễn đàn. (Ảnh: WEF) |
Nói về vai trò của thế hệ trẻ trong kỷ nguyên trí tuệ, GS Klaus Schwab cho rằng, 5 yếu tố: Linh hồn đại diện cho mục đích; bộ não đại diện cho tri thức; trái tim đại diện cho đam mê; lòng trắc ẩn, cơ bắp đại diện cho hành động; hệ thần kinh đại diện cho sự kiên cường phải cùng phối hợp hiệu quả:
"Thế hệ trẻ không chỉ trở thành nhà lãnh đạo trong cuộc sống của chính mình, mà còn trở thành người dẫn dắt xã hội, để thể đưa Việt Nam bước vào tương lai, hướng tới một thế giới sáng tạo, bình đẳng và bền vững”, GS Klaus Schwab nhìn nhận.
GS Klaus Schwab trò chuyện với trí thức trẻ và sinh viên các trường đại học TP. HCM tại diễn đàn. (Ảnh: WEF) |
Tham dự chương trình PGS. TS Võ Thị Ngọc Thúy – Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen cho biết: “Những chia sẻ của GS Klaus Schwab sẽ giúp cho doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp, trí thức trẻ, sinh viên... tiếp cận tầm nhìn của một chuyên gia kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu về kinh tế tri thức. Thế hệ trẻ TP. HCM hiểu rõ hơn vai trò của nguồn nhân lực, của công nghệ trong sự phát triển kinh tế. Đồng thời là cơ hội để trí thức trẻ thành phố nắm bắt những cơ hội toàn cầu, kết nối với thế giới và ngược lại trong xu thế phát triển của nền kinh tế tri thức”.
GS Klaus Schwab, sinh năm 1938 tại Ravensburg (Đức), là một nhà kinh tế và kỹ sư nổi tiếng toàn cầu. Ông là Người sáng lập và Chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Dưới sự lãnh đạo của ông, WEF đã trở thành một nền tảng toàn cầu tập hợp các nhà lãnh đạo thảo luận về các vấn đề cấp bách như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Ông có bằng Tiến sĩ Kinh tế từ ĐH Fribourg và bằng Tiến sĩ Kỹ thuật từ Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Zurich (ETH Zurich). Sau đó, ông hoàn thành Thạc sĩ Quản trị Công cộng tại trường Chính phủ John F. Kennedy tại ĐH Harvard.
Ở tuổi 33, ông thành lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Dưới sự hướng dẫn của ông, WEF đã phát triển thành một nền tảng toàn cầu tập hợp các nhà lãnh đạo để giải quyết các vấn đề quan trọng như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
GS Klaus Schwab đã đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế toàn cầu. Ông đã khởi xướng nhiều sáng kiến và dự án quan trọng, bao gồm Quỹ Schwab về Doanh nhân Xã hội, Cộng đồng Global Shapers, mạng lưới Lãnh đạo Toàn cầu trẻ và các sáng kiến về Cách mạng Công nghiệp thứ tư.