Truyền tải văn hóa thường nhật qua thời trang
Từ lúc 5 tuổi, Thanh Hưng đã có niềm say mê mãnh liệt với thời trang. Mặc dù lớn lên tại một huyện nhỏ, không được tiếp cận với các kênh thông tin về thời trang nhưng anh vẫn kiên trì theo dõi các chương trình về thời trang vào mỗi Chủ Nhật hằng tuần và may váy áo cho búp bê bằng vải thừa. Thanh Hưng bộc bạch: “Suy nghĩ rằng nhất định sẽ trở thành một nhà thiết kế thời trang đã theo mình suốt quá trình trưởng thành. Đến khi theo học ngành Thiết kế Thời trang, được trải nghiệm nhiều khía cạnh trong lĩnh vực này thì niềm đam mê của mình càng cháy bỏng hơn”.
Việc nhận được danh hiệu Thủ khoa tốt nghiệp ngành Thiết kế Thời trang là sự công nhận cho thành quả lao động của Thanh Hưng. Anh bộc bạch: “Mình có được kết quả này là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của giảng viên hướng dẫn, của những người bạn đồng hành cũng như là sự động viên của gia đình trong suốt 4 tháng theo đuổi đồ án”.
Đối với Thanh Hưng, danh hiệu Thủ khoa là một món quà khích lệ tinh thần, là động lực để anh cố gắng, chăm chỉ hơn trong tương lai. |
Ý tưởng đồ án tốt nghiệp của Thanh Hưng đến từ những hình ảnh trong khu chợ đã gắn bó với anh từ thuở nhỏ đến khi trưởng thành. Trang phục trong bộ sưu tập của Thanh Hưng được tạo tác từ các chất liệu như: vải dù, vải thun, vải in ép nhiệt, vải có độ xuyên thấu... Ngoài ra, anh cũng tự tạo ra những chất liệu riêng bằng các phương pháp xử lý bề mặt chất liệu cũng như xử lý rập. Thanh Hưng giải thích: “Những chất liệu này cũng được lấy ra từ đề tài mà mình chọn. Vải dù, vải được xử lý bề mặt được lấy từ các vật dụng ở chợ như là dù, bạt. Vải thun, vải in thì mình lấy ra từ đồ bộ của các cô ở chợ. Còn vải xuyên thấu mình lấy từ những chiếc áo mưa”.
Thanh Hưng hồi tưởng: “Thông qua bộ sưu tập này, mình muốn kể câu chuyện cá nhân. Với mình, chợ là nguồn cội vì trong chợ có hình ảnh mẹ mình mặc đồ bộ - hình ảnh đẹp đẽ nhất trong tâm trí mình cho đến tận bây giờ. Ngoài ra, mình còn muốn tôn vinh những giá trị văn hóa thường nhật của người Việt Nam. Mình muốn biến những điều tưởng chừng bình dị, dân dã thành “ngôn ngữ thời trang” và truyền tải đến mọi người”.
Hành trình theo đuổi đam mê thời trang của Thanh Hưng có rất nhiều kỷ niệm quý giá. |
Hưng khẳng định, để phát triển trong ngành thời trang vốn luôn cạnh tranh đầy khốc liệt, mỗi nhà thiết kế cần tin tưởng vào khả năng của bản thân, sẵn sàng học hỏi điều mới mà vẫn giữ cái hồn, giá trị cốt lõi của bản thân. Đồng thời, anh nhấn mạnh việc kiên định trong định hướng tương lai và tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Theo Thanh Hưng, xu hướng thời trang tương lai sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, anh hy vọng rằng việc đưa đời sống thường nhật vào thời trang sẽ được quan tâm, chú ý nhiều hơn nữa. Bản thân Thanh Hưng cũng sẽ cố gắng để truyền tải điều này thông qua những thiết kế của mình.
Quyết không bó buộc trong một phong cách
Đối với Thanh Hưng, khó khăn lớn nhất khi theo đuổi đam mê chính là vấn đề tài chính. Anh thổ lộ: “Nhiều bạn phải giảm tiền sinh hoạt để làm ra những sản phẩm hoàn thiện. Tuy nhiên, với sự nhiệt huyết và đam mê, chúng mình đều vượt qua và hoàn thành thật tốt các đồ án”.
Thông qua bộ sưu tập này, Thanh Hưng muốn kể câu chuyện cá nhân và tôn vinh những giá trị văn hóa thường nhật. |
Là người thích sự linh hoạt, Thanh Hưng quyết không bó buộc bản thân trong giới hạn, phong cách nhất định nào. Đối với Hưng, phong cách xuất phát từ đề tài, anh luôn nỗ lực để vừa phát huy sự sáng tạo, vừa tôn trọng đề tài đã chọn. Đến nay, Thanh Hưng đã hoàn thành một bộ sưu tập và 6 đồ án nhỏ trên trường; 3 bộ sưu tập cho các thương hiệu thời trang trong nước.
Chia sẻ về nguồn cảm hứng sáng tác, Thanh Hưng cho biết, ngày trước, anh thường tìm những chủ đề ấn tượng, những cái mình chưa hiểu nhiều. Sau hành trình quan sát và trải nghiệm, anh dần nhận ra những điều gần gũi xung quanh cũng có thể trở thành “chất liệu vàng” cho sáng tác thời trang. Chỉ cần nhà thiết kế tận tâm cảm nhận và quan sát, mọi thứ đều có thể trở thành cảm hứng.
Thanh Hưng ấp ủ dự định phát triển bộ sưu tập tốt nghiệp thành một thương hiệu thời trang Việt kể về Việt Nam từ những điều bình dị nhất. |
Theo Thanh Hưng, hai yếu tố quan trọng nhất để tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường thời trang hiện nay chính là câu chuyện và khách hàng. Anh chia sẻ: “Câu chuyện được kể bằng sản phẩm, thiết kế bao bì, hình ảnh trên mạng xã hội sao cho thu hút được mọi người và được mọi người đón nhận. Còn đối với khách hàng thì mình cần nghiên cứu kỹ lưỡng mong muốn của họ để có thể truyền tải trọn vẹn thông điệp sản phẩm”.
Sắp tới, Thanh Hưng sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê với vai trò là nhà thiết kế thời trang và Stylist tự do. Anh còn ấp ủ dự định phát triển bộ sưu tập tốt nghiệp thành một thương hiệu thời trang Việt kể về Việt Nam từ những điều bình dị nhất.