Bên cạnh việc khẳng định mang đến một bộ phim đời nhất - tình nhất - hài nhất với người bố hoàn toàn khác, những đứa con khác, số phận khác, mâu thuẫn khác, những mắt xích chân thật về tình cảm gia đình, cũng như tạo ra những cảm xúc đặc biệt với loạt OST của Ali Hoàng Dương và Phan Mạnh Quỳnh, Bố già bản điện ảnh còn khiến khán giả đứng ngồi không yên khi tung toàn bộ tạo hình của dàn diễn viên trong phim.
Ba Sang (Trấn Thành) là một thợ sửa điện của xóm với gương mặt khó đăm đăm, Hai Giàu (NSND Ngọc Giàu) lại thể hiện phong cách “giàu sang" khi chễm chệ ngồi trước cửa hàng gạo do mình làm chủ, Tư Phú (Hoàng Mèo) sở hữu nụ cười đôn hậu trái ngược với hình ảnh đanh đá của bà vợ - thím Ánh (Lan Phương) khiến người xem tin đây sẽ là cặp đôi trái dấu hài hước.
Riêng nhân vật Út Quý (La Thành) lần đầu được giới thiệu trong dàn dân cư ở “Bố Già" bản điện ảnh cũng mang đến những hình ảnh rất đời, có thể liên tưởng đến một chú xe ôm với nụ cười thân thiện. Trong khi đó, Quắn (Tuấn Trần) lại trở thành dấu chấm hỏi cho nhiều khán giả. Bên cạnh vẻ ngoài thu hút, anh chàng xuất hiện bên cạnh cây đàn cùng bảng nút vàng Youtube.
Cùng với bộ poster các nhân vật, Bố già bản điện ảnh còn sở hữu dàn diễn viên thực lực. Nếu NSND Ngọc Giàu cho rằng: “Vai bà Hai Giàu là một vai phản diện, làm chị mà không biết thương em. Má rất thích cái vai như vậy nó mới có đất diễn cho mình”. Còn cậu quý tử nhà bà Hai Giàu - Bình Lợi (Quốc Khánh) bày tỏ: “Đây là mẫu nhân vật sống rất thực dụng, lúc nào cũng muốn giành lợi ích về phần mình. Tất cả nhân vật phản diện đều có lý do”.
Trong khi đó, các tuyến vai như Cẩm Lệ (Lê Giang), Ba Phú (Hoàng Mèo), thím Ánh (Lan Phương) và Út Quý (La Thành) cũng khiến khán giả hết sức tò mò khi tiết lộ rằng, với Bố già bản điện ảnh, họ được thỏa sức thể hiện những cá tính, những suy nghĩ và sự sáng tạo của mình dành cho nhân vật. Từ đó, không chỉ màu sắc hay tính cách mà lời thoại, tạo hình lẫn cử chỉ của từng nhân vật cũng tạo nên những đặc trưng khó quên trong lòng khán giả.