Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, các thành viên Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 tham dự tại 63 điểm cầu.
Thông suốt triển khai công việc và xử lý tình huống
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn tới các bộ, ngành, cơ quan đã tham gia Ban Chỉ đạo thi quốc gia trong những năm qua và hỗ trợ, hợp tác với tinh thần trách nhiệm cao cùng với Bộ GD - ĐT để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mong rằng, năm nay Ban Chỉ đạo cấp quốc gia sẽ tiếp tục hoàn thành tốt công việc theo kế hoạch đã được phân công".
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn
Nhấn mạnh tính chất định kỳ hằng năm, cũng như yêu cầu, đòi hỏi cao của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho biết: Kỳ thi được diễn ra trong toàn quốc, được xã hội quan tâm, kết quả của kỳ thi được sử dụng cho nhiều yêu cầu về chuyên môn và các mục đích khác nhau, cho nên chỉ đạo và các yêu cầu luôn rất cao. Đặc biệt, trong thời điểm này, khi đang thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì sự quan tâm của xã hội càng lớn hơn nữa với Kỳ thi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Theo Bộ trưởng, Kỳ thi năm nay, học sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ - chương trình 2006, với chương trình và sách giáo khoa cũ, tuy nhiên, tinh thần đổi mới đang trong thời điểm thực hiện ở tất cả các lớp, các chương trình, chứ không chỉ là thi theo chương trình cũ. Kỳ thi năm nay có một vài điểm mới, điều chỉnh, cho nên các yêu cầu đối với việc tập huấn, quán triệt thực hiện phải được chuẩn bị rất chu đáo.
“Từ góc độ là người chịu trách nhiệm cao nhất của Bộ đối với Kỳ thi này, tôi bày tỏ mong muốn, kỳ vọng tất cả lãnh đạo các tỉnh/thành phố trong cả nước đang đóng vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh phát huy hết tinh thần trách nhiệm, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền. Đối với tính toàn quốc của kỳ thi nhưng cấp tỉnh đã được quy định rất rõ trách nhiệm, quyền hạn, yêu cầu, nên rất mong các đồng chí đã trách nhiệm lại càng trách nhiệm”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đánh giá cao nhiều tỉnh/thành phố ngoài triển khai các hướng dẫn của Bộ còn cẩn thận chuẩn bị theo các yêu cầu riêng của địa phương, Bộ trưởng đề nghị: Ban Chỉ đạo các cấp bám rất chắc các yêu cầu trong Chỉ thị 17 ngày 29/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời có sự thống nhất, liên thông, kết nối thông suốt giữa các cấp và các Ban Chỉ đạo để thực hiện được đầy đủ Chỉ thị 17.
Trong các công việc cần chuẩn bị, Bộ trưởng lưu ý Ban chỉ đạo địa phương có sự ưu tiên cho chuẩn bị về phương diện kỹ thuật, trang thiết bị. “Năm nào chúng ta cũng lưu ý thận trọng nhưng thực tế cho thấy, đôi khi chỉ trang thiết bị chưa tốt sẽ dẫn đến hệ quả. Chúng ta rút kinh nghiệm ngay kỳ thi lớp 10 vừa rồi của một địa phương, chỉ mờ một chút thôi đã phát sinh nhiều vấn đề phải xử lý. Do đó, cần ưu tiên trang thiết bị tốt nhất. Nhưng cũng không phó thác hoàn toàn cho trang thiết bị, sự kiểm tra của con người, yếu tố con người thận trọng cũng là rất cần thiết. Ưu tiên thiết bị, con người quan tâm phối hợp - các điều đó mới đảm bảo được các khâu yên tâm, an toàn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý các nội dung về tập huấn cho cán bộ coi thi, lực lượng phối hợp, hướng dẫn cho học sinh, đặc biệt là với cán bộ coi thi để các công việc được tinh thông, đầy đủ, thành thạo.
Đối với công việc như in sao đề thi, vận chuyển đề thi, bảo quản, vận chuyển, giao nộp bài thi, Bộ trưởng mong các địa phương lên nhiều phương án, đề phòng trường hợp có thời tiết bất thường, thiên tai và mong các đơn vị của Bộ Công an sẽ phối hợp tốt trong cả khâu đề thi và bài thi.
Phòng chống cháy nổ và đảm bảo không cắt điện trong thời gian diễn ra kỳ thi, khu vực in sao đề thi, chấm thi ưu tiên cũng là lưu ý của Bộ trưởng với các Ban Chỉ đạo thi địa phương.
Riêng về công tác truyền thông, thông tin, bao gồm cả thông suốt trong ngành dọc, trong toàn bộ công tác chỉ đạo, Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo địa phương có kế hoạch để thông tin đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng như phụ huynh, cho lực lượng phối hợp, nhân dân được biết các thông tin tổ chức kỳ thi, chính sách, các nội dung xã hội quan tâm.
“Thông suốt trong triển khai công việc và xử lý các tình huống. Công tác thông tin, truyền thông cũng là một phần của công tác tổ chức thi đảm bảo cho sự thành công của Kỳ thi”, Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị các địa phương còn vấn đề gì vướng mắc liên quan trao đổi ngay và kịp thời để Bộ GD - ĐT và Ban Chỉ đạo quốc gia có thể xử lý.