Ngày 16/5/2024 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 đã diễn ra với chủ đề “Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển Đại học định hướng đổi mới sáng tạo”, nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo trong hệ thống giáo dục Đại học của Việt Nam.
Nội dung Diễn đàn nhấn mạnh việc phát triển các trụ cột chính là Chính sách - Đào tạo - Nghiên cứu, chuyển giao tri thức, giúp tập trung và sâu rộng hóa các vấn đề quan trọng, từ việc xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho đổi mới, đến việc cải thiện quy trình đào tạo và tăng cường nghiên cứu cũng như chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường Đại học ra cộng đồng, doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024. |
Tham dự chương trình có TS. Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc Hội; TS. Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội; ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Quốc Trung - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Phùng Quốc Chí - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT; ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN; ông Trịnh Xuân Hiếu – Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ GD&ĐT… cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các trường Đại học, Cao đẳng trong cả nước.
PGS. TS Phạm Bảo Sơn: “Đổi mới sáng tạo đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới.” |
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội chia sẻ rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Nếu như các trường đại học không có năng lực đổi mới sáng tạo thì giáo dục đại học và khoa học công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển.
PGS. TS Phạm Bảo Sơn cho rằng: “Diễn đàn ĐMST Quốc gia với các chủ để thảo luận thiết thực là một việc làm cần thiết không chỉ để gắn kết các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực KHCN&ĐMST của cả nước mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng công tác KHCN&ĐMST ở Việt Nam hiện nay, phân tích các bài học thành công và học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng như trong nước từ đó đề xuất các giải pháp gắn kết các thành phần của hệ sinh thái ĐMST, tăng cường chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KHCN&ĐMST gắn với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để KHCN&ĐMST thực sự dẫn dắt, định hướng sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.”
Ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại Diễn đàn. |
Chia sẻ về việc phối hợp giữa các cơ quan, liên ngành để thực hiện ĐMST, khởi nghiệp, ông Trần Duy Đông – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng: “Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rằng việc đổi mới, sáng tạo khoa học công nghệ là động lực cho sự phát triển, với những mục tiêu như đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế… Để thực hiện được mục tiêu này, các cơ quan liên quan cần phải hợp tác chặt chẽ với các cơ sở đào tạo, để các trường không chỉ là nơi cung cấp kiến thức mà còn là môi trường lý tưởng để khuyến khích và hỗ trợ cán bộ, những nhà trí thức, khoa học, sinh viên trong phát triển các ứng dụng, các ý tưởng; các sản phẩm mô hình đổi mới sáng tạo và trong thực tiễn.”
Ông Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Đột phá không phải sự phát triển mang tính tuyến tính mà là sự phát triển có tính chất bước nhảy.” |
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Minh Sơn – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ rằng hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp, ĐMST bao gồm: cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST gắn với hoạt động KHCN, đào tạo, ươm tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường bao gồm cả nguồn lực quốc tế, tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, ĐMST trong giảng viên, sinh viên. Bộ tiêu chí được kỳ vọng là cơ chế quan trọng để đánh giá, ghi nhận nỗ lực và kết quả của các cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động KHCN, ĐMST và hỗ trợ khởi nghiệp; giúp các đơn vị tự đánh giá các hoạt động của mình từ đó định hướng và tổ chức triển khai tốt hoạt động thúc đẩy KHCN, ĐMST, khởi nghiệp, góp phần nâng cao uy tín, vị thế nhà trường.
TS Tạ Đình Thi: “Các trường Đại học đóng vai trò trụ cột, tiên phong trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia.” |
Tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: KHCN & ĐMST được Đảng, Nhà nước ta xác định là động lực, một trong những đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, coi khoa học và công nghệ và ĐMST là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu: Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Lễ ra mắt Ban Điều hành Mạng lưới ĐMST và Khởi nghiệp Đại học – Cao đẳng Việt Nam (VNEI). |
Tại Phiên toàn thể, TS. Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN đã có những nhận định về xu hướng quốc tế trong phát triển hệ sinh thái ĐMST tại cơ sở Đại học, Cao đẳng; nêu bức tranh toàn cảnh về ĐMST tại các trường Đại học tại Việt nam đồng thời đưa ra những góp ý, đề xuất về cơ chế, chính sách. Nhiều mô hình ĐMST hay của các trường Đại học trên thế giới được đưa ra như: mô hình Teaching Factory – Trường Đại học Công nghệ NanYang; mô hình giảng dạy Learning By Developing – Laurea University (Phần Lan)...
GS. TS Nguyễn Hữu Đức - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo trình bày tham luận. |
Diễn đàn cũng đã lắng nghe tham luận của GS. TS Nguyễn Hữu Đức trình bày về các kinh nghiệm khởi nghiệp và ĐMST của các trường Đại học trên thế giới, những gợi ý, ứng dụng cho nền giáo dục Đại học tại Việt Nam; tham luận của ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK Holdings, Chủ tịch mạng lưới VNEI về “Xây dựng mô hình tổ chức ĐMST thúc đẩy chuyển giao, thương mại hoá sản phẩm KHCN trong trường Đại học.”
Lễ Trao quyết định kết nạp các thành viên mới của VNEI. |
Ông Nguyễn Trung Dũng đánh giá rằng chuyển giao và thương mại hóa công nghệ từ trường Đại học ra thị trường là một yếu tố quan trọng đối với sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ trong việc tạo điều kiện cho việc này là cực kỳ quan trọng. Cần có các cơ chế và chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh". Việc tạo ra các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển giao công nghệ, cùng với việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và sinh viên có ý tưởng sáng tạo là cần thiết. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường Đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả nhất.
Tại Diễn đàn, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQGHN cũng phát động các chương trình khởi nghiệp và ĐMST: Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Công nghệ RnD to Startup 2024, Chương trình Ươm tạo và thương mại hóa sản phẩm công nghệ VNU X-Sience, Chương trình Hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhà khoa học VNU-IP.
Ảnh: Lê Trung