Đam mê nghiên cứu khoa học
Thành Nam sinh ra trong một gia đình có truyền thống quân đội. Ông bà hai bên và các chú bác của Nam là quân nhân. Ban đầu, bố Nam cũng có gợi ý cho Nam thi và học một ngành quân đội. Nam cũng đã đăng kí và trúng tuyển. Tuy nhiên, biết mình thích và đam mê kỹ thuật - công nghệ hơn nên Nam đã quyết định theo học ngành Cơ Điện tử, khoa Cơ khí Chế tạo máy, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM.
Năm 2016 là năm đầu tiên Nam bước chân vào giảng đường đại học. Đây cũng là lần đầu tiên trường tổ chức cuộc thi múa rối nước tự động. Nam đã giành được giải cao nhất của cuộc thi, trước nhiều đối thủ nặng ký trong trường, là các anh chị sinh viên năm thứ hai đến năm thứ tư. “Khi đó, mình mới chỉ là sinh viên năm thứ nhất nên kiến thức về chuyên ngành gần như là số 0. Tuy nhiên, mình biết rằng, học Kỹ thuật thì luôn phải học hỏi vì công nghệ hiện đại sẽ cập nhật từng ngày, dừng lại là tụt hậu. Vậy nên, không biết thì mình hỏi các anh khóa trên, hỏi thầy, tìm hiểu lý thuyết về truyền động, các cơ cấu truyền động, biến đổi chuyển động đơn giản như cơ cấu CAM... Sau đó, mình xin phép các thầy ở xưởng gỗ cho mình làm mô hình nhỏ ở xưởng gỗ trước. Các thầy, các anh chỉ cho rất nhiều thứ về ngành gỗ. Mình làm mô hình để thử chuyển động và mang cho thầy Trưởng khoa Cơ khí Chế tạo máy (thầy Nguyễn Trường Thịnh) xem thử. Thầy góp ý cho mình nhiều về các thiếu sót và mình lên kế hoạch khắc phục. Sau khi thử nghiệm ổn hết thì mình bắt đầu đi gia công bằng kim loại, sau đó mới tiến hành gắn động cơ, rồi chạy thật. Việc mình giành được giải thưởng cao nhất cũng bất ngờ với chính bản thân mình”, Nam nhớ lại.
Với vẻ thư sinh, Lương Hữu Thành Nam là gương mặt nổi bật tại trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. (Ảnh: NVCC)
Sau cuộc thi đầu tiên này, Nam cũng hiểu thêm nhiều về các bước tiến hành làm một sản phẩm là như thế nào, rút ra được nhiều bài học thực tế khi làm việc. Cũng nhờ có cuộc thi mà theo anh chàng cũng đã giúp bản thân tránh xa các cám dỗ khi mới xa nhà để lên thành phố theo học.
Từ bước tạo đà giải thưởng cuộc thi “Múa rối nước tự động”, Nam cùng nhóm bạn đã chinh phục nhiều giải thưởng khác: Giải Nhì cuộc thi tài năng khoa Cơ khí Chế tạo máy năm 2016, giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2018, giải Nhì Sinh viên viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2019, giải Nhất và giải Ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2019…
Nam (ngoài cùng, bên trái) nhận giải Nhì cuộc thi "Sinh viên Startup năm 2019". (Ảnh: NVCC)
Những giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học thực sự quan trọng đối với Nam. Để có được các giải thưởng này, Nam và các thành viên trong nhóm đã nỗ lực trong suốt những năm trên giảng đường, với sự nhiệt tình hướng dẫn của thầy Trưởng khoa Nguyễn Trường Thịnh. “Trong quá trình nghiên cứu khoa học, thầy đã định hướng cho tụi mình biết rất nhiều thứ, những công nghệ mới và những phạm trù tìm hiểu mới so với các cuộc thi khác… Vì đây là những cuộc thi mang tính chất nghiên cứu (tính hàn lâm cao) nên tụi mình đã nghiên cứu những công nghệ khá mới để áp dụng vào đề tài. Các cuộc thi nghiên cứu khoa học đã mang lại cho mình khả năng đọc các công bố khoa học quốc tế, mạng lại cho mình khả năng tìm kiếm thông tin và đó trở thành thói quen hữu ích nhất trong tất cả vấn đề mình cần giải quyết sau này”, Nam chia sẻ.
Nam trong chuyến đi Singapore tham dự cuộc thi "Youth innovation awards 2019". (Ảnh: NVCC)
Thử sức với khởi nghiệp và viết báo cáo khoa học
Cuộc thi “Sinh viên Startup 2019” hoàn toàn khác lạ so với các cuộc thi trước đó Nam đã tham gia. Thay vì mang tính nghiên cứu, mang tính kỹ thuật thì cuộc thi này tập trung nhiều về khả năng lên kế hoạch kinh doanh, từ giai đoạn ý tưởng, xác định đối tượng khách hàng cho đến các vấn đề về nguồn lực... Nam cho biết, ban đầu chuẩn bị cho cuộc thi, cậu thật sự bị sốc vì có quá nhiều thứ mình chưa biết, vậy nên phải ngày đêm tìm hiểu, hỏi han kinh nghiệm của các thầy đã từng startup... “Mình cũng rút ra được nhiều thứ ngoài kỹ thuật nhưng rất quan trọng trong startup. Ngoài ý tưởng thì mình nghĩ phải chuẩn bị chu đáo về mọi phương diện, như tài chính, nhân sự... Chính việc lên kế hoạch cụ thể và chứng minh được khả năng thành công và lợi ích dự án mang lại cho xã hội nên nhóm mình đã may mắn được Ban Giám khảo trao giải Nhì chung cuộc”, Nam chia sẻ.
Qua những lần dự hội nghị quốc tế, Nam biết thêm được nhiều thứ về công nghệ cũng như các vấn đề gặp phải của các công nghệ mới. Đồng thời, anh bạn cũng tìm ra được nhiều giải pháp hữu ích cho các vấn đề ấy. “Nhờ các chuyến đi nên mình mới hiểu được xu hướng công nghệ trên thế giới là gì, họ có gì và họ áp dụng công nghệ gì, sau đó nhìn lại mình có gì để chọn ra công nghệ tương ứng cho mình”, Nam bộc bạch.
Nam (thứ nhất bên phải) và nhóm bạn trong lần đoạt giải Nhất giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa Euréka năm 2019. (Ảnh: NVCC)
Hiện tại, Nam đã có 6 bài báo đăng trên các tạp chí và hội nghị quốc tế. Cũng nhờ tham gia nhiều dự án nghiên cứu khóa học và tham gia viết báo cáo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học uy tín mà Nam có nhiều cơ hội được tham dự các hội nghị về robot và trí tuệ nhân tạo tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Indonesia… Đồng thời, anh bạn còn tham gia trực tiếp chế tạo các máy tự động khác cùng nhóm nghiên cứu: Máy bán sim tự động, máy bán hàng, robot tuyển sinh, robot massage, robot Mla. “Trong quá trình chế tạo robot cũng như nghiên cứu các dự án để tham dự cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học, nếu kết quả nghiên cứu chỉ để mang đi thi thì thật phí phạm, vậy nên thầy Trưởng khoa đã hướng dẫn mình viết báo khoa học, ghi lại kết quả nghiên cứu”, Nam tâm sự.