Lớp 6, Thịnh Đa tình cờ xem trên mạng và ngay lập tức ấn tượng với lĩnh vực giải phẫu cũng như cách các khớp của búp bê di chuyển. Lúc đó, cậu đã mua đất sét về nặn thử và dần trở nên “mê mẩn”. Sau một năm tìm hiểu cơ bản về nghệ thuật nặn búp bê, Thịnh Đa xác định nghiêm túc theo đuổi bộ môn này từ cuối năm lớp 7. Đất sét và resin (một loại nhựa nhân tạo tổng hợp) là hai nguyên liệu chủ yếu mà Thịnh Đa dùng để sáng tạo búp bê.
Vì còn là học sinh, Thịnh Đa phải cân bằng thời gian dành cho đam mê và học tập. Cậu chỉ làm búp bê vào buổi tối các ngày trong tuần hoặc thứ Bảy, Chủ Nhật nên mất nhiều thời gian để hoàn thành sản phẩm, trung bình từ 3 - 4 tháng. Thịnh Đa nhớ nhất là búp bê sứ đầu tiên được cậu kiên trì thực hiện trong ba năm.
Một tác phẩm búp bê của Thịnh Đa. |
Mỗi búp bê của Thịnh Đa cần trải qua các công đoạn: Làm khung xương, nặn, làm mịn, trang điểm, căng dây và làm quần áo. Trong đó, làm mịn là công đoạn tốn thời gian nhất. Về trang phục, cậu tham khảo từ nhiều nguồn và biến tấu theo cách riêng rồi vẽ ra và đưa cho thợ may. Phần “hồn” của sản phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu và được Thịnh Đa trăn trở nhiều. “Mình cố gắng làm theo cảm xúc và đặt tình cảm vào đó để thu được kết quả tốt chứ không theo một công thức nào”, chàng trai nhấn mạnh.
Mỗi một tác phẩm búp bê, Thịnh Đa phải bỏ nhiều công sức để tạo tác. |
Trước khi bắt tay vào làm, Thịnh Đa chuẩn bị sẵn một số vật liệu cơ bản như đất sét, màu, lông dê cho phần tóc, dây căng búp bê và vải may quần áo. Trong quá trình thực hiện, cậu luôn mang mặt nạ chống độc để tránh hít phải bụi mịn từ việc chà nhám.
Hình tượng các tác phẩm thường được Thịnh Đa chọn lọc từ đời sống. Đó có thể là người nổi tiếng mà cậu yêu thích hoặc chính câu chuyện xung quanh. Đa từng làm một tác phẩm mang tên “Bạch biến” với cảm hứng từ người bạn thân mắc căn bệnh này. Thông qua tác phẩm ấy, cậu mong muốn truyền tải thông điệp tích cực, để bạn mình lạc quan và tự tin hơn trong cuộc sống.
Phần hồn cho búp bê được Thịnh Đa chú trọng trong mỗi tác phẩm. |
Những sản phẩm búp bê giúp Thịnh Đa kiếm được một phần thu nhập nhỏ, chủ yếu sử dụng để mua nguyên liệu. Bên cạnh đó, cậu cũng gặp phải khó khăn khi theo đuổi đam mê vì đây là bộ môn nghệ thuật chưa thịnh hành tại Việt Nam: “Ở Việt Nam, bộ môn này còn khá mới mẻ nên hầu như không có tư liệu để mình tham khảo. Do vậy, mình phải tự tìm tòi, học hỏi qua mạng và sách vở. Nhiều khi, mình thấy nản nhưng rồi lại quyết tâm làm tới cùng. Cũng nhờ nặn búp bê, mình rèn luyện được tính tự lập, sự tập trung, bình tĩnh và nhất là khả năng quan sát”.
Đa kiên trì theo đuổi bộ môn này trong nhiều năm. |
Tính đến nay, Thịnh Đa đã làm nhiều sản phẩm búp bê với đủ kiểu dáng, mẫu mã. Tác phẩm làm ra hướng đến đối tượng là các nhà sưu tầm nghệ thuật nói riêng và những người đam mê cái đẹp nói chung, với mục đích trưng bày hoặc sử dụng làm mẫu cho các trang phục.
Dịch bệnh kéo dài, Thịnh Đa có nhiều thời gian rảnh nhưng nguyên liệu lại thiếu vì không thể đi mua. Sau dịch, cậu dự định sáng tạo thêm búp bê bằng resin, đa dạng biểu cảm, đồng thời tăng cường các sản phẩm không trang điểm, không có sẵn quần áo để người mua có thể thoả sức biến tấu theo sở thích.