Ấp ủ ước mơ từ bé
Từ nhỏ Thắng đã là người yêu thích nghệ thuật, đặc biệt là thích vẽ và phối màu. Về phía gia đình, khi thấy Thắng thường tốn nhiều thời gian để vẽ nên đã ngăn cấm, không muốn làm ảnh hưởng đến việc học của anh. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thắng quyết định thi vào trường ĐH Lâm nghiệp, chuyên ngành Thiết kế nội thất theo mong muốn của gia đình.
Vì học ngành không yêu thích, dẫn đến việc Thắng chểnh mảng trong học tập. Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định thôi học để theo đuổi đúng đam mê vẽ của bản thân. “Đến với hội họa là một cái duyên và là bước ngoặt của cuộc đời mình. Trong một lần ngồi vẽ nghịch tại phòng trọ bằng bút chì, cô chủ xóm trọ vô tình nhìn thấy những tác phẩm đó của mình nên sau đó cô có đề nghị mình vẽ cho cô vài hình để trang trí quán cà phê. Mặc dù chưa từng vẽ thể loại tranh tường này nhưng vì đam mê nên mình vẫn nhận. Trong lần đi vẽ đó, mình nhận ra đây là công việc mà mình thật sự yêu thích, từ đây mình quyết định thôi học đại học để chuyên tâm luyện vẽ”, Thắng nhớ lại động lực thôi thúc mình theo đuổi đam mê.
Tác phẩm "Thu xưa" của Chiến Thắng. (Ảnh: NVCC) |
Ban đầu, Thắng cũng có hỏi một số thầy để theo học, đặc biệt là vẽ tranh sơn dầu nhưng đều bị từ chối vì bản thân anh là “tay ngang”. Không còn lựa chọn khác nên anh quyết định tự tìm tòi, học hỏi. Bằng tài năng vốn có và niềm đam mê của mình, chỉ sau 8 tháng tự học và nghiên cứu, anh đã tự tin cùng một người bạn mở phòng tranh. Sau 6 tháng thì bạn của Thắng quyết định chuyển về nhà, còn anh thì vẫn ở lại tìm hiểu thêm về nghề điêu khắc gỗ để kiếm thêm thu nhập và nuôi dưỡng cho đam mê hội họa của mình.
Tác phẩm "Nhà thờ Cửa Bắc" của Chiến Thắng. (Ảnh: NVCC) |
Thành công từ những bức tranh sơn dầu
Quách Chiến Thắng có tình yêu mãnh liệt với dòng tranh sơn dầu. Để lý giải cho điều này, anh chia sẻ: “Mình đặc biệt thích tranh sơn dầu của các danh họa thời Phục Hưng và lấy đó làm kim chỉ nam cho dòng tranh mình theo đuổi. Sơn dầu là chất liệu hoàn thiện nhất trong lịch sử hội họa và độ bền đã được chứng minh qua nhiều thế kỷ”. Theo Thắng, muốn hoàn thiện một bức tranh sơn dầu đòi hỏi ở người họa sĩ sự tỉ mỉ, tính nhẫn nại và một chút năng khiếu. “Cái khó nhất vẫn là việc phối màu, phủ sơn sao cho tranh thật sự có hồn, đồng thời phải giữ được cho tranh độ tươi sáng về lâu dài”, 9X cho biết.
Tác phẩm "Hà Nội chiều Thu" của Chiến Thắng. (Ảnh: NVCC) |
Là một người yêu thích cuộc sống bình dị và giản đơn thường ngày, nên quê hương và các góc phố thân thương là chủ đề sáng tác chính của chàng họa sĩ 9X này. Giống như những kiệt tác của danh họa Bùi Xuân Phái, Chiến Thắng đã đưa hình ảnh cổ kính của Hà Nội vào tranh sơn dầu, anh cho rằng đó là cách thể hiện tình yêu đối với quê hương thông qua hội họa.
Sau khoảng thời gian nỗ lực không ngừng nghỉ, chàng họa sĩ trẻ cuối cùng đã thu về những trái ngọt đầu tiên. Tranh của anh bắt đầu được nhiều người biết đến qua các buổi đấu giá. Nghề vẽ đã có thể giúp chàng họa sĩ trẻ có thêm thu nhập để nuôi dưỡng ước mơ. Chiến Thắng tâm sự: “Mình rất vui và cảm thấy tự hào khi những bức tranh sơn dầu mặc dù còn nhiều thiếu sót nhưng vẫn được mọi người biết đến và đón nhận tích cực, điều này cho mình thêm niềm tin và động lực để bước tiếp trên con đường hội họa còn nhiều chông gai”. Ngoài ra, Chiến Thắng còn quyết định trích 80% số tiền bán tranh cho quỹ “Gieo Gạo ủng hộ miền Nam chống dịch COVID-19”, anh xem đây là việc cần thiết để giúp đất nước vượt qua thời điểm khó khăn này. Hiện tại, chàng trai Thủ đô có cho mình một phòng tranh nhỏ ở khu di tích Làng cổ Đường Lâm. Đây là điểm đến của những người yêu tranh, yêu nghệ thuật trong và ngoài nước.
Tác phẩm "Góc phố mùa hoa ban" của Chiến Thắng (Ảnh: NVCC). |
Nói về những dự định trong tương lai, Chiến Thắng bộc bạch: “Mình sẽ tiếp tục cố gắng học hỏi và hoàn thiện bản thân để có thể cho ra những tác phẩm có chất lượng cao hơn. Mong muốn lớn nhất là tranh của mình có thể xuất hiện ở các buổi triển lãm, đó là niềm vinh dự rất lớn đối với bất kỳ người họa sĩ nào”.