Xã hội vẫn có cái nhìn chưa thiện cảm với game thủ, khi những câu chuyện đau lòng xung quanh game vẫn luôn nóng hổi và gây nhức nhối. Câu chuyện bỏ học để đi theo game của Lê Quang Duy có thể khiến nhiều người nghĩ khác. Nhưng khi chàng trai trẻ này thành công vượt bậc, có thu nhập tiền tỉ và một sự nghiệp chuyên nghiệp. Đó lại là cảm hứng để thay đổi một nếp nghĩ.
Chàng trai sinh năm 1998 đã thi đấu chuyên nghiệp từ năm 2012, khi anh chỉ mới là một cậu bé 14 tuổi. Trong mắt người hâm mộ Liên minh Huyền thoại Việt Nam, Quang Duy là thần tượng của rất nhiều thế hệ ở tất cả vị trí và ở tất cả các giải đấu mà anh chàng này tham gia ngay khi bắt đầu sự nghiệp: Á quân VCSA 2015 Summer 2015, Vô địch Glorious Arena: Season 4, Vô địch Dell Invitational Cup IV 2013...
Con đường đến với game của Duy khá quen thuộc với những “ác cảm” về môn này: Trốn học chơi game - bị phát hiện - cấm – lai trốn tiếp. Một ngày nọ, Duy quyết định nghỉ buổi học tiếp theo để thi đấu một giải game chung kết cùng đội của mình và bị bố mẹ phát hiện ngăn cản. Một người anh trong nhóm đã đại diện, đến tận nhà để thuyết phục phụ huynh cho Duy được nghỉ một buổi. Cái lý mà cả nhóm đưa ra là: “Duy có năng khiếu thiên bẩm. Nếu ngày hôm nay, chúng cháu thua, cháu sẽ đưa em về nhà và không bao giờ cho em chơi game nữa”.
Ngày hôm đấy, SofM trở về với chức Vô địch Hành Trình huyền thoại 2013, giải đấu lớn nhất nước khi đó. Đó cũng là lúc cả nhà Duy đành tin rằng cấm cản không còn là biện pháp ngăn cấm sự quyết tâm. Chi bằng cứ để ước mơ đó được nuôi dưỡng.
Không lâu sau đó, Quang Duy đưa ra một quyết định có thể khiến nhiều người không tán thành: nghỉ học để theo đuổi game chuyên nghiệp. Nhưng với Duy, nghỉ học không có nghĩa là ngừng học hỏi, chỉ đi chơi, mà là theo đuổi môi trường chuyên nghiệp để tiến bộ hơn với một nghề đúng nghĩa còn lạ lẫm tại Việt Nam: game thủ.
Lạ một chỗ, Quang Duy vốn là một học sinh giỏi. Tính tình hiền lành, ít nói và đã thích gì thì luôn làm đến cùng, chu toàn hết mực. Khi đã quyết định chọn game, Duy toàn tâm toàn ý cho game.
Tháng 5/2016, SofM chính thức ký kết hợp đồng và gia nhập Snake Esports - LPL, trở thành ngoại binh đầu tiên ở khu vực này mà không phải là người Hàn Quốc. Trong suốt những năm từ 2016 trở đi, SofM đã không ít lần giành về giải thưởng cho team và cả bản thân, nâng tên tuổi của mình lên tầm cao mới. Rất nhiều thành tích của Duy khiến giới game thủ châu Á phải ngưỡng mộ: Hạng Ba 2020 Summer, Á quân Demacia Championship 2017, Á quân VCSA 2016 Spring 2016, Tại lễ trao giải thường niên của LPL, anh chàng được đề cử cho 3 giải thưởng của LPL 2020, bao gồm: Ngoại binh hay nhất, Đi rừng xuất sắc nhất, và Tuyển thủ xuất sắc nhất (MVP).
Năm 2016, sau khi đã đạt thành công nhất định định và trở nên nổi tiếng ở Việt Nam, Quang Duy ra nước ngoài thi đấu để theo đuổi đến cùng giấc mơ được phát triển tối đa. Có 2 lựa chọn khi đó là Mỹ hoặc Trung Quốc, đều là các cường quốc về game và có hệ thống thi đấu chuyên nghiệp, nơi game thủ được công nhận là một nghề chính đáng và có thu nhập rất cao. Anh chàng quyết định chọn Trung Quốc vì sự gần gũi và nền thể thao điện tử phát triển. Duy đầu quân cho Suning, CLB game thuộc hàng lớn nhất nước này.
“Môi trường chuyên nghiệp ở đây giúp tôi chơi tốt hơn, và quen dần hơn với hệ thống giải đấu và nền thể thao điện tử phát triển như một ngành công nghiệp”, Duy chia sẻ. Khó khăn với anh chàng và cũng như nhiều game thủ khác khi đánh chuông xứ người là ngôn ngữ và sinh hoạt.
Trong suốt mùa giải đầu tiên, dù có phiên dịch viên riêng cho các ngoại binh, nhưng áp lực của việc không thể giao tiếp một cách tự nhiên và thoải mái khiến cho Duy khó hòa nhập. Thêm vào đó, lịch tập luyện dày đặc và những áp lực khủng khiếp của giải đấu khốc liệt bậc nhất thế giới đẩy chàng thanh niên mới chỉ 18, 19 tuổi phải đối mặt với khó khăn. Đã có lúc Duy nghĩ đến việc quay về, nhưng khi nghĩ đến mục tiêu và lý do ra đi, anh chàng lại nén buồn để tiếp tục. Thay vì chán, Duy lao vào học thêm tiếng Trung và chỉ trong thời gian ngắn, cậu đã có thể giao tiếp tốt với đồng đội.
Ở Suning, Quang Duy cùng đồng đội viết nên một câu chuyện cổ tích ở LPL, khi đưa đội vào tranh chung kết thế giới 2020 với Damwon, đội game hàng đầu thế giới hiện nay. Thời điểm đó, sự kiện này gây chấn động làng game Việt Nam khi tất cả đều hướng về trận chung kết để cổ vũ người đã tạo ra bước ngoặt lịch sử, đặt dấu ấn đầu tiên của làng game Việt Nam trên đấu trường lớn nhất thế giới.
Đến năm 2020, thu nhập của Duy được truyền thông nước ngoài tiết lộ khoảng hơn 65 tỷ đồng/năm tức khoảng gần 6 tỷ/tháng. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều vận động viên thể thao điện tử trên thế giới.
Ở thời điểm hiện tại, thành công của SofM là niềm cảm hứng cho cả một cộng đồng game thủ. Ngay cả những người không theo dõi về game cũng đã biết đến câu chuyện về chàng trai có gương mặt hiền khô đã đạt được những gì trên con đường của mình. Nhưng trên hết, câu chuyện của Duy là điển hình về dám đi một con đường khác để khẳng định giấc mơ và tạo ra cảm hứng lẫn cách nhìn mới cho cộng đồng.