Đem nghệ thuật mới đến với nhiều người
Tuấn Khôi cho biết, nghệ thuật vẽ trên thủy tinh ra đời ở châu Âu từ rất lâu, khi người phương Tây sử dụng tranh kính để trang trí các nhà thờ, cung điện. Những ô cửa bằng kính hay những tác phẩm thủy tinh được vẽ lên khi ánh sáng xuyên qua, tạo nên các sắc màu ảo giác, thủy tinh trở nên lung linh và huyền diệu vô cùng.
Sau gần 4 năm đến với nghệ thuật này, giờ đây, Khôi hiện đang sở hữu website ArtKglass, với thương hiệu riêng cùng tên. Tuy nhiên, do chưa có điều kiện hoạt động mở rộng nên hiện tại, Khôi chỉ bán hàng “online” trên “fanpage” Kolorpay shop- handmade, theo đơn đặt hàng của khách.
Khôi đã phát triển nhiều dòng sản phẩm vẽ thủ công như: Tranh kính trang trí, kính màu, gương nghệ thuật, cửa kính nghệ thuật, đèn chân nến, đèn ngủ, bình hoa, nghệ thuật vẽ Chibi trên gốm sứ, thủy tinh... Đồng thời, Khôi cũng nhận cung cấp màu vẽ trên kính cho các cửa hàng, những bạn trẻ có nhu cầu học vẽ, thích trang trí cho không gian riêng của mình thêm độc đáo.
Tính đến nay, Khôi đã vẽ hơn 300 tác phẩm Chibi và hơn 200 tác phẩm vẽ trên thủy tinh. Một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Những chiếc ly, cốc vẽ Chibi được các bạn trẻ rất ưa chuộng, có những khách hàng ở nước ngoài đã tìm đến đặt hàng qua Facebook. “Hình vẽ trên thủy tinh, khó khăn nhất, là độ bền. Vì vẽ trên bề mặt sản phẩm không qua công nghệ nung nên sản phẩm làm ra đạt tuổi thọ tầm 6 - 7 năm, nếu biết cách bảo quản, không chùi rửa ma sát mạnh, lau chùi sản phẩm bằng khăn mềm thấm nước”, anh chia sẻ.
Vẽ Chibi trên chất liệu thủy tinh
Từ nhỏ, khi thấy mình có năng khiếu hội họa, Khôi đã bắt đầu tự học hỏi về nhiều nghệ thuật vẽ khác nhau. Khi bắt đầu biết đến những hình vẽ Chibi đáng yêu được chia sẻ trang các trang mạng điện tử, những hình vẽ Chibi các bạn trẻ vẽ tặng cho nhau trên trang Facebook cá nhân, Khôi đã cảm thấy yêu thích đặc biệt đối với những hình vẽ ngộ nghĩnh này.
Khôi cùng các cộng sự làm việc tại “xưởng vẽ”.
Vẽ Chibi, khó khăn nhất là thể hiện được thần thái gương mặt của nhân vật. Tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật vẽ này, Khôi nhận thấy, ở nhiều nước trên thế giới, người ta phát triển nghệ thuật vẽ trên thủy tinh rất đẹp và sáng tạo nên anh đã học hỏi thêm. “Ban đầu, để làm quen dần với nghệ thuật vẽ thủy tinh, mình nhận vẽ dịch vụ hóa trang Halloween, “painting body”, đồng thời, cũng nhận luôn những đơn hàng vẽ tranh kính, ly thủy tinh, bình hoa, vẽ tranh tường, quần áo, nón bảo hiểm, xe máy và bán thiệp quilling… Tất cả những bạn đặt hàng vẽ, mình đều nhận”, Khôi cho biết.
Càng vẽ được nhiều sản phẩm mới, Khôi càng quyết tâm theo đuổi đam mê tới cùng. Ban đầu, anh dự định sẽ ra Hà Nội tìm thầy học nhưng vì điều kiện kinh tế và đường xá xa xôi nên việc học vẽ của Khôi không thành. Vì thế, anh quyết định tự mày mò học hỏi qua sách báo và học thêm trên mạng.
Hiện tại, Khôi lấy nhà riêng làm không gian sáng tạo tác phẩm, thu nhập trên 20 triệu đồng/ tháng, tạo việc làm thêm cho gần 50 bạn sinh viên. Đến với công việc này, nhiều bạn tỏ ra rất hào hứng. Mỗi thành phẩm tạo ra, các bạn sinh viên làm thêm có thể được nhận 40. 000đồng - 80.000 đồng. Nếu quen việc thì mỗi bạn có thể hoàn thiện 7 - 8 tác phẩm/ngày, nhận thù lao 400.000 - 500.000 đồng. |