Bén duyên với ngành Hán Nôm
Chàng trai miền núi Tánh Linh (Bình Thuận) Bùi Tiến Phúc được một thầy giáo dạy Ngữ văn định hướng cho con đường tương lai để đăng ký theo học bộ môn Hán Nôm tại khoa Văn học, trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP. HCM).
Thế rồi càng học, càng đi sâu ở chuyên ngành của mình, Phúc không khỏi xót xa trước sự nghiệt ngã của thời gian đã và đang hủy những di sản Hán Nôm quý giá như sắc phong, gia phả… ở các thư viện, đình, chùa, nơi anh có cơ hội tiếp xúc trong các đợt đi thực tập thực tế và nghiên cứu khoa học. Vì thế, sau khi tốt nghiệp năm 2012, Phúc vẫn tiếp tục công việc sưu tầm tài liệu Hán Nôm cho thư viện Huệ Quang (TP. HCM) cho đến năm 2014 rồi xin học bổng ngành Bảo tồn di sản văn hóa tại ĐH Phật Quang của Đài Loan.
Mất hai năm nữa, Phúc tự tìm tòi và xin thực tập ở một bệnh viện sách Đài Loan trước khi được gặp các chuyên gia trong lĩnh vực này ở một khóa học tu bổ mở rộng do bệnh viện sách này tổ chức. “Từ năm 2016 cho đến khi về Việt Nam 12/2019, mình may mắn được học và thực hành được những kiến thức khác nhau trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy ở rất nhiều người thầy tại Đài Loan. Trong số này có ông Ngô Triết Duệ, cố vấn Hội Văn hiến TP. Đài Bắc - một trong những chuyên gia, nhà phục chế hiện vật giấy hàng đầu Đài Loan”, Tiến Phúc nhớ lại.
Một may mắn khác với Phúc trong quá trình học tập tại Đài Loan, năm 2017 anh gặp được Tuyền, người vợ hiện nay của anh. Ít ai ngờ cô gái nhỏ nhắn, hiền lành này đã có nhiều năm học mỹ thuật tại Mỹ, rồi say mê với chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy và quyết định gắn bó cuộc đời với một chàng trai Việt Nam như Phúc. Tuyền và gia đình sau đó đã ủng hộ, hỗ trợ cho Phúc rất nhiều trong cuộc sống và học tập, trước khi hai người chính thức kết hôn vào đầu năm 2020.
Theo Phúc, để làm được công việc phục chế này hầu hết phải học trong thời gian dài, khoảng 6 - 7 năm, thậm chí 10 năm hoặc nhiều hơn nữa. Tuy vậy, thời gian theo học Phúc gần như bị gia đình mình ngăn cản bởi học nghề lâu năm nhưng vẫn không làm ra tiền. Tiền làm ra lại đầu tư vào việc học. Nhiều lần định bỏ nghề nhưng nhờ cơ duyên, cuối cùng Phúc vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng. “Khi rời Đài Loan, hành trang mà mình mang theo không chỉ là những kiến thức vô giá trong lĩnh vực tu bổ, phục chế hiện vật giấy mà còn rất nhiều tài liệu, dụng cụ liên quan mà mình chắc chắn không thể tìm thấy tại Việt Nam. Và điều hạnh phúc và may mắn với mình là sự sát cánh của người bạn đời, người cộng sự đặc biệt giỏi trong vẽ tranh và pha màu”, Phúc chia sẻ.
Phúc làm công việc tu bổ tại Hán Nôm Đường do vợ chồng Phúc thành lập.
Xưởng phục chế “Hán Nôm Đường”
Hán Nôm Đường (xưởng phục chế, tu bổ sách, văn bản Hán Nôm cổ) đã ra đời ngay sau khi Phúc trở về Việt Nam giữa bộn bề lo toan của chuyện cơm áo, gạo tiền, chuẩn bị cho đám cưới với Tuyền và mong muốn được góp một phần công sức vào việc bảo tồn hiện vật giấy giá trị. “Cô Nguyễn Ngọc Anh (Phó Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam), người mà năm 2018 có đưa ra một lời khuyên để giúp mình quyết tâm theo đuổi con đường mình đã chọn. Đấy là mình nên thành lập một cơ sở tu bổ, phục chế riêng thay vì vào làm ở một cơ quan nhà nước, bởi khi có Hán Nôm Đường rồi mình có thể kết hợp với các trường, trung tâm bảo tàng mà vẫn thực hiện được các dự án có tài trợ bên ngoài”, Phúc cho biết.
Với Phúc, niềm vui vô bờ bến vì có bà xã cùng đồng hành, chia sẻ trong công việc.
Theo Phúc, thách thức cho anh và vợ lớn hơn những gì cả hai dự tính ban đầu nhưng anh vẫn luôn nói với vợ rằng, nếu để làm giàu, bản thân đã không về Việt Nam và cô cũng không cần phải theo anh về sinh sống tại quận 12, TP. HCM. Bởi với chuyên môn của mình, Phúc và Tuyền có thể giảng dạy, dịch sách hay làm phiên dịch cho các công ty với thu nhập cao gấp nhiều lần công việc hằng ngày tại Hán Nôm Đường. “Hán Nôm đã kết nối hai con người, mang hai dòng máu nhưng chung một tình yêu tư liệu cổ, nó đã khiến mình không còn cô độc trong hành trình dài này nữa”, Phúc tâm sự.
Sắp tới, khi Hán Nôm Đường đi vào hoạt động ổn định, anh hy vọng có thể chia sẻ vai trò của một nghệ nhân, một người thợ mà mình đang đảm nhận cho những học trò mới để dành thêm thời gian cho việc truyền đạt kiến thức về công tác tu bổ, phục chế. Bên cạnh đó, Phúc cũng chú trọng đến việc sưu tầm, dịch những tài liệu liên quan đến nghề bởi trong khi chuyên ngành tu bổ, phục chế hiện vật giấy, tranh và sách rất phổ biến ở Nhật Bản, Trung Quốc hay Đài Loan thì tại Việt Nam, những tài liệu chuyên sâu như vậy gần như không có, khiến bất cứ ai muốn tìm hiểu đều gặp khó khăn.