Trong đợt nghỉ dịch năm 2020, Thanh Lộc dành thời gian để đọc và dịch các tác phẩm văn học Hán Nôm. Chính lúc đó, anh đã sáng lập nên trang blog Văn học Hán Nôm, chuyên dịch thuật các văn bản cổ. Anh mong muốn các lứa sinh viên kế tiếp mình sẽ có nguồn tư liệu miễn phí để tiện trong việc học tập. Ngoài ra, giới nghiên cứu khi cần vẫn có thể sử dụng các tài liệu này để tham khảo, hỗ trợ cho công việc.
Về quá trình nghiên cứu tư liệu cổ, Lộc cho biết, anh đã trải qua nhiều khó khăn. Việc dịch các tác phẩm Hán Nôm đòi hỏi người dịch phải biết cách khảo sát văn bản, hiểu về văn ngôn, dị thể… So với chữ Hán, chữ Nôm khó nghiên cứu hơn vì không có bộ từ điển toàn diện. Chính vì thế, Lộc cần phải tỉ mỉ, kiên nhẫn để đọc và hiểu được dụng ý của tác phẩm. Ngoài ra, anh cho biết thêm bản thân cũng cần phải tự mày mò và tìm hiểu các kiến thức về lịch sử, văn hóa từng vùng miền của Trung Quốc.
Thanh Lộc đã có nhiều bài nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí trong nước. Ngoài ra, Lộc còn đang tham gia một số dự án làm sách chuyên ngành Hán - Nôm. |
Khi còn học tại trường, Lộc đã có cho mình nhiều nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí như: Tạp chí Nghiên cứu văn học, Tạp chí Văn nghệ TP. HCM, Tạp chí Giáo dục và Thời đại, Tạp chí Văn hoá Phật giáo… Anh cho biết, bản thân tâm đắc nhất là bài nghiên cứu “Luận bàn về Phạm Thế Trung và Sứ Thanh văn lục” cùng với PGS. TS Lê Quang Trường, Trưởng khoa Văn học. Anh chia sẻ: “Thể loại này hiện nay khá ít người tìm hiểu chuyên sâu. Mình may mắn trở thành một trong những người được tham gia nghiên cứu. Đây là một đề tài mới lạ và khá hay. Mình mong muốn có thể lan tỏa những kiến thức này đến nhiều người hơn”.
Thanh Lộc mong muốn được truyền đạt lại những kiến thức về Hán Nôm đến các thế hệ sau. |
Bên cạnh đó, Lộc hiện đang mở các lớp thư pháp, tiếng Hán hiện đại và Hán cổ. Khi dạy học cho những bạn cùng đam mê với mình, Lộc có cơ hội được ôn tập lại bài cũ và nghiên cứu thêm những kiến thức mới. “Với mình, mình không muốn giữ những kiến thức ấy làm của riêng. Công việc giảng dạy sẽ giúp mình được truyền đạt lại những gì mình biết cho mọi người. Từ đó, những giá trị văn hóa sẽ được tiếp nối chứ không bị mai một” - Lộc tâm sự.
Nhìn lại chặng đường dài gắn bó với Hán Nôm, anh chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, mình không có một sự tiếc nuối nào và luôn trân trọng những gì đã qua. Đôi lúc, mình rất nản vì Hán Nôm cực kỳ khó. Nhưng khi nghĩ về lý do lựa chọn con đường này, mình lại có động lực tiếp tục theo đuổi đam mê”.