Trong khoảng thời gian này, hình ảnh sinh viên đi làm thêm trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết do nhu cầu tuyển dụng nhân viên tại các cửa hàng, công ty dịp Tết tăng cao. Có những công việc liên quan với chuyên ngành mà các bạn đang học, nhưng cũng có những công việc đòi hỏi sức chịu đựng, tính kiên nhẫn, thậm chí phải tốn nhiều sức lao động chân tay.
“Đỡ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”
Mặc dù vẫn còn đang trong thời gian thi cuối kỳ căng thẳng nhưng H Thoa Ktla (năm thứ ba, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, quê Đăk Lăk) vẫn cố gắng căn chỉnh quỹ thời gian hạn hẹp của mình đến là thêm tại một cửa hàng đồ ăn nhanh, kiếm tiền mua vé xe về quê.
Thoa cho biết, bạn cần ít nhất 700.000 đồng để lo vé xe về quê nhưng không muốn xin tiền bố mẹ nên ngày nào có thời gian rảnh, bạn lại đến làm nhân viên phục vụ quầy cho một quán đồ ăn nhanh. “Năm vừa rồi, cà phê mất mùa nên kinh tế nhà mình gặp nhiều khó khăn. Bố mẹ mình phải chạy ngược chạy xuôi mới 'vá' được các khoản chi tiêu trong nhà và học phí cho chị em mình. Mình muốn kiếm thêm một khoản để phụ giúp bố mẹ lo Tết. Đỡ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”.
H Thoa Ktla tại chỗ làm việc của mình. |
Huỳnh Thị Mỹ Lệ (quê ở Quảng Ngãi, năm thứ ba, trường ĐH Văn hóa TP. HCM) lại chọn công việc liên quan đến ngành học đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Đó là nhân viên pha chế của một quán cà phê. Mỹ Lệ cho biết, mấy hôm nay vừa thi xong nên cô tranh thủ thời gian nhận nhiều ca làm hơn để kiếm thêm tiền tiêu Tết.
Mỹ Lệ bộc bạch: “Mục tiêu đi làm trước Tết của mình là để dành tiền lì xì cho bố mẹ. Đặc biệt, năm nay, mình 'lên chức' dì rồi nên mình muốn mua thêm quà cho cháu nhỏ”. Thêm vào đó, Mỹ Lệ cũng muốn tự chủ tiền vé xe, tiền ăn uống và tiền đi chơi trong dịp Tết.
Huỳnh Thị Mỹ Lệ đang nỗ lực với công việc làm thêm của mình. |
Làm quen với các công việc làm thêm từ khi còn là sinh viên năm thứ nhất, từ phục vụ bàn đến chạy xế ôm, đến thời điểm hiện tại, Huỳnh Tấn Du (trường ĐH KHTN, ĐHQG TP. HCM, quê Phú Quốc) đảm nhiệm thêm công việc giao đồ ăn nhanh trong khoảng thời gian trước Tết. “Phần lớn, mình làm để kiếm thêm tiền sinh hoạt và học phí. Nếu dư ra thì mình bỏ tiết kiệm để mua những món đồ mình thích, cũng như vé máy bay và quà về quê”. Ngoài ra, Tấn Du còn cho biết, cậu làm nhiều công việc là để bản thân có cơ hội trải nghiệm với các ngành nghề khác nhau và học hỏi thêm nhiều kiến thức từ thực tế.
Huỳnh Tấn Du với công việc làm thêm của mình. |
Đi làm thêm nhưng không quên ôn tập
Kiếm tiền vào những ngày giáp Tết tưởng là hấp dẫn nhưng chẳng hề dễ dàng. Nhất là khi các bạn sinh viên còn đang trong khoảng thời gian chật vật với các môn thi cuối kỳ.
Những hôm không có lịch học, lịch thi, Thoa sẽ đăng ký làm cả ngày và dành thời gian buổi tối để ôn tập. Với Thoa, công việc tại cửa hàng không khó, chủ yếu là phải nhanh nhẹn và chính xác. Nhất là vào những giờ cao điểm, rất nhiều khách, phải làm liên tay và đứng liên tục trong nhiều giờ. “Để có thời gian vừa ôn tập vừa làm thêm, mình hay soạn thời gian biểu riêng cho mỗi tuần và quyết tâm là giờ nào làm việc đó, giờ học thì tập trung học, còn giờ làm thì tập trung làm, không suy nghĩ lung tung”.
Những công việc làm thêm mùa cuối năm vừa mang lại thu nhập vừa có thêm những trải nghiệm mới mẻ cho các bạn sinh viên. |
Như Tấn Du, anh chàng luôn ưu tiên cho việc học tập và tận dụng triệt để các khoảng thời gian trong ngày một cách hợp lý để không bỏ phí một khoảnh khắc nào. “Thường thì mình sắp xếp các ca làm vào buổi tối để không bị trùng lịch học ở trường và tranh thủ lúc tan học buổi trưa, chạy vài chuyến giao đồ ăn nhanh cho khách. Thời gian này để ôn thi nên mình giảm thời gian làm để ưu tiên cho việc học. Nếu bận quá thì mình sẽ xin nghỉ làm trong vài ngày để ôn tập”.
Mỹ Lệ cũng cố gắng tận dụng khoảng thời gian thoáng nhất trong ngày: “Thật sự, với mình, để cân bằng giữa việc học và đi làm thì rất khó. Mình hay chia thời gian trong ngày thành 50/50. Làm ca sáng thì tối mình sẽ dành thời gian ôn tập và ngược lại”, Mỹ Lệ chia sẻ.