Đứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Tỉnh Đoàn Đồng Nai, Hội Sinh viên tỉnh Đồng Nai mong muốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chống dịch với sự hỗ trợ của các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Trường ĐH Lạc Hồng với thế mạnh trong lĩnh vực chế tạo máy móc thiết bị đã đồng ý hỗ trợ và nhanh chóng chế tạo sản phẩm robot vận chuyển hàng hóa sử dụng trong các khu vực cách ly và điều trị COVID-19.
ThS Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng khoa Cơ điện - Điện tử, trường ĐH Lạc Hồng chia sẻ: “Dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, số ca bệnh trên địa bàn tỉnh tăng nhanh đồng nghĩa với việc các tình nguyện viên phải làm việc nhiều hơn, do đó, tần suất tiếp xúc với các F0 cũng tăng lên, khiến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 là rất lớn. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Đồng Nai nhận thấy nếu cứ sử dụng sức người thì rất vất vả và nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên đã đề xuất cùng trường ĐH Lạc Hồng chế tạo robot này. Nó sẽ thay thế con người mang nhu yếu phẩm vào các khu cách ly cho các bệnh nhân ở đó”.
Robot được hoàn thiện và sẽ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tại khu cách ly. |
Robot sử dụng hai động cơ ở bánh sau, có bộ điều khiển với khoảng cách là 200m, có kết nối micro trực tiếp qua wifi hoặc 3G. Với kích thước lần lượt là R x D x C là 890 x 1250 x 790mm, thời gian sạc là 4 tiếng để vận hành liên tục từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, vận chuyển được một khối lượng hàng hoá lên đến 100kg, trên địa hình bằng phẳng. Nhiệm vụ của robot là hỗ trợ đội ngũ tình nguyện viên của Tỉnh Đoàn trong hoạt động phân phối, phát nhu yếu phẩm cho các khu vực cách ly và bệnh viện điều trị COVID-19.
Thầy Hoàng Anh cho biết thêm: “Robot được tích hợp camera nhận đường, có loa thông báo và truyền tải thông tin, do đó, người điều khiển có thể nhắc nhở cũng như thông báo để các bệnh nhân biết lúc nào thì xe phát nhu yếu phẩm tới và nhận đúng phần của mình. Ngoài ra, robot này cũng có thể làm thay công việc phun thuốc khử trùng, sát khuẩn ở các khu vục có ca lây nhiễm...”.
Thiết kế kỹ thuật của robot. |
Trong quá trình thực hiện, các bạn sinh viên nhóm sáng chế đã gặp phải không khó khăn. Phan Nguyễn Xuân Khương, (năm thứ ba, khoa Cơ Điện – Điện tử, trường ĐH Lạc Hồng) thành viên nhóm sáng chế chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm dự án này là vấn đề tìm kiếm các thiết bị. Vì đang lúc dịch, các cửa hàng cơ khí đều đóng cửa. Các thành viên còn phải gọi điện năn nỉ các cửa hàng, giải thích cho họ hiểu thì mới mua được hàng. Nhiều lúc còn phải đi vào những khu vực có F0, F1 để lấy được chi tiết cơ khí. Cũng khá lo lắng, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn, của thầy cô và cả các anh công an tại các chốt chống dịch nên nhóm đã nhanh chóng hoàn thành robot để hỗ trợ nơi tuyến đầu, thay thế cho sức người trong một số công việc”.
Sản phẩm được nhóm thiết kế và hoàn thành sau 7 ngày. |
Sau hơn 7 ngày thiết kế và chế tạo, sản phẩm robot thử nghiệm đầu tiên đã hoàn thành. Robot này được bàn giao cho Tỉnh Đoàn Đồng Nai vào sáng ngày 6/8. Robot sẽ được chạy thử nghiệm trên địa bàn phường Hòa Bình (TP. Biên Hòa) để đánh giá hiệu quả và cải tiến.
Qua sáng chế này, nhóm sinh viên trường ĐH Lạc Hồng cũng hy vọng sẽ góp phần vào công tác chống dịch tại địa phương. “Mong muốn lớn nhất của nhóm khi tham gia dự án là được góp sức vào công tác chống dịch của địa phương. Trong khi các nhà hảo tâm góp tiền bạc và của cải vật chất cho công tác chống dịch thì sinh viên tụi mình cũng muốn làm được điều gì đó để góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh”, Xuân Khương bày tỏ.