Theo ThS Nguyễn Thanh Tùng, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, chính sách tín dụng cho HSSV ở Việt Nam là một công cụ của Nhà nước tạo điều kiện cho HSSV được tiếp cận với tín dụng, được vay vốn đi học.
Chỗ dựa của HSSV nghèo
Ông Tùng cho rằng để đánh giá chính sách tín dụng cho HSSV, có thể sử dụng chỉ tiêu để đánh giá tính hiệu lực, tính hiệu quả và tính bền vững của chính sách.
Trong đó để đánh giá tính hiệu quả của chính sách, có thể sử dụng các tiêu chí định tính sau để đánh giá hiệu quả xã hội của chương trình. Một trong những tiêu chí đó là đóng góp của chính sách tín dụng cho HSSV đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ông Tùng thông tin chính sách tín dụng cho HSSV vay vốn học tập là một chủ trương của Chính phủ đã được thực hiện suốt 16 năm qua kể khi Quyết định 157 được ban hành, và sửa đổi bổ sung bởi các quyết định sau này, đã góp phần tạo chỗ dựa, niềm tin cho các gia đình HSSV nghèo.
HSSV nghèo luôn đối diện với nỗi lo chi phí học tập. |
Với phương châm “không để một HSSV nào vì khó khăn tài chính phải bỏ học”, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51, năm 1998 về việc thành lập Quỹ tín dụng đào tạo. Mục đích của việc thành lập Quỹ là để cho vay với lãi suất ưu đã đối với HSSV đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Đến năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 18/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107 về tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Để mở rộng phạm vi đối tượng vay vốn, ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 157 về tín dụng đối với HSSV. Phạm vi áp dụng trong Quyết định là hỗ trợ cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn góp phần trang trải chi phí cho việc học tập, sinh hoạt trong thời gian theo học tại trường với các chi phí bao gồm tiền học phí, chi phí mua sắm sách vở, phương tiện, học tập, chi phí ăn ở, đi lại. Quyết định cũng ghi rõ điều kiện vay vốn, mức vốn cho vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay, trả nợ gốc và lãi tiền vay. Mục tiêu của các quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận vốn tín dụng của Nhà nước.
Quy mô vay, dư nợ chương trình tín dụng cho HSSV. Nguồn: Báo cáo thường niên và Báo cáo triển khai chương trình tín dụng sinh viên NHCSXH (Từ 2007 đến 2021). |
Và để hỗ trợ tối đa cũng như hiệu quả hơn cho HSSV, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157, trong đó đặc biệt sửa đổi về mức cho vay tối đa từ mức cho vay hiện hành 2.500.000 đồng/tháng/HSSV lên mức tối đã 4.000.000 đồng/tháng/HSSV.
Cần mở rộng nguồn vốn tín dụng cho HSSV
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Thanh Tùng cho rằng để đạt mục tiêu về nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và bền vững của chính sách tín dụng cho HSSV, chính sách cần tập trung vào những giải pháp và kiến nghị như cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tín dụng cho HSSV. Và để xây dựng chính sách phù hợp, cần có sự tham gia của các bên liên quan bao gồm: Chính phủ, Bộ ngành, doanh nghiệp, gia đình, HSSV, các chuyên gia, các nhà tài trợ cho chương trình tín dụng này.
Cần có các nguồn lực hiệu quả để gia tăng nguồn vốn tín dụng cho HSSV. Bởi hiện nay nguồn vốn phục vụ cho các chương trình chính sách tín dụng chính sách nói chung, tín dụng cho HSSV nói riêng chủ yếu là từ Ngân sách Nhà nước. Vì vậy, cần thực hiện tốt công tác xã hội hoá tín dụng cho HSSV đối với toàn xã hội
Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của HSSV và gia đình trong việc vay và trả nợ vốn vay.
Tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội liên quan đến tín dụng cho HSSV.