Có phải nhiều bạn thí sinh đang tự tạo ra áp lực quá lớn cho bản thân trước kỳ thi, thưa ông?
TS Huỳnh Anh Bình: Rất nhiều thí sinh đang tự tạo ra áp lực quá lớn cho bản thân trước kỳ thi, và điều này tất yếu dẫn đến kết quả bài làm đi ngược lại sự kỳ vọng và những nỗ lực của bản thân. Chính các tác nhân bên ngoài như: phòng thi, cách thi, nội dung thi… là những yếu tố gây ra sự xáo trộn tâm lý của các bạn. Vì thế, các bạn nên có sự tìm hiểu trước thông qua kinh nghiệm của các anh chị đi trước… Những điều nhỏ này sẽ giúp các bạn tự tin, xóa đi bỡ ngỡ và bình ổn về mặt tâm lý khi bước vào kỳ thi quan trọng này.
Có rất nhiều thí sinh khi tham gia kỳ thi này càng đến gần ngày thi các bạn càng cảm thấy lo sợ, áp lực… Trong khi đó có một số bạn chọn cách là chào đón mùa thi một cách thoải mái nhất, các bạn luôn xem đó như là một ngày rất “bình thường” và ngày đó là một ngày các bạn được thể hiện tài năng, kiến thức đã rèn luyện, học tập. Chính cách suy nghĩ này, làm cho tinh thần các bạn tốt hơn, tự tin vượt mọi rào cản, chinh phục những bài toán khó và viết lên những bài văn cảm động, những thông điệp cuộc sống ý nghĩa.
Theo nhiều thống kê, hơn 50% thí sinh khi đi thi đều thiếu tự tin vào kết quả làm bài của bản thân và luôn lo sợ người khác làm đúng, còn mình sai, và tâm lý buông xuôi xuất hiện. Các bạn nên nhớ, nếu bạn luôn cố gắng, không buông xuôi, bạn sẽ có thêm cơ hội.
Tiến sĩ - Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình là diễn giả trong nhiều chuyên đề định hướng nghề nghiệp, chia sẻ về tâm lý cho bạn trẻ. |
Đa phần các bạn thí sinh sau buổi thi đều mất thời gian, tâm trí cho vấn đề trao đổi, quan tâm, nghe ngóng với các thí sinh khác về kết quả của môn này. Càng trao đổi, bạn càng nhận ra, mỗi người một ý và không ai giống mình điều này làm bạn lo lắng, mang nặng tâm lý thất vọng, chán nản và sợ mình sẽ rớt, từ đó, tinh thần, tâm lý để thi môn thi sau không còn như lúc đầu nữa. Lời khuyên cho các bạn là sau khi kết thúc môn thứ nhất, hãy nghỉ ngơi, ăn uống, tĩnh tâm và ngủ trưa khoảng 30 phút để đầu óc được thoải mái và bước vào môn thi mới và cứ làm thế cho đến thi bạn kết thúc kỳ thi. Khi đó, để đầu óc tỉnh táo, lật lại những kết quả đã ghi trong giấy nháp và so lại kết quả từ các đơn vị chính thống như website của Bộ GD - ĐT.
Vậy đâu là ‘bí kíp’ để đạt tâm lý kỳ thi tốt nhất?
TS Huỳnh Anh Bình: Rất đơn giản, các bạn hãy tham khảo và thử áp dụng các cách dưới đây nhé: Thứ nhất, chuẩn bị đầy đủ mọi thứ từ sớm. Thứ hai, chào đón ngày thi với tâm trạng nhẹ nhàng. Thứ ba, tập trung ôn tập môn thi tiếp theo hoặc nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng thay vì day dứt về kết quả đã qua. Thứ tư, nên dùng nước suối và đến sớm 30 phút!
Ông có thể ‘bận mí’ một vài mẹo nhỏ giúp các thí sinh xóa tan nếu có bế tắc trong phòng thi?
TS Huỳnh Anh Bình: Trong lúc làm bài, các bạn sẽ cảm thấy lo sợ do áp lực, vì thế càng cố gắng, càng suy nghĩ, các bạn sẽ càng bế tắc nhiều hơn. Lúc này, lời khuyên các bạn nên thực hiện một vài động tác sau: hãy nhắm mắt lại, úp mặt xuống bàn và ngừng suy nghĩ về bài thi 15 giây, hít thở sâu, đều đặn, để đầu trống rỗng và thanh thản. Sau đó, từ từ mở mắt ra và bắt đầu làm bài tiếp. Bài tập này sẽ giúp não quay trở lại trạng thái cân bằng và chắc chắn các bạn sẽ sáng suốt hơn để tháo gỡ những rắc rối trong bài làm.
TS Huỳnh Anh Bình chia sẻ: "Các bạn thí sinh hãy chọn cách chào đón mùa thi một cách thoải mái để đạt được trạng thái tốt nhất trong mùa thi này'. |
Trước khi bước vào kỳ thi quan trọng, các bạn thí sinh luôn mong mỏi tìm được một chỗ dựa về mặt tinh thần. Thầy cô và cha mẹ không chỉ là những “địa chỉ” tin cậy để các bạn lựa chọn đầu tiên mà còn là động lực thúc đẩy các bạn cố gắng hơn để đạt kết quả thi tốt nhất. Vì vậy, thầy cô và cha mẹ hãy đóng vai trò là một người giúp đỡ, người định hướng và là người bạn đồng hành với các bạn khi các bạn cần điểm tựa. Hãy là những điểm tựa êm ái tiếp thêm năng lượng, động lực giúp các bạn tự tin phát huy tối đa khả năng của mình khi bước vào kỳ thi mang tính bước ngoặt của cuộc đời.
Xin cảm ơn ông!