Đỗ Thị Hằng (bên trái) nhận bằng khen nhờ tích cực tham gia các hoạt động trong trường. |
Bố Hằng mất khi cô mới 11 tháng tuổi, và từ năm lớp 7 cô gái nhỏ phải sống một mình suốt bốn năm ròng trước khi dọn về ở với bà nội và hai chú vốn là nạn nhân chất độc màu da cam vì ngôi nhà em ở Ninh Bình không còn là nơi trú ẩn an toàn nữa.
Hằng chia sẻ rằng, “đó là khoảng thời gian khó khăn và thương đau”.
“Em phải làm việc bán thời gian tới bảy tiếng mỗi ngày ở một xưởng may nhỏ với thu nhập vô cùng ít ỏi khoảng 500.000 đồng mỗi tháng chỉ đủ để chật vật trang trải cho cuộc sống”.
Đó cũng chính là khoảng thời gian mà Hằng nhận ra tầm quan trọng của giáo dục với cuộc sống của một người.
“Chứng kiến các cô chú làm chung xưởng may, trong đó có một số người chưa tốt nghiệp phổ thông và không có lựa chọn nào khác phải làm việc trong điều kiện khó khăn với thu nhập vô cùng ít ỏi, em biết mình phải nỗ lực thật nhiều để có được tương lai tươi sáng hơn”.
“Em có thể mồ côi, nhưng không phải là một cô bé đáng thương”.
Nói là làm, Hằng chủ động tham gia vào nhiều hoạt động và giữ các vị trí khác nhau suốt thời học trung học như làm lớp trưởng, liên đội trưởng, thành viên Ban chấp hành Đoàn trường, và tình nguyện viên cho chương trình Tiếp sức mùa thi.
Đỗ Thị Hằng (bên trái) và bà Vũ Thị Dung, nhà sáng lập và điều hành Quỹ Khát Vọng, người Hằng xem như người mẹ thứ hai. |
Bà Vũ Thị Dung, nhà sáng lập và điều hành Quỹ Khát Vọng - gia đình của hơn 300 trẻ mồ côi trên khắp chiều dài đất nước và là ngôi nhà thứ hai của Hằng thời gian gần đây, vẫn nhớ về căn nhà ngăn nắp và sạch sẽ khi lần đầu tiên bà gặp cô gái trẻ đầy lạc quan này.
Bà Dung chia sẻ rằng, “chúng tôi biết đến Hằng vào năm con học lớp 10”.
“Thời điểm đó, Hằng đang sống một mình trong ngôi nhà nhỏ tuy cũ kỹ như ngăn nắp và sạch sẽ. Tài sản duy nhất là một chiếc giường nhỏ và một chiếc xe đạp cũ giúp con vượt qua quãng đường 16 cây số để đến trường và về nhà mỗi ngày”.
Bà không thể tin được rằng cô gái nhỏ dường như bị bỏ quên ấy vẫn có thể xoay sở để học hành và đạt thành tích cao ở trường.
“Vẻ ngoài giàu tình cảm, nhưng sâu thẳm bên trong Hằng là một cô gái có ý chí mãnh liệt, cùng khát khao sống và thay đổi vô cùng mạnh mẽ,” bà nói. “Ở Khát Vọng, tất cả mọi người đều quý mến Hằng vì tính tình vui vẻ, nhiệt tình, giàu năng lượng, và không sợ bất kỳ khó khăn và thách thức nào”.
Dẫu bận rộn với các ca làm việc và trách nhiệm giúp đỡ bà nội và hai chú, Hằng vẫn dành thời gian giúp đỡ những người cần được hỗ trợ.
“Bản thân cũng mồ côi nên tôi biết sự quan tâm và hướng dẫn quan trọng thế nào với những ai mất cha mất mẹ,” Hằng chia sẻ.
“Thời gian đầu mới về với gia đình Khát Vọng, tôi từng vô cùng cảm động khi cảm nhận được tình thương từ Mẹ Dung. Đó chính là lý do vì sao tôi muốn đền đáp lại bằng cách tình nguyện chăm sóc, đồng hành, khích lệ và san sẻ tình cảm với các em nhỏ mồ côi khác ở Khát Vọng”.
Hằng hết sức tự hào khi chứng kiến các em nhỏ e dè và kém may mắn dần trưởng thành và trở nên tự tin hơn rất nhiều nhờ sự khích lệ suốt cả năm trời của cô.
Dẫu khát khao học đại học sau khi hoàn thành trung học, Hằng vẫn quyết định học nghề tại REACH để đỡ đần bà nội và chăm sóc các chú, những người thường xuyên bị các cơn co giật hành hạ.
“Đây là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn vì tôi vừa làm vừa học bán thời gian, song cũng chính khoảng thời gian này đã dạy tôi trở thành một người kiên định và khiêm tốn, và một nhân viên lành nghề”, Hằng cho hay. “Càng học và làm việc nhiều, tôi càng yêu công việc trong ngành nhà hàng khách sạn và mong muốn được dành toàn bộ thời gian cũng như đam mê cho điều này”.
Hằng vô cùng biết ơn và tràn đầy hy vọng khi biết về Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT.
Dù hoàn cảnh khó khăn, Đỗ Thị Hằng (bên phải) vẫn tìm ra cách vượt qua nghịch cảnh và giúp đỡ những người cần được hỗ trợ. |
Cô cho biết: “Với môi trường quốc tế, chất lượng bảo chứng hàng đầu trong đào tạo Quản trị du lịch và khách sạn, tôi thấy được cơ hội phát triển toàn diện cũng như nâng cao khả năng lãnh đạo cho bản thân trong môi trường phong phú đa dạng tại RMIT”.
Với phương châm sống “hãy làm việc chăm chỉ khi bạn còn trẻ”, cô gái trẻ giàu năng lượng hết sức hứng khởi và nôn nóng được làm quen với việc điều hành hiệu quả, quản trị và kỹ năng quản lý để thoả khát vọng xây dựng văn hoá mới cho ngành du lịch nhằm đem đến cho khách hàng nhiều giá trị hơn chứ không chỉ trải nghiệm dịch vụ tốt nhất.
Hằng là một trong sáu sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT năm nay với sự hợp tác với bốn tổ chức phi chính phủ gồm REACH, KOTO, Hội người mù Việt Nam và Trung tâm Vì người mù Sao Mai.
Học bổng Chắp cánh ước mơ Đại học RMIT trao cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cả về thể chất lẫn tài chính, những bạn trẻ nếu không có các suất học bổng này sẽ không thể tiếp cận với chương trình đại học. Đến nay, RMIT Việt Nam đã trao 22 suất Học bổng Chắp cánh ước mơ với tổng trị giá hơn 36 tỉ đồng.