Yêu Xẩm từ năm 13 tuổi
Huyền tâm sự, cô bén duyên với Xẩm từ năm 2014. Năm ấy, cô gái bé nhỏ mới tròn 13. Cô may mắn được sinh ra và lớn lên tại nơi cố nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu sinh sống - tỉnh Ninh Bình. Sau khi cụ Hà Thị Cầu mất được một năm, lúc ấy, huyện Yên Mô (Ninh Bình) có tổ chức các lớp học để lưu giữ và lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm. Cái duyên của Huyền với loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian cũng được bắt đầu từ đó. Từ việc chỉ lên Youtube học hát để tham gia cuộc thi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 được phát động bởi nhà trường, Huyền đã được thầy cô cử đi học lớp hát Xẩm tại huyện Yên Mô với cô giáo Kim Ngân.
Nguyễn Thị Huyền thể hiện phần tài năng Hát Xẩm và nhạc cụ trong Chương trình cơ hội cho ai mùa 5. |
Trong suốt khoảng thời gian đi học, cô được thầy cô dành nhiều lời khen ngợi vì khả năng học nhanh, có chất giọng tốt. Bởi thế, Huyền đã có cơ hội được tham gia diễn hát tại không ít chương trình, sự kiện lớn nhỏ từ rất sớm. Năm 2016, Nguyễn Thị Huyền có cơ hội được gặp thầy Đào Bạch Linh - học trò của cụ Hà Thị Cầu và may mắn được thầy nhận làm học trò. Thầy đã truyền cho cô một tình yêu đối với Xẩm trong huyết quản để cô thực sự nghiêm túc theo đuổi Xẩm và càng hiểu hơn những tầng nghĩa sâu sắc qua lời hát. Đã hơn 10 năm có lẻ, Xẩm đã theo cô trên suốt hành trình trưởng thành của một con người và giúp cô nhận ra sứ mệnh “thắp lửa” và “giữ lửa” tình yêu đối với nét đẹp văn hóa dân gian của dân tộc.
Hành trình lan tỏa tình yêu Xẩm
Khoảng thời gian dài gắn bó với Xẩm, Huyền đã cùng các anh chị, bạn bè tại Câu lạc bộ Xẩm 48h vinh dự đạt giải Ba liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2019, giải Nhì liên hoan Xẩm toàn quốc năm 2021. Cô cũng đã tổ chức thành công hơn 100 chương trình, sự kiện tại Hà Nội dành cho khán giả trong nước cũng như du khách nước ngoài. Năm 2022, Huyền là cố vấn chuyên môn cho chương trình “Thanh âm Đất Việt” do khoa Văn, trường Đại học Xã hội và Nhân văn tổ chức. Không dừng lại ở đó, trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023, cô đều tham gia với vai trò là Nghệ sỹ trong chương trình “Liên hoan thiết kế và sáng tạo Việt Nam” (sự kiện thường niên do Đại học RMIT Việt Nam, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo tổ chức).
Nguyễn Thị Huyền trong Liên hoan thiết kế sáng tạo 2022. |
Nguyễn Thị Huyền trong Liên hoan thiết kế sáng tạo 2022. |
Nguyễn Thị Huyền trong Liên hoan Xẩm 2022. |
Đối với Huyền, việc tổ chức các buổi diễn Xẩm cũng không mấy dễ dàng do nhiều khán giả “chưa xuất hiện nhu cầu”. Bởi thế “Việc tìm kiếm khách hàng - khán giả là việc mà mình cảm thấy khó nhất. Vì vậy nên cách xây dựng chương trình làm sao cho cuốn hút, sáng tạo, hợp với khán giả hiện đại mà không mất đi bản sắc vốn có cũng là một câu hỏi lớn mà đội ngũ làm chương trình phải bỏ nhiều suy tư ”, Huyền tâm sự. Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực đến từ tình yêu vô bờ dành cho Xẩm của Huyền và các anh chị trong nhóm, Huyền đã đồng tổ chức được rất nhiều chương trình tại Trung tâm xúc tiến Quảng bá di sản phi vật thể Việt Nam (VICH), đồng thời đón nhận không ít sự cổ vũ, yêu thích từ khán giả. Cô trải lòng: “Cảm xúc trong mình mỗi lần được đón tiếp khán giả, được ngồi trên sân khấu để chia sẻ khá phức tạp - vui có, hồi hộp có, và tiếp đó là mong muốn được ngồi trên sân khấu chia sẻ về Xẩm nhiều hơn, mong muốn tổ chức nhiều chương trình hay và ý nghĩa hơn cho khán giả”.
Trò chuyện với phóng viên, cô chia sẻ về chương trình để lại trong cô nhiều ấn tượng sâu sắc nhất - đó là cơ hội được phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022) tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam. Khi ấy, Nguyễn Thị Huyền đang đảm nhiệm vị trí Chuyên viên Văn phòng Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (VICH), Thư ký Ban tổ chức. Tham gia chương trình lần này, cô chịu trách nhiệm trong việc phối hợp, hỗ trợ quá trình tập luyện của nghệ sỹ, làm việc với các tổ chức và phối hợp lên nội dung.
Thư cảm ơn Huyền được nhận trong Chương trình Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2022) tại Bandar Seri Begawan, Brunei Darussalam. |
Cô nhớ lại: ‘Mình còn nhớ rõ, năm đó dịch covid vừa mới hết, tuy nhiên việc thực hiện an toàn y tế vẫn phải đặt lên hàng đầu. Các anh chị em nghệ sĩ tranh thủ sáng đi làm, thời gian buổi tối toàn tâm toàn ý dành cho việc tập. Quá trình tập được diễn ra liên tục trong 1 tháng. Trước ngày chuẩn bị sang Brunei, việc khớp nhạc, diễn tập trên sân khấu phải tới 2 - 3 giờ sáng mới hoàn thành. Mình thực sự xúc động khi chứng kiến chị giám đốc của Trung tâm VICH đang mang thai nhưng vẫn cố gắng thức và tập luyện cùng các anh chị nghệ sĩ tới sáng”. Nhìn lại hành trình đã qua, nhìn lại những ngày luyện tập tới 12 đến 16 tiếng một ngày để chuẩn bị cho tiết mục chỉn chu nhất diễn tại Brunei, cô cùng mọi người vẫn luôn cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và phấn khích khi được mang bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc ra trường quốc tế.
Nguyễn Thị Huyền, anh chị Trung tâm VICH và nghệ sỹ trong quá trình chuẩn bị, tập luyện. |
Làm thế nào để người trẻ tìm về thứ âm nhạc xưa?
Tâm huyết của Huyền là làm thế nào giới trẻ được tiếp cận với Xẩm nhiều hơn để từ đó hạt giống tình yêu đối với Xẩm được nảy nở. Câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh các dòng nhạc hiện đại đang rất phổ biến và được nhiều bạn trẻ yêu chuộng khiến cô và rất nhiều anh chị nghệ sĩ khác càng trăn trở. Để hiện thực hóa mong muốn cổ vũ người trẻ tìm về thứ âm nhạc xưa, cô cho rằng, chúng ta nên đưa Xẩm hay các loại hình nghệ thuật dân gian khác vào đời sống thực tế, từ các tiết học về âm nhạc, ngoại khóa cho các bạn nhỏ ngay từ khi còn trên ghế nhà trường để các bạn hiểu hơn và nảy sinh tình yêu ngay khi ấy.
Nguyễn Thị Huyền trong vai trò là Nghệ sỹ hát Xẩm. |
Với các thế hệ lớn hơn, cô tin, việc kết hợp giai điệu truyền thống vào nhạc hiện đại mà vẫn không mất đi nét cổ của Xẩm vào các bài hát sẽ khiến người trẻ thích thú. “Mình nghĩ rằng, chúng ta nên chọn lựa các bài hát Xẩm có câu từ dễ hiểu, ý nghĩa gắn liền với cuộc sống hiện tại, vui tươi, phù hợp với người trẻ và cố gắng đưa chúng gần hơn đến người trẻ trong các hoạt động thường nhật. Bên cạnh đó, việc tổ chức nhiều show diễn văn hóa nghệ thuật dân gian tại Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác cũng là một ý tưởng hay để các bạn có nhiều cơ hội được tìm hiểu và giao lưu”, Huyền chia sẻ thêm.
Đặc biệt, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, theo Huyền, các hoạt động khuyến khích đăng tải video trên các trang mạng xã hội này sẽ có nhiều hiệu quả tích cực trong việc quảng bá các loại hình nghệ thuật dân gian. Sau cùng, là một người trẻ đã “gắn bó máu thịt” với Xẩm và sẽ nguyện đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào hành trình lan tỏa tình yêu Xẩm, cô luôn mong rằng linh hồn của nghệ thuật truyền thống sẽ mãi mãi không bị mai một và lãng quên nhờ vào sự nỗ lực của thế hệ người trẻ đất Việt.
Ảnh: NVCC