Tại lễ hội Xuân 2021 ở Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM, lần đầu tiên, Nhiên cho ra mắt các tác phẩm vẽ trên chất liệu lá bồ đề, đã gây thích thú cho rất nhiều bạn trẻ. Rất nhiều người tò mò vì sao chiếc lá bồ đề có thể trở thành chất liệu vẽ tranh. Và nhất là làm thế nào để loại bỏ hoàn toàn chất diệp lục, chỉ trơ lại phần xương lá.
Dương Hương Nhiên đang được rất nhiều bạn trẻ tại TP. HCM ngưỡng mộ vì những bức tranh trên xương lá bồ đề. |
Hương Nhiên cho biết, việc phát hiện ra vẻ đẹp của loại chất liệu này rất tình cờ khi được một người bạn tặng cho chiếc xương lá bồ đề. Lúc đó, cô gái 32 tuổi này không hề có ý niệm nào về vẽ, chỉ xem như một thứ lá ép trong sách như học trò vẫn hay làm. Một lần tò mò lấy ra và vẽ thử, Nhiên nhận thấy chiếc xương lá trở nên sống động, rực rỡ chứ không đơn điệu trắng bệch như trước.
Sự đặc sắc và thu hút người xem của tranh trên xương lá bồ đề chính là chất liệu khác biệt. |
Tìm hiểu thêm, Nhiên nhận ra xương lá chỉ có ở một số loài nhưng bồ đề là cứng và bền hơn cả. Theo Hương, sức hấp dẫn của chất liệu này là tạo hình xương lá hình trái tim rất đẹp, xương và gân lá không chiếc nào giống chiếc nào, hệt như vân gỗ mà không chất liệu nào khác có được.
Những chiếc xương lá bồ đề mang một sức sống khác hẳn qua nét vẽ. |
Vẽ trên xương lá bồ đề tỉ mỉ từ khâu nguyên liệu. Xương lá bồ đề phải đặt mua tận Ninh Bình mới có loại lá to và chuẩn. “Ví dụ như khâu chuẩn bị, tốn rất nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, nâng niu nhẹ nhàng. Lá chọn phải là loại lá già, có màu xanh thẫm, rửa sạch rồi ngâm trong… một tháng để phần diệp lục trong lá rã ra. Phải thay nước thường xuyên để không có mùi thối. Phần “thịt” lá sau thời gian ngâm sẽ mục ruỗng, dùng bàn chải đánh răng chải thật nhẹ để loại bỏ và lộ ra phần “xương”.
Tranh Ngũ hổ đòi hỏi sự công phu và mất nhiều thời gian. |
Công đoạn này không dành cho ai vụng về hoặc nóng vội vì chỉ cần mạnh tay một chút phần xương sẽ rách, coi như bỏ. Những chiếc xương lá sau đó được đem nhuộm màu acrylic rồi phơi khô mới trở thành “toan” để vẽ.
Vẽ trên chất liệu này cũng khác biệt vì đặc điểm của xương lá là đan dày, gồ ghề sau khi loại bỏ phần diệp lục. Vì không có mặt phẳng mịn hay láng như giấy, gỗ nên chỉ cần cần run tay sẽ bị lem màu, phải bỏ chứ không vẽ lại được.
“Công đoạn khó khăn nhất là vẽ chi tiết nhỏ, nếu không kỹ lưỡng hoặc tay nghề không cứng sẽ không che hết các lỗ li ti khiến cho bức tranh nhìn luộm thuộm”, Nhiên chia sẻ.
Lá bồ đề từ khi còn xanh, loại bỏ phần diệp lục và trở thành tranh đặc sắc. |
Ban đầu tập vẽ, Hương Nhiên cũng phải bỏ phí rất nhiều lá trước khi trở nên thuần thục. “Lá bồ đề có rất nhiều nét đặc trưng Việt nên nếu kết hợp với các chủ đề dân gian Việt Nam để vẽ sẽ rất đẹp dù có thể vẽ bất cứ thứ gì trên xương”, Nhiên cho biết.
Tuy nhiên, chủ đề quen thuộc của Nhiên là các tranh dân gian Việt Nam, nhất là tranh Đông Hồ như: Mục đồng thổi sáo, Đám cưới chuột, Cá chép trông trăng… Thông thường, một bức tranh sẽ hoàn thành trong một ngày nhưng có những chủ đề khó như Ngũ hổ, có khi mất đến 2 - 3 ngày. Hoặc vẽ chân dung trên lá cũng có khi mất cả tuần.
Tranh Cá chép trông trăng trên xương lá bồ đề. |
Kích thước xương lá được sử dụng để vẽ tranh cũng chia thành nhiều loại. Loại nhỏ từ 6 - 7cm dùng để vẽ những nội dung đơn giản, từ 11 - 13cm là kích cỡ phổ biến nhất, loại lá lớn từ 15 - 17cm dùng cho những chủ đề cầu kì hoặc dùng trang trí nội thất.
Ngay từ khi những sản phẩm đầu tiên được Hương Nhiên công bố, người xem đã vô cùng thích thú và thán phục sự tài hoa lẫn tinh tế của cô gái này. Vì cầu kỳ và tỉ mỉ nên giá một bức tranh trên lá bồ đề cũng cao, thường từ 1 triệu đồng trở lại.
Tranh chân dung vẽ theo yêu cầu trên lá bồ đề. |
Sau một thời gian thử nghiệm, Hương Nhiên mạnh dạn mở rộng đề tài với các chủ đề như chân dung, câu đối hoặc vẽ theo yêu cầu khách hàng. Đặc biệt, tranh bồ đề của cô gái này cũng thu hút rất nhiều cơ sở chế tác thủ công mỹ nghệ, quà tặng hoặc trang trí nội thất.