Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar?

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Lần đầu tiên trong lịch sử, châu Á góp mặt sáu đại diện tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, thất bại của Qatar và Iran trong 2 trận đầu tiên khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng cho màn trình diễn sắp tới của các đại diện đến từ AFC. Liệu có cơ hội nào cho các đội tuyển châu Á tại World Cup năm nay?

Trận khai mạc Fifa World Cup 2022 đã kết thúc với thất bại tâm phục khẩu phục cho chủ nhà Qatar trước Ecuador. Sự chênh lệch về đẳng cấp giữa hai nền bóng đá châu Á và Nam Mỹ được thể hiện không chỉ ở kết quả, mà còn ở thế trận xuyên suốt trận đấu. Iran cũng đã có trận thua "tan nát" trước tuyển Anh quá mạnh vào tối qua. Màn thể hiện thất vọng của Qatar và Iran khiến giới quan sát nhìn về những đại diện còn lại của châu Á với ánh mắt hoài nghi. Vậy đâu là những viễn cảnh tiềm năng cho số phận của các đội tuyển châu Á tại Cúp Thế giới?

1. Qatar: Thất bại toàn diện

Thất bại trước Ecuador đã đưa Qatar trở lại với mặt đất. Đội chủ nhà bước vào giải với tư cách đương kim vô địch châu Á, được cho là có đẳng cấp ngang hàng với Iran hay Nhật Bản, và có những màn trình diễn thuyết phục tại các giải đấu họ được làm khách mời như Cúp vàng Concacaf hay Copa America. Tuy nhiên, việc không thi đấu một trận đấu chính thức nào kể từ tháng 6/2021 khiến cho quá trình đánh giá thực lực và rút kinh nghiệm của Qatar không quá hiệu quả. Các trận giao hữu với các đối thủ Bắc Mỹ và châu Âu không ở đẳng cấp thế giới khiến Qatar không có những sự cọ xát cần thiết cho sân chơi thế giới.

Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar? ảnh 1

Trận thua ngày ra quân báo hiệu một chiến dịch thất vọng cho chủ nhà Qatar (Ảnh: IMAGO).

Những cái tên đáng chú ý trong đội hình đội chủ nhà có thể kể đến như hai tiền đạo Akram Afif và Almoez Ali, cùng với đó là đội trưởng Hassan Al-Haydos, người được coi như thủ lĩnh tuyến giữa với kinh nghiệm thi đấu dày dạn. Tuy những cái tên này từng có thời gian thi đấu tại nước ngoài, đặc biệt là Akram Afif với một năm có mặt trong đội hình của Villareal tại Tây Ban Nha, song lối chơi của các cầu thủ này không mang nhiều dấu ấn mới mẻ.

Trận thua ngày ra quân là kết quả của một hàng tiền vệ không cầm nổi bóng, khả năng chớp cơ hội chưa sắc sảo của hàng công, cũng như một tâm lý bị choáng ngợp trong lần đầu tham dự sân chơi lớn. Có lẽ mục tiêu của Qatar sẽ là hướng tới một màn thể hiện tốt nhất có thể trong hai trận đấu còn lại. Song trước những đối thủ còn mạnh hơn Ecuador về nhiều mặt, khả năng Qatar tay trắng rời giải là điều khó tránh khỏi.

2. Iran: Khó khăn thường trực

Iran là một đại diện khác của Trung Đông góp mặt tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, và là một trong những đội tuyển kỳ cựu nhất của châu Á ở sân chơi World Cup. Đây sẽ là kỳ Fifa World Cup thứ 6 của Iran, và đội tuyển xứ Ba Tư đang hướng tới lần đầu tiên vượt qua vòng bảng.

Đội tuyển Iran đã thể hiện bộ mặt tương đối ổn định xuyên suốt vòng loại khu vực châu Á. Tuy nhập cuộc có phần chậm trễ ở vòng loại thứ Hai với hai thất bại, song Team Melli đã trở lại mạnh mẽ với liên tiếp những chiến thắng để vượt lên dẫn đầu bảng ở lượt trận cuối cùng. Ở vòng loại thứ ba, Iran xuất sắc giành 8 chiến thắng và chỉ để hòa 1 và thua 1, dẫn đầu bảng với 25 điểm.

Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar? ảnh 2

Dù thua đậm với tỉ số 2-6, nhưng Iran đã ghi được 2 bàn thắng vào lưới đội tuyển Anh - ứng cử viên cho chức Vô địch.

Trong đội hình của Iran có rất nhiều ngôi sao đã và đang thi đấu thành công tại châu Âu. Không thể không kể đến Mehdi Taremi, tiền đạo chủ lực của FC Porto với 20 bàn tại Giải Vô địch Quốc gia Bồ Đào Nha mùa giải 2021/22, và đã ghi 5 bàn sau 5 trận tại cúp C1 châu Âu mùa giải này. Ngoài ra, còn phải kể đến các ngôi sao khác như Sardar Azmoun (Bayer Leverkusen), Karim Ansarifard (AC Omonoia), và Alireza Jahanbakhsh (Feyenoord).

Đội tuyển Iran nằm tại bảng B cùng các đội tuyển Anh, Mỹ và xứ Wales. Tuy thể hiện phong độ ấn tượng với những chiến thắng ở loạt trận giao hữu, đội tuyển Iran vẫn bị coi là đội cửa dưới trong một bảng đấu có những cái tên hàng đầu ở châu Âu và Bắc Mỹ. Sở hữu lối đá tấn công và ban bật ngắn mẫu mực, song Iran sẽ cần hơn một xu hướng thi đấu thấp trước những đối thủ được đánh giá cao hơn, và chờ đợi các ngôi sao hàng công tỏa sáng trong những thời cơ hiếm hoi có được. Thể hiện bộ mặt đã giúp họ cầm hòa Bồ Đào Nha ở kỳ World Cup 2018, cộng với một chút may mắn, Iran hoàn toàn có khả năng làm nên bất ngờ trong mùa giải này.

Trận đầu ra quân bị thua 2-6 trước đội tuyển Anh quá mạnh không làm giảm hy vọng được vào vòng 2 lần đầu tiên một kỳ Word Cup của Iran vì các đối thủ tiếp theo là Mỹ và xứ Wales được xem là "vừa miếng" hơn.

3. Hàn Quốc: Thử thách đè nặng

Cái tên giàu kinh nghiệm nhất châu Á tại đấu trường World Cup chính là Hàn Quốc với 10 lần góp mặt. Các chiến binh Thái cực cũng là đội tuyển giàu thành tích nhất châu Á với hai lần vượt qua vòng bảng, với một lần vào tới Bán kết gây tranh cãi năm 2002.

Hàn Quốc cũng có một hành trình vòng loại tương đối thuận lợi. Trước những đối thủ ở đẳng cấp thấp hơn, Hàn Quốc dễ dàng giành 5 chiến thắng và chỉ để hòa 1 trận ở Vòng loại thứ Hai khu vực châu Á. Ở Vòng loại thứ Ba, hai cú sảy chân trước Iraq và UAE khiến đội tuyển xứ kim chi xếp sau Iran tại bảng A, song vẫn đủ để giúp họ giành vé đi tiếp trước hai lượt trận.

Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar? ảnh 3
Hàn Quốc đặt rất nhiều kỳ vọng vào Son Heung-min (Ảnh: Yonhap).

Ở Vòng Chung kết lần này, Hàn Quốc tiếp tục được đánh giá là một trong những cái tên châu Á đáng chú ý nhất. Ngoài cảm hứng trên hàng công đến từ Son Heung-min, hàng loạt những cái tên khác đang đạt phong độ cao tại các câu lạc bộ châu Âu như Kim Min-jae (hậu vệ Napoli), Jeong Woo-yeong (Freiburg), Lee Kang-in (Mallorca) hay Hwang Hee-chan (Wolverhampton) hứa hẹn đem tới một đội tuyển Hàn Quốc chắc chắn và giàu sức mạnh.

Đoàn quân huấn luyện viên Paulo Bento sẽ nằm chung bảng H cùng Bồ Đào Nha, Uruguay và Ghana. Tuy có màn thể hiện không đến nỗi nào ở các trận giao hữu trên sân nhà, nhưng Hàn Quốc vẫn bị đánh giá thấp nhất bảng. Các chiến binh Thái cực sẽ phải kỳ vọng rất nhiều vào phẩm chất ngôi sao của Son Heung-min, cũng như sức mạnh đến từ hàng phòng ngự, nhiều khả năng sẽ được dẫn dắt bởi Kim Min-jae, người đang có phong độ rất cao tại Serie A. Tuy không có nhiều cơ hội đi tiếp, song Hàn Quốc vẫn sẽ mang một tinh thần thi đấu hết mình, thứ đã góp phần giúp họ cầm cự và đánh bại đội tuyển Đức, trực tiếp loại nhà đương kim vô địch khỏi World Cup 2018.

4. Ả Rập Xê Út: Sức mạnh từ bóng đá quốc nội

Ả Rập Xê Út sẽ có lần thứ 6 góp mặt tại World Cup. Thành tích tốt nhất của đội tuyển này là lọt vào vòng 16 đội năm 1994. Điều đặc biệt hơn cả là Ả Rập Xê Út, cùng với Qatar, là hai đội tuyển duy nhất tại Cúp Thế giới lần này không có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Đây là điều khiến Chim Ưng Xanh trở thành một bí ẩn ở Qatar năm nay.

Ở vòng loại châu lục, Ả Rập Xê Út nắm giữ thành tích bất bại ở Vòng loại thứ hai. Ở Vòng loại cuối cùng, Ả Rập Xê Út giành chiến thắng trong tất cả các trận đấu trên sân nhà và chỉ để thua một trận duy nhất trước Nhật Bản ở Saitama, giành vé tới World Cup với vị trí nhất bảng. Xuyên suốt vòng loại, họ thể hiện một lối chơi tấn công kỹ thuật, giàu tốc độ, đồng thời xây dựng thế trận chắc chắn khi cần thiết trước những đối thủ có ưu thế hơn về thể lực.

Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar? ảnh 4

Tất cả các cầu thủ tuyển Ả Rập Xê Út đều thi đấu trong nước (Ảnh: Khel Talk).

Đến với Qatar, huấn luyện viên Herve Renard đem tới một đội hình kỳ cựu, với hầu hết những cái tên đã từng tham gia kỳ World Cup 4 năm về trước. Tiêu biểu trong số đó là nòng cốt của câu lạc bộ Al-Hilal, như tiền đạo Salem Al-Dawsari, đội trưởng Salman Al-Faraj. Ngoài ra, người hâm mộ Chim Ưng Xanh cũng đặt kỳ vọng vào những cái tên trẻ trên hàng công, như Saleh Al-Shehri và Firaj Al-Buraikan, cầu thủ xuất sắc nhất U23 Asian Cup năm 2022.

Ả Rập Xê Út nằm tại bảng C cùng Argentina, Mexico và Ba Lan. Vẫn bị đánh giá thấp hơn các đối thủ khác, song Ả Rập Xê Út cũng có thể gây khó dễ cho đối phương nếu duy trì được thế trận chắc chắn và khả năng chớp thời cơ hiệu quả của hàng công. Dù vậy, không nhiều người hâm mộ lạc quan về khả năng đi tiếp của Chim Ưng Xanh ở một bảng đấu mà Messi hay Lewandowski mới là những tâm điểm chú ý.

5. Nhật Bản: Núi cao chồng chất

Cũng là một cái tên đáng chú ý nữa của bóng đá Đông Á, Nhật Bản đến với kỳ World Cup thứ 7 liên tiếp với một tâm thế không lạc quan như 4 năm trước tại Nga. Samurai Xanh đang có một phong độ ổn định nhưng không quá xuất sắc.

Nhật Bản cũng trải qua một số thách thức nhất định ở vòng loại. Trải qua Vòng loại thứ hai với tám trận thắng tuyệt đối, các Samurai bất ngờ để thua hai trận trước Oman và Ả Rập Xê Út trong giai đoạn đầu Vòng loại thứ Ba. Sáu chiến thắng liên tiếp cùng một trận hòa ở giai đoạn sau đó giúp Nhật Bản tiến vào Vòng Chung kết với vị trí nhì bảng, chưa đủ để khiến người hâm mộ xứ Mặt trời Mọc hài lòng.

Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar? ảnh 5
Nhật Bản sẽ phải đối đầu với hai ông lớn Đức và Tây Ban Nha ngay từ vòng bảng (Ảnh: Sporting News).

Đội hình của huấn luyện viên Hajime Moriyasu góp mặt khá nhiều cái tên quen thuộc. Đội trưởng Maya Yoshida tiếp tục là người lĩnh xướng hàng thủ của đội bóng xứ hoa anh đào, cùng với sự trấn giữ hai bên cánh đến từ Hiroki Sakai (Urawa Red Diamonds) và Takehiro Tomiyasu (Arsenal). Hàng công có sự xuất hiện của Daizen Maeda, người đang thi đấu khởi sắc trong màu áo Brighton ở Ngoại hạng Anh, cũng như Takefusa Kubo và Daichi Kamada, những cái tên cũng đang thi đấu tại châu Âu. Bất ngờ hơn cả là sự xuất hiện của Takumi Minamino, người đang không đạt được phong độ cao cùng Monaco.

Nhật Bản nằm ở bảng E cùng Tây Ban Nha, Đức và Costa Rica. Không thể hiện được nhiều thay đổi trong quá trình chuẩn bị, Nhật Bản được đánh giá là không có nhiều khả năng làm nên bất ngờ trước hai ông lớn châu Âu, bên cạnh một Costa Rica khó lường từ Trung Mỹ. Sẽ không ngạc nhiên nếu Nhật Bản sớm phải chia tay giải đấu ngay từ vòng bảng.

6. Australia: Ngựa ô hay lót đường?

Australia chính là cái tên cuối cùng ở châu Á, và cũng là đội tuyển có hành trình Vòng loại vất vả nhất. Kể từ khi gia nhập AFC vào năm 2007, Australia đã không bỏ lỡ một kỳ World Cup nào. Nhưng cũng kể từ đó, đội tuyển này chưa thể một lần vượt qua vòng bảng Cúp Thế giới.

Cơ hội nào cho châu Á tại World Cup Qatar? ảnh 6

Australia đến với World Cup sau một hành trình vô cùng kịch tính (Ảnh: Getty Images).

Như đã nói ở trên, đội tuyển xứ sở chuột túi có chiến dịch vòng loại kịch tính nhất trong lịch sử nước này. Khởi đầu suôn sẻ với 8 trận thắng tuyệt đối ở Vòng loại thứ Hai và ba trận đầu tiên toàn thắng ở Vòng loại thứ Ba, Australia bất ngờ chững lại với chuỗi trận không thắng liên tiếp. Bị đẩy xuống vị trí thứ ba trong bảng đấu, Australia phải trải qua hai trận play-off sống còn tại Qatar. Sau khi vượt qua UAE trong trận play-off AFC, Australia đã thi đấu một trận cân não với Peru trong trận play-off liên lục địa. Socceroos đã phòng ngự kiên cường trước đại diện Nam Mỹ, trước khi giành tấm vé áp chót tới vòng chung kết sau chiến thắng 5-4 trên loạt đá luân lưu.

Đội hình được huấn luyện Graham Arnold mang tới Trung Đông mùa đông này bao gồm nhiều các tên đang thi đấu trong nước và tại Scotland. Những cái tên đáng chú ý nhất của đội tuyển xứ chuột túi. Bên cạnh những cái tên giàu kinh nghiệm dẫn dắt trung lộ như Jackson Irvine (St. Pauli) và Aaron Mooy (Celtic), giới chuyên môn đổ dồn sự quan tâm tới tiền đạo cánh trái Awer Mabil. Cầu thủ 27 tuổi gốc Phi đang thi đấu cho câu lạc bộ Cadiz của Tây Ban Nha. Tốc độ của Mabil là một trong những nhân tố quan trọng có thể giúp Australia tạo nên đột biến ở khu vực sát đường biên của đối thủ.

Nằm cùng bảng D với Pháp, Đan Mạch, và Tunisia, có thể nói những khó khăn đối với Australia không khác những gì họ đã phải đối mặt năm 2018. Tuy nhiên, với việc đương kim vô địch Pháp cùng các đối thủ còn lại phải đối mặt với cơn bão chấn thương và mất mát về nhân sự, đại diện của AFC có thể tạo ra được ít nhiều bất ngờ trong một bảng đấu không dễ đoán. Các học trò của huấn luyện viên Graham Arnold sẽ là một ẩn số tại Qatar mùa đông năm nay.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

'Bùa yêu' rao bán tràn lan trên mạng xã hội

'Bùa yêu' rao bán tràn lan trên mạng xã hội

SVVN - Các loại “bùa yêu” đang được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá dao động từ 250.000 đến 500.000 đồng. Những lời quảng cáo như “giúp níu kéo tình yêu”, “đảm bảo đối phương nghe lời răm rắp” hoặc “hàn gắn mọi mâu thuẫn tình cảm” được các tài khoản tự xưng là “thầy bùa” tung hô. Tuy nhiên, ẩn sau những lời mời gọi hấp dẫn ấy là những chiêu trò lừa đảo tinh vi.
Hành trình trở về quê hương và khởi nghiệp từ hoa cẩm cù

Hành trình trở về quê hương và khởi nghiệp từ hoa cẩm cù

SVVN - Sau nhiều năm sống và làm việc nơi đất khách, Đỗ Văn Phúc (sinh năm 1991) – quyết định trở về quê hương Bình Phước, với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất cha ông để lại. Hành trình này không chỉ là bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh mà còn là câu chuyện truyền cảm hứng về ý chí vươn lên và sự gắn bó với quê nhà.
Hành trình chinh phục Lùng Cúng: Sức hút mới với sinh viên và người trẻ

Hành trình chinh phục Lùng Cúng: Sức hút mới với sinh viên và người trẻ

SVVN - Đỉnh Lùng Cúng, với độ cao 2.913m, nằm sừng sững giữa vùng núi Mù Cang Chải (Yên Bái), đang trở thành điểm trekking hấp dẫn trong cộng đồng sinh viên và các bạn trẻ yêu thích khám phá thiên nhiên. Không chỉ là một hành trình chinh phục, cung đường này còn mang lại những trải nghiệm đậm chất phiêu lưu, giúp người tham gia thoát khỏi nhịp sống hối hả để hòa mình vào vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.
'Tín chỉ Carbon Việt Nam': Sáng tạo xanh từ nhóm cựu sinh viên trẻ

'Tín chỉ Carbon Việt Nam': Sáng tạo xanh từ nhóm cựu sinh viên trẻ

SVVN - Xuất phát từ tình yêu với môi trường và mong muốn đóng góp cho xã hội, một nhóm cựu sinh viên trẻ đã chung tay phát triển dự án 'Tín chỉ Carbon Việt Nam'. Không chỉ giàu nhiệt huyết, nhóm còn thể hiện tư duy sáng tạo và nền tảng kiến thức vững vàng để hiện thực hóa giải pháp đo đạc, tính toán trữ lượng carbon bằng công nghệ hiện đại.
Sinh viên trường Đại Nam hào hứng với Trường học hay Trường đời

Sinh viên trường Đại Nam hào hứng với Trường học hay Trường đời

SVVN - Ngày 5/12, toạ đàm "Sinh viên trước ngưỡng cửa tự lập" thuộc chuỗi chương trình hướng nghiệp "Trường học hay Trường đời'" do Báo Tiền Phong phối hợp tổ chức cùng Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia và Trường Đại học Đại Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với giảng viên và sinh viên Nhà trường. Thành công đó xuất phát từ sự hào hứng, say mê học hỏi và tinh thần nồng nhiệt của các bạn sinh viên.