Sinh ra và lớn lên ở TP. HCM nhưng sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Mầm non, Thanh Thảo lại rẽ hướng và về Cần Thơ để có không gian yên tĩnh trong việc sáng tạo các sản phẩm. Ba mẹ mong muốn con gái theo nghề giáo và nhiều người chê bai quyết định của Thảo, song cô vẫn kiên định với sự lựa chọn này.
Thảo có niềm đam mê với minifood nói riêng và nghệ thuật Miniature nói chung nên tự tìm tòi, học hỏi. Cô gái trẻ làm mọi thứ bằng đất sét, từ đồ ăn tí hon đến các con vật, đặc biệt là các món ăn Việt Nam. Cô hào hứng nói rằng, mình thích làm đồ ăn tí hon vì chúng đáng yêu và hấp dẫn không kém gì đồ ăn thật hay những mô hình sản phẩm có kích thước lớn hơn.
Thanh Thảo luôn say mê với công việc của mình. |
Thay vì sử dụng đất nung với giá khá cao, Thảo chuyên sử dụng đất tự khô (airclay) nên phải làm nhanh và có cách bảo quản tốt để tránh trường hợp đất bị khô cứng. Cô hay gặp phải sự cố đáng tiếc là làm rơi sản phẩm trong quá trình thực hiện, vì kích thước của chúng quá nhỏ. Đổi lại, Thảo cảm thấy hạnh phúc khi chiêm ngưỡng những món ăn nhân tạo hấp dẫn “như thật”. Ảnh chụp sản phẩm của Thảo đã nhận được “cơn mưa lời khen” của cộng đồng mạng khi cô đăng tải chúng trong một nhóm nghệ thuật. “Mình “mê tít” khi được ngắm thành quả tí hon trong tay và chỉ mong khách hàng cũng thích chúng như mình”, Thảo nói.
Những sản phẩm được Thảo làm trong 1 - 3 ngày tùy vào độ cầu kỳ và cần thêm một ngày để khô hoàn toàn. |
Trước khi bắt tay vào làm, Thảo quan sát kỹ đặc điểm bề mặt như hình dáng, sự sắp xếp, tỷ lệ các thành phần cơ bản của đồ ăn thật rồi cố gắng tạo hình sản phẩm sao cho chính xác và “có hồn” nhất. Thảo chăm chút từng đường gân của thịt bò, phần xơ của trái quýt cho đến độ nhớt nhất định trên thân cá,… Dựa vào đặc điểm sản phẩm, Thảo sẽ biết dùng dụng cụ thích hợp, ngay cả đồ làm móng cũng trở nên hữu ích với cô.
Đa số sản phẩm Thảo làm có tỉ lệ 1/12. |
Sau hành trình 5 năm theo nghề, Thảo nói vui: “Lúc trước, mình nóng nảy lắm. Nhờ công việc này, mình tự nhận thấy bản thân có phần điềm tĩnh hơn, đồng thời rèn luyện khả năng quan sát cẩn thận. Cái khó của việc làm đồ mini là nó đòi hỏi tính tỉ mẩn cao, nên đôi khi mình chỉ muốn nhanh chóng hoàn thành sản phẩm vì mệt. Cuối cùng, thành quả làm ra không được sắc nét như ý muốn”.
Thẻ điện thoại, truyện tranh mini dành cho búp bê do Thảo làm. |
Hiện tại, cô sở hữu thương hiệu online chuyên bán đồ chơi mini, đồ chơi handmade bằng đất sét… có tên “Minitoy”. Khách hàng là nhóm đối tượng lớn tuổi hơn cô, với sở thích sưu tầm những thứ tí hon. Thảo duy trì nhận đơn hàng trong mùa dịch nhưng hàng hóa bị hạn chế vận chuyển nên việc kinh doanh của cô có chút ảnh hưởng.
Đồ ăn tí hon bằng đất sét của Thảo. |
Chia sẻ về dự định sắp tới, Thảo nói: “Mình muốn nhiều người hiểu hơn về giá trị của dòng sản phẩm này, cũng như công sức của người làm ra nó. Trong tương lai, mình sẽ cố gắng sáng tạo thêm các sản phẩm mới mẻ, thú vị để nhiều người biết đến bộ môn Miniature. Hơn thế nữa, bên cạnh hướng đi thị trường ngách, mình cũng ấp ủ việc nâng cấp và quảng bá các sản phẩm handmade mini đậm chất Việt Nam đến với bạn bè quốc tế”.