Những khó khăn và trái tim nhiệt huyết
Phương Thảo cho biết, vào khoảng tháng Hai, cô rất muốn tham gia công tác hỗ trợ dịch bệnh tại Hải Phòng nhưng tại thời điểm đó chưa cần thiết điều động số lượng lớn sinh viên ngành Y tham gia nên cô đành quan sát từ xa. Vậy nên, khi được huy động đi hỗ trợ tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh, không chỉ riêng Thảo mà còn hàng nghìn bạn sinh viên tình nguyện tại các trường đại học có ngành Sức khỏe đã không ngần ngại đăng ký tham gia ngay để hỗ trợ tâm dịch.
Ngày 17/5, sau khi nhận thông báo của tỉnh Bắc Ninh đang cần gấp nguồn nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch, Trần Phương Thảo đã không chút do dự đăng ký tham gia cùng với những người bạn của mình. Mãi đến khi lên xe, Phương Thảo mới quyết định nhắn cho bố mẹ vì sợ bố mẹ lo lắng. Sau khi nhận tin nhắn từ con gái, bố mẹ Thảo không giận mà còn động viên, ủng hộ con yên tâm tham gia công tác chống dịch. “Bố cũng là người trong tuyến đầu chống dịch ở quê hương Thanh Hóa nên đã hiểu công việc và suy nghĩ của mình. Thật may, bố không giận mà còn tiếp sức cho mình bằng tin nhắn động viên”, Thảo nói.
Những tin nhắn động viên của bố Thảo với con gái. (Ảnh: NVCC) |
Sau khi đến Sở Y tế Bắc Ninh, Thảo và các bạn trong đội được điều phối về Trung tâm Y Tế huyện Tiên Du để tiếp sức các anh chị đang làm nhiệm vụ tại đây theo sự phân công chỉ đạo của Sở. Đêm hôm đó, Thảo và các bạn của mình khá bất ngờ được lệnh truy vết F1 khẩn cấp và lấy các mẫu xét nghiệm tại 6 khu phong tỏa với hơn 10.000 mẫu từ 2h sáng đến 10h tối trong bộ trang phục bảo hộ. Đặc biệt, với thời tiết nắng nóng như ở Bắc Ninh, mặc bộ đồ bảo hộ trong suốt chục tiếng đồng hồ, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Thảo cảm thấy trong người luôn tràn đầy nhiệt huyết và lạc quan. Với Phương Thảo, những khó khăn đó vẫn chưa là gì so với việc trải qua cảm giác nhìn các cụ hơn 80 tuổi len lỏi giữa đám đông để lấy mẫu xét nghiệm, rồi lại lững thững đi về. Hình ảnh em bé vài tháng tuổi được bồng bế, gào khóc giữa dòng người đang chờ lấy mẫu. Mỗi ngày thức dậy, các bản tin lại liên tục cập nhật số ca bệnh Bắc Ninh, Bắc Giang tăng nhanh. Đó mới là những khó khăn thực sự mà Phương Thảo phải đối mặt mỗi ngày.
Thảo và những người bạn của mình trong những ngày ở tâm dịch Bắc Ninh. (Ảnh: NVCC) |
Mỗi lần hoàn thành công việc, để giảm căng thẳng Trần Phương Thảo và những cộng sự trong đội của mình thường múa những động tác ngộ nghĩnh một cách ngẫu hứng để giải tỏa căng thẳng và tạo thêm động lực tinh thần.
Những dòng tâm sự của cô sinh viên năm cuối
Sau 27 ngày công tác tại tuyến đầu, Trần Phương Thảo đã ngồi viết những dòng nhật ký tại khu cách ly, với nội dung nhớ da diết đường sá, nhớ nơi mình đã làm việc, nhớ các bạn dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện phân luồng, nhớ những người đã cùng mình chiến đấu tại trung tâm y tế huyện Tiên Du. Những người đã không quản khó khăn, chăm sóc và đón tiếp cô và những người bạn từ những ngày đầu, quan tâm sẻ chia từng miếng bánh, chai nước, tiếp sức đội sau mỗi lần hoàn thành công việc.
Cô sinh viên năng động ấy luôn cảm thấy nhớ khi không còn được tiếp tục đồng hành cùng những người cộng sự trong suốt 27 ngày làm “chiến sĩ” tại Tiên Du. Phương Thảo cũng luôn mong rằng, một ngày gần nhất, không chỉ huyện Tiên Du mà các địa bàn khác tại tỉnh Bắc Ninh và cả nước sẽ hết dịch để cuộc sống được trở lại bình thường.
Cuối tâm tư, Phương Thảo cũng không quên tự hứa với bản thân: “Chắc chắn rằng, không chỉ tôi mà còn các bạn đồng đội, chúng tôi sẽ quay trở lại thăm trung tâm và những người bạn Tiên Du, sẽ chia sẻ niềm vui niềm chiến thắng khi đơn vị hết dịch. Tôi vẫn ghi nhớ câu nói của người Bắc Ninh khi lần đầu đặt chân đến Tiên Du - “Người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình” - Và tôi, vẻn vẹn 27 ngày làm nhiệm vụ tại địa phương, tôi đã cảm nhận và tin câu nói đó!”.
Phương Thảo hiện đang “nổi như cồn” trên nền tảng ứng dụng TikTok bởi nét duyên dáng, ngộ nghĩnh qua những điệu nhảy giải tỏa căng thẳng sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi. Những điệu nhảy ngẫu hứng, vui nhộn cũng như tinh thần lạc quan, vui vẻ của Phương Thảo cũng chính là niềm an ủi cho người dân tại tâm dịch và là động lực của cho những “chiến sĩ tuyến đầu” đang trên hành trình chiến đấu đẩy lùi dịch bệnh.