Cứ A Súa là một trường hợp như thế. Chàng trai người dân tộc Mông đã khởi nghiệp thành công từ chính bài thuốc gia truyền của gia đình. Nhiều năm qua, anh không chỉ vươn lên thành một điển hình tiên tiến của tỉnh Lai Châu mà còn giúp đỡ hàng ngàn người khỏi bệnh.
Câu chuyện của A Súa bắt đầu từ thời thơ ấu, khi anh theo chân mẹ lên rừng hái thuốc. Gia đình A Súa ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu, vốn có truyền thống chữa các bệnh về gan như: viêm gan B, C, xơ gan, xơ gan cổ chướng, gan nhiễm mỡ... dựa trên các bài thuốc dân gian của dân tộc Mông.
Chân dung thầy thuốc trẻ người Mông - Cứ A Súa. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Ngày ấy, A Súa không nghĩ mình sẽ theo nghiệp thầy lang. Dù nhà nghèo, anh vẫn ham học tập. Tốt nghiệp trường Sĩ quan Chính trị, A Súa về công tác trong lực lượng Bộ đội Biên phòng của tỉnh Lai Châu, từng lọt vào danh sách 10 'Gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân' và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký quyết định thăng quân hàm trước niên hạn từ Trung úy lên Thượng úy.
Thế nhưng, nghề chọn người. Khi nhiều người trong đơn vị hoặc đồng bào gần đó có vấn đề về gan, A Súa nhớ lại bài thuốc của mẹ, lên rừng hái thuốc về chữa cho họ. Xác định giúp đỡ là chính, ai ngờ bài thuốc hiệu nghiệm, tiếng lành đồn xa, nhiều người ở xa cũng tìm đến nơi A Súa công tác để nhờ chữa. Khi số bệnh nhân nhờ cậy quá đông, anh nghĩ đã đến lúc phải làm bài bản hơn.
Đó là năm 2017, cùng thời điểm Sở Y tế vận động A Súa làm hồ sơ xin cấp phép và giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Đáng nói là trước A Súa, chưa một ai trong tỉnh từng làm các thủ tục này. Cán bộ Sở Y tế phải đi hỏi, tham khảo nhiều nơi về quy trình cấp phép. Sau nhiều tháng, cuối cùng thủ tục cũng hoàn tất. A Súa là người đầu tiên ở Lai Châu được cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền. Bài thuốc của A Súa cũng đoạt giải Nhì tại Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên Lai Châu” năm 2018, do Tỉnh Đoàn Lai Châu tổ chức.
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, A Súa cũng mạnh dạn vay mượn mở phòng khám, chuyên nghiệp hóa quy trình chữa bệnh. Anh luôn yêu cầu người bệnh khi đến khám phải mang theo kết quả xét nghiệm, siêu âm với mục đích đảm bảo tính chính xác trong chẩn đoán bệnh, cũng như biết được hiệu quả chữa trị đến đâu trong những lần tái khám. Phòng khám của A Súa còn trang bị phần mềm lưu trữ nhằm theo dõi tình trạng bệnh nhân một cách khoa học.
Hằng ngày, Cứ A Súa vẫn tiếp tục rong ruổi trên các triền núi để tìm những cây thuốc về chữa bệnh cho người dân nghèo. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Bên cạnh đó, A Súa sẵn sàng đổi mới phương thức, chuyển từ thuốc sắc sang túi lọc, đầu tư máy móc vào sản xuất. Bản thân A Súa cũng tự mày mò, trau dồi kiến thức y học hiện đại, thông qua sách vở, Internet, xây dựng đội ngũ hỗ trợ có trình độ chuyên môn cao.
Một cột mốc đáng nhớ của phòng khám A Súa là cuối năm 2019, thông qua phần mềm theo dõi tình trạng bệnh nhân, anh phát hiện một trường hợp không đến lấy thuốc lần hai sau khi kết thúc liệu trình 15 ngày đầu. Đó là cô gái trẻ người Mông ở xã Tả Lèng (huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) bị xơ gan cổ chướng, từng bị bệnh viện trả về. Băn khoăn không biết tình trạng bệnh nhân ra sao, A Súa mới dò hỏi. Hóa ra nhà cô gái nghèo quá, lần trước phải bán lợn lấy tiền mua thuốc. Mặc dù bệnh tình thuyên giảm, nhưng không còn tiền để theo tiếp liệu trình.
Cũng là một người Mông, trải qua tuổi thơ vất vả, A Súa thấu hiểu tình cảnh túng thiếu lại lâm bệnh trọng. Anh quyết định chữa miễn phí cho cô gái, đồng thời áp dụng chính sách cấp phát thuốc, chữa trị không mất tiền cho các bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ chính sách. Chính nhờ tấm lòng của anh, cho đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn vượt qua căn bệnh gan quái ác, trở lại với cuộc sống bình thường. Theo A Súa, anh vươn lên từ chính bài thuốc dân gian, vì vậy phải có trách nhiệm hỗ trợ đồng bào, quyết duy trì chính sách này lâu dài với số lượng không giới hạn.
Ngoài việc giúp đỡ bệnh nhân, A Súa cũng ủng hộ hết mình những thầy thuốc khác muốn đi lên từ bài thuốc dân gian. “Lai Châu với nhiều ngọn núi, khu rừng và nhiều đồng bào các dân tộc sinh sống, vì vậy có rất nhiều bài thuốc hay. Tôi mong Lai Châu có thêm nhiều A Súa nữa, vừa tự giúp mình vừa giúp người khác”, anh nói.
Chàng thanh niên từng được xét tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu vì "Đã có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh giỏi", đồng thời nhiều lần được Huyện Đoàn mời đến nói chuyện, truyền cảm hứng cũng nhắn nhủ thêm: “Ban đầu, khởi nghiệp đương nhiên gặp nhiều khó khăn, nhưng kiên trì, nỗ lực và có một cái tâm tốt, ắt sẽ thành công”.