Phương thức đầu tiên là tuyển thẳng và ưu tiên tuyển thẳng, chiếm tối đa 20% tổng chỉ tiêu.
Phương thức thứ hai là xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức vào năm 2025, với tỷ lệ chỉ tiêu khoảng 40 - 60%.
Phương thức cuối cùng là xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, chiếm khoảng 30 - 50% tổng chỉ tiêu.
Bốn tổ hợp xét tuyển bao gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; và Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật.
Sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM. (Ảnh minh họa) |
So với các tổ hợp xét tuyển trước, năm 2025, nhà trường đã loại bỏ hai tổ hợp có ít thí sinh đăng ký và thay thế bằng hai tổ hợp mới: Toán - tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Trong đó, hai môn Tin học và Giáo dục kinh tế và pháp luật thuộc chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã được bổ sung vào các tổ hợp này.
Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, cho biết phương án tuyển sinh năm 2025 được thiết kế để thu hút những thí sinh có năng lực cao, đảm bảo chất lượng đầu vào theo đúng yêu cầu đào tạo của nhà trường và nhu cầu của thị trường lao động. Trường sẽ điều chỉnh kế hoạch tuyển sinh trong trường hợp Bộ Giáo dục - Đào tạo và Đại học Quốc gia TPHCM đưa ra các quy chế mới.
Năm 2024, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã tuyển sinh cho 15 ngành với 23 ngành và chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Việt cùng 8 ngành/chuyên ngành giảng dạy bằng tiếng Anh. Trường cũng đã triển khai hai chương trình hợp tác doanh nghiệp (Co-operative Education) trong các lĩnh vực Công nghệ tài chính (Fintech) và Hệ thống thông tin quản lý (MIS), đồng thời tuyển sinh thêm ngành mới là Quản lý công và Phân tích dữ liệu.
Trong năm tuyển sinh vừa qua, trường ghi nhận hơn 75.000 nguyện vọng đăng ký, tăng 10% so với năm 2023, với điểm chuẩn của hầu hết các ngành đều tăng so với năm trước.