Thiếu tá Hơ Văn Di là một trong những người âm thầm đóng góp cho công tác xóa mù chữ nơi vùng biên giới heo hút. Mang quân hàm xanh trên vai, anh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương mà còn mang đến ánh sáng tri thức cho đồng bào dân tộc Mông, giúp họ thoát khỏi sự mù chữ và từng bước thay đổi cuộc sống.
‘Thầy giáo quân hàm xanh’ mang ánh sáng tri thức đến vùng biên viễn Mường Lát. |
Đêm đến, tại lớp học xóa mù chữ ở bản Pa Búa, ánh đèn lại sáng lên. Đây là lớp học đặc biệt của những người phụ nữ dân tộc Mông, nhiều người đã là bà nội, bà ngoại, và có cả những chị địu con, cháu theo học. Họ đến đây không chỉ để biết đọc, biết viết mà còn để hiểu thêm về cuộc sống, về cách sản xuất và về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Thiếu tá Di kiên nhẫn đi từng bàn, chỉ dạy từng nét chữ, tiếng đánh vần với phong thái điềm đạm, chân thành. Đối với người dân nơi đây, anh là “thầy giáo quân hàm xanh” miệt mài cống hiến, giúp họ thay đổi vận mệnh từ những điều giản dị nhất.
Sinh ra và lớn lên tại Mường Lát, Thiếu tá Di thấu hiểu sâu sắc cái khó của đồng bào, vì mù chữ. Anh hiểu rằng, thiếu tri thức là một trong những nguyên nhân lớn khiến cuộc sống của người dân quanh năm nghèo đói, lạc hậu. Sau khi gia nhập lực lượng Biên phòng, năm 2006, anh được phân công về Đồn Biên phòng Trung Lý. Những năm làm việc ở đây, anh chứng kiến sự thiếu hiểu biết dẫn đến những hệ lụy không nhỏ: Người dân gặp khó khăn trong cuộc sống, dễ bị lừa gạt, và nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại.
Thiếu tá Di cùng bà con lên lớp học xoá mù chữ. |
Trước thực tế này, Thiếu tá Di đã tham mưu cho Đồn Biên phòng Trung Lý và chính quyền xã Trung Lý mở các lớp xóa mù chữ. Ban đầu, công tác vận động không dễ dàng. Phần lớn bà con đều là lao động chính trong gia đình nên khi nghe về chuyện học chữ, họ phản đối: “Cái chữ có đổi được xe máy không? Có đổi được gạo không?”... Thấu hiểu tâm lý đó, Thiếu tá Di không từ bỏ. Anh kiên nhẫn giảng giải bằng ngôn ngữ gần gũi, đôi khi phải dùng tiếng dân tộc Mông để bà con hiểu: “Biết chữ là để không lo đói ăn, để trồng ngô, trồng lúa đạt năng suất cao, để không bị kẻ xấu lợi dụng”. Với lòng kiên trì, anh dần dần thuyết phục được người dân tham gia lớp học.
Nhờ sự nỗ lực, kiên trì, từ năm 2019 đến nay, Thiếu tá Di cùng đồng đội đã tổ chức thành công 6 lớp xóa mù chữ cho hơn 250 học viên tại các bản Khằm 1, Khằm 2 và Pa Búa. Những lớp học này không chỉ giúp bà con biết đọc, biết viết, mà còn là nơi truyền đạt các kiến thức về nông nghiệp và tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Nhiều người dân đã dần từ bỏ các tập tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết, và bắt đầu tham gia các phong tục mới trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Thiếu tá Di cùng đồng đội đã tổ chức thành công 6 lớp xóa mù chữ cho hơn 250 học viên tại các bản Khằm 1, Khằm 2 và Pa Búa. |
Bản Pa Búa, nơi diễn ra lớp học của Thiếu tá Di, là một vùng biên giới nghèo, phần lớn dân số là người Mông theo Công giáo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Địa hình hiểm trở, giao thông bất tiện, khí hậu khắc nghiệt cũng khiến công tác vận động quần chúng và xóa mù chữ trở nên gian nan hơn. Nhưng với quyết tâm của "người thầy quân hàm xanh", ánh sáng tri thức dần được thắp lên, mang đến niềm hy vọng và một tương lai mới cho người dân nơi đây.
Thiếu tá Hơ Văn Di, là một trong 60 gương giáo viên được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024, do T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Bộ GD - ĐT, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.
Chị Thào Thị Xênh (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Pa Búa, là học viên của lớp) chia sẻ: “Nhờ cán bộ Biên phòng cho đi thăm các bản bên, tôi thấy chị em học chữ với thầy Di biết làm kinh tế, còn được các công ty nhận vào làm việc, có thu nhập ổn định. Nhờ vậy, Ban quản lý bản đã mời thầy Di về dạy chữ cho chị em trong bản”. Sự chuyển biến này là minh chứng cho ý nghĩa to lớn mà lớp học của Thiếu tá Di mang lại, khi nó không chỉ là lớp học xóa mù mà còn mở ra cánh cửa giúp bà con cải thiện cuộc sống.