Hàng chục nhóm chat là chuyện bình thường
11 giờ đêm, màn hình điện thoại của Thanh Mai vẫn sáng rực, liên tục hiện thông báo từ các nhóm chat công việc. Cô nhân viên thiết kế đồ họa, 26 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông lớn ở quận 1, TP.HCM thở dài khi cầm điện thoại kiểm tra. "Ngày nào cũng như ngày nào, chưa bao giờ mình thấy điện thoại yên lặng, kể cả lúc đi ngủ," Mai nói, giọng mệt mỏi.
Bạn trẻ đau đầu vì là thành viên của hàng chục nhóm chat. (Ảnh minh họa bởi AI) |
Với Mai, mỗi dự án cô nàng tham gia đều có ít nhất 4-5 nhóm chat riêng biệt, gồm nhóm với khách hàng, nhóm với đồng nghiệp và nhóm báo cáo tiến độ. Tổng cộng, cô đang là thành viên của gần 30 nhóm chat trên các nền tảng như Zalo, Messenger, Viber đến Telegram. Điều này khiến Mai gần như không bao giờ có thời gian thực sự "nghỉ ngơi" sau giờ làm việc.
"Mỗi ngày mình dành ít nhất 3-4 tiếng chỉ để đọc tin nhắn và trả lời. Điều đó khiến công việc chính của mình luôn bị dồn đống lại đến tận đêm," Mai chia sẻ.
Hệ quả của việc "ngập trong chat nhóm" không chỉ dừng lại ở khối lượng công việc dồn nén, tồn đọng. Mai cho biết, cô thường xuyên căng thẳng, thậm chí rơi vào trạng thái kiệt sức khi nhận tin nhắn công việc bất kể giờ giấc. "Nhiều khi mình không dám tắt thông báo hay để điện thoại xa mình, sợ bị sếp hoặc đồng nghiệp đánh giá là thiếu chuyên nghiệp," cô nói thêm.
Không chỉ Thanh Mai, Trần Hoàng Minh, 25 tuổi, hiện đang là lập trình viên tại một công ty công nghệ ở Hà Nội, cũng đối mặt với áp lực tương tự. Anh cho biết công ty khuyến khích sử dụng các ứng dụng nhắn tin để "tăng hiệu quả làm việc," nhưng điều này lại khiến ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân dần biến mất.
5 ứng dụng nhắn tin trên điện thoại của Minh. (Ảnh: NVCC) |
"Khách hàng nhắn tin bất kể giờ giấc, và sếp cũng mong muốn mình phản hồi ngay lập tức. Nhiều lần mình phải đứng dậy khỏi bàn ăn gia đình chỉ để trả lời vài câu hỏi không mấy quan trọng," Minh kể.
"Có lẽ vì quá tiện nên mỗi khi online, sếp lầm tưởng mình đều sẵn sàng nhận việc, bất kể giờ giấc", Minh giải thích. Đặc biệt định kiến nhân viên nhận tin nhắn nhưng không đọc hoặc không trả lời ngay bị cho là thiếu chuyên nghiệp, coi thường sếp, càng khiến anh chàng căng thẳng khi nhận việc sau giờ làm. "Đó là lý do mình lúc nào cũng cảm giác ngập trong công việc và ám ảnh mỗi khi thấy có tin nhắn", Minh nói.
Nên sử dụng công nghệ đúng cách
Thói quen sử dụng chat nhóm để trao đổi thông tin trong công việc đã trở nên phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam. Theo báo cáo năm 2023 của một nền tảng mạng xã hội, Việt Nam có hơn 65 triệu người dùng thường xuyên trên các ứng dụng nhắn tin, với hàng tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày.
Th.S tâm lý học Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California tại Davis, Mỹ, nhận định sự xuất hiện của các nhóm chat là điều tất yếu trong bối cảnh công nghệ thông tin và mạng xã hội phát triển. Các nền tảng nhắn tin mang đến nhiều tiện ích như giảm chi phí giao tiếp, kết nối nhanh chóng và linh hoạt. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng không thể phủ nhận những hệ lụy tiêu cực mà việc lạm dụng nhóm chat có thể gây ra.
“Mặt trái của các nhóm chat không chỉ dừng lại ở việc mất thời gian mà còn làm xóa nhòa ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân. Nhân viên cảm thấy bị áp lực phải sẵn sàng phản hồi mọi lúc, dẫn đến căng thẳng tâm lý kéo dài. Bên cạnh đó, các rủi ro như lộ thông tin nhạy cảm, cảm giác bị cô lập trong môi trường làm việc cũng là những vấn đề cần được quan tâm,” ông phân tích.
Chuyên gia cho rằng để tránh bị xao nhãng bởi những luồng tin nhắn liên tục có thể chọn chế độ ẩn hoặc im lặng hoặc rời nhóm khi cảm thấy không còn cần thiết. (Ảnh minh họa bởi AI). |
Chính Justin Santamaria, cựu kỹ sư Apple và là "cha đẻ" của ứng dụng nhắn tin iMessage cũng từng đề cập đến vấn đề này trong một bài phỏng vấn trên Wired.com. Ông cho rằng, sự phổ biến của các ứng dụng chat đã vô tình làm giảm đi tính lịch sự trong giao tiếp.
"Ngày trước, người ta thường mở đầu bằng những câu như 'Không gấp, trả lời khi nào bạn rảnh' hoặc khi gọi điện sẽ hỏi: 'Bạn có bận không?' trước khi vào chuyện chính. Nhưng với các ứng dụng nhắn tin, giờ đây mọi người chỉ cần gửi đi mà không cần cân nhắc," Justin chia sẻ.
Để giảm bớt áp lực từ hàng loạt tin nhắn nhóm, chị Nguyễn Lan Anh, 31 tuổi, giám đốc dự án tại một công ty công nghệ ở TP.HCM, đã áp dụng phương pháp quản lý thông tin theo mức độ phân cấp ưu tiên. Chị chia tin nhắn thành ba nhóm chính: cấp bách cần xử lý ngay, cần theo dõi nhưng không gấp, và tin nhắn có thể đọc sau.
"Tôi phân chia rõ ràng giữa các nhóm công việc và nhóm cá nhân. Các nhóm không quá quan trọng đều bị tắt thông báo hoặc ẩn đi. Khi không bị phân tâm bởi tin nhắn, tôi có thể tập trung giải quyết các nhiệm vụ quan trọng hơn", chị Lan Anh chia sẻ. Ngoài ra, chị cũng đặt ra quy tắc cho chính mình: không trả lời tin nhắn công việc sau 9 giờ tối, trừ trường hợp khẩn cấp.
Theo chuyên gia Nguyễn Nam Anh, giải pháp không nằm ở việc loại bỏ hoàn toàn các nhóm chat mà là ở cách mỗi người sử dụng công cụ này một cách khoa học:
“Doanh nghiệp có thể đưa ra những quy định rõ ràng về thời gian phản hồi hoặc áp dụng các công cụ quản lý thông tin hiện đại để giảm thiểu áp lực cho nhân viên. Một hướng đi hiệu quả hơn là khuyến khích nhân viên thông qua các cơ chế tạo động lực tích cực, chẳng hạn áp dụng phương thức quản lý dựa trên KPI hoặc trả lương theo hiệu suất công việc. Điều này vừa giúp người lao động có sự linh hoạt và thoải mái, vừa đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ," ông nhận định.
"Đồng thời, người lao động cũng cần tự đặt ra ranh giới, phân bổ thời gian hợp lý giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Để tránh bị xao nhãng bởi những luồng tin nhắn liên tục có thể chọn chế độ ẩn hoặc im lặng. Có thể rời nhóm khi cảm thấy không còn cần thiết. Hạn chế nhắn tin trong nhóm vào giờ khuya nếu không có chuyện quan trọng, cấp bách. Chỉ khi công nghệ được sử dụng đúng cách, nó mới thực sự trở thành công cụ hỗ trợ thay vì là nguyên nhân gây áp lực,” Th.S Nguyễn Nam Anh kết luận.