Ba năm, một chặng đường
"The Phiêu Linh Project" đã chọn Sa Pa (tỉnh Lào Cai) làm điểm đến đầu tiên của dự án. Phương Anh và Phương Duyên cho biết, trong suốt quá trình đi dọc miền Bắc, hai cô nhận thấy Sa Pa tuy là một thị trấn du lịch lý tưởng nhưng cũng chính tại nơi đây, vòng lặp của đói nghèo – bỏ học – lao động sớm vẫn đang diễn ra. “Vì vậy, năm 2019, "The Phiêu Linh Project" ra đời là để dùng giáo dục trao yêu thương và truyền cảm hứng” – Phương Duyên chia sẻ.
Để có thể hiện thực hóa mục tiêu của "The Phiêu Linh Project", hai cô đã phải bắt đầu từ “ba số 0”: không tiền quỹ, không có sự kết nối với địa phương, không được nhận diện đối với cộng đồng. Vì đối tượng hướng đến là học sinh, Phương Anh và Phương Duyên quyết định chọn trường học là nơi tiếp cận của dự án. Cụ thể, trong suốt hai năm qua, "The Phiêu Linh Project" đã có rất nhiều đóng góp tích cực cho trường Phổ thông Dân tộc Bán trú San Sả Hồ (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Nói về cách thức tiếp cận, Phương Duyên cho biết, trở ngại lớn nhất đó chính là làm sao thuyết phục được xã và trường học tin tưởng vào hoạt động của dự án. Thậm chí, sau ba tháng trao đổi qua điện thoại và email nhưng vẫn không thành công, hai cô gái đã phải khăn gói lên tận địa điểm để gặp trực tiếp chính quyền địa phương. Bày tỏ sự biết ơn đối với những người đã ủng hộ "The Phiêu Linh Project", Phương Duyên tâm sự: “Mục tiêu ban đầu của dự án còn sơ khai nên lúc nào chúng mình cũng sẵn sàng lắng nghe góp ý và phản biện từ mọi người về giá trị hoạt động, việc chọn địa phương và đối tượng hưởng lợi đã phù hợp hay chưa. Đây thực sự là một điều đáng trân trọng”.
Các thành viên của dự án thiện nguyện "The Phiêu Linh Project". |
Chia sẻ về quá trình “kết nạp” thành viên, sáng lập viên "The Phiêu Linh Project" cho biết, trong năm đầu tiên thành lập, dự án đã tiếp nhận hàng trăm lá đơn ứng tuyển và số lượng đơn tiếp tục tăng ở hai năm tiếp theo. Những bạn trẻ ứng tuyển đều đến từ 63 tỉnh, thành của Việt Nam, thậm chí có những lá đơn của nhiều bạn trẻ sinh sống ở nước ngoài như Mỹ, Anh, Nga, Singapore, Israel… Đối với "The Phiêu Linh Project", đây là một tín hiệu tốt vì dự án luôn mong muốn tạo ra một nhóm người có sự đa dạng về văn hóa, giọng nói, quan điểm để có thể học hỏi và bổ sung cho nhau. Tuy có sự khác biệt về múi giờ, những bạn trẻ vẫn sẵn sàng thu xếp thời gian để tham gia những buổi họp. Trân trọng với tinh thần nhiệt huyết của các thành viên, Phương Anh và Phương Duyên luôn cố gắng động viên, giúp đỡ để họ không vì dự án mà ảnh hưởng đến công việc cá nhân.
Đổi mới, sáng tạo trong hoạt động
Ở "The Phiêu Linh Project", giáo dục chính là “kim chỉ nam” của dự án. Tuy nhiên, việc các bạn trẻ có sẵn kiến thức chuyên sâu về chủ đề mình sẽ truyền đạt đến những em học sinh không phải là bắt buộc. Phạm Thị Minh Thảo (thành viên của dự án) chia sẻ: “Đến với "The Phiêu Linh Project", chúng mình luôn được dự án tổ chức các buổi training về nội dung sẽ đứng lớp và cả các buổi bonding để các thành viên làm việc tốt hơn”.
"The Phiêu Linh Project" tổ chức workshop định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ để gây quỹ. |
Trong năm 2021, The Phiêu Linh Project sẽ chuyển hướng sang đối tượng tiếp cận là học sinh THPT tại một trường ở Tây Nguyên. Với chủ đề “Quality Education – Zero Emission”, dự án mong muốn thông qua quá trình tìm hiểu về bài toán “Thủy điện hay Rừng”, các em học sinh không những có sự kích thích trong việc nảy ra những sáng kiến thay đổi vấn đề biến đổi khí hậu tại nơi mình đang sinh sống mà còn hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng để trở thành những cá nhân hạnh phúc và những công dân tử tế. “Để bắt đầu và kết thúc dự án một cách trọn vẹn nhất cần có một quá trình làm việc khó khăn và tâm huyết, tuy vậy, chúng mình vẫn muốn từng bước chân đều khẳng định được dấu ấn và từng việc làm đều mang lại giá trị” – Trần Ngọc Đan Tuyền (thành viên của dự án) chia sẻ về kế hoạch năm nay.