Đưa bánh bột lọc ra thế giới

SVVN - Không ít người bất ngờ khi Nguyễn Duy Vĩ (sinh năm 1985) quyết định rời bỏ công ty du lịch mà anh bạn là đồng sáng lập kiêm Giám đốc marketing để về khởi nghiệp với startup Ẩm Thực Nhà Bu (Bu's food) của mình, kinh doanh bánh bột lọc và các món ăn truyền thống của Việt Nam trên online.

Những bước đệm đầu chắc chắn

Với mong muốn đưa chiếc bánh bột lọc này đến cho mọi người thưởng thức, Duy Vĩ đã bắt đầu bán bánh bột lọc online vào năm 2013 khởi đầu với fanpage Ẩm Thực Nhà Bu, sau đó kinh doanh thêm chả Huế. “Mình bắt đầu thử nghiệm bán bánh online với 2 sản phẩm chính này. Và khách hàng mua phải đến nhà lấy. Để có bánh ăn khách hàng nhiều lúc phải chờ đến 2 tuần hoặc cả tháng. Và lúc cao điểm mình phục vụ đến hơn 5.000 bánh mỗi tuần và hơn 1.000 cây chả. Doanh thu mỗi tháng lên đến con số hàng trăm triệu đồng. Đây cũng là cách để mình bắt đầu dò thị trường”, Duy Vĩ nhớ lại.

Vốn quê gốc Huế, Duy Vĩ rất muốn ăn món bánh bột lọc của bà Nội mình làm trước đây, nhưng anh tìm khắp Sài Gòn chẳng thấy ai làm ngon hơn Nội. “Đây là loại bánh bột lọc rất khác biệt so với nhiều vùng khác, khi nó có nhân là một con tôm đất tươi to (còn sống trước khi chế biến) ở giữa cùng nấm mèo và măng khô băm nhỏ, ăn kèm là nước mắm ruốc đặc trưng của Huế. Hòa quyện trong miệng là độ dai vừa của bột bánh, vị ngọt của tôm đất và sần sật của nấm mèo cùng măng khô, thêm vị mặn mà của mắm ruốc Huế, khiến cho người thưởng thức sẽ rất khó quên”,  Duy Vĩ chia sẻ.

Đưa bánh bột lọc ra thế giới ảnh 1 Nguyễn Duy Vĩ.

Vĩ đã từng học tới năm thứ ba, trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP. HCM), sau đó nghỉ giữa chừng vì không thích ngành nghề này. Và khi đi làm kinh qua nhiều vị trí công việc: Làm nhân viên Marketing cho các nhãn hàng, làm Marketing cho thương hiệu Thế Giới Di Động, làm Giám đốc Marketing công ty du lịch và giờ Vĩ quyết định ưu tiên tạm dừng các công việc khác để tập trung cho dự án khởi nghiệp Bu's food, bởi theo như anh bạn thì đây là kế hoạch anh bạn đã ấp ủ từ lâu và giờ đây muốn tập trung đầu tư cho nó. “Cách đây 2 năm đã có một vài nhà đầu tư khi biết ý định mình muốn phát triển Bu's food đã ngỏ ý muốn đầu tư vốn vào dự án. Cách đây 1 năm khi mà thấy mọi thứ đã đến lúc chín mình quyết định bắt tay vào thực hiện dự án khởi nghiệp một cách nghiêm túc. Mình đã đăng ký thương hiệu công ty và hoàn thành tất các thủ tục về mặt pháp lý kinh doanh... Thương hiệu mình tự xây dựng 6 năm qua tuy chưa chạy khai trương chính thức nhưng cũng đã có doanh nghiệp định giá và ngỏ ý mua với giá 6 tỷ đồng. Và thú thực mình đều tự làm mỗi ngày 1 chút một chứ chưa bỏ tiền ồ ạt để làm Marketing cho thương hiệu”. Vĩ lạc quan chia sẻ về bước khởi đầu của mình.

 Ước mơ vươn ra biển lớn

Để phát triển dự án này Vĩ cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là phải thuyến phục được gia đình chấp nhận khi bản thân Vĩ đang làm công việc có vị trí tại một công ty Du lịch chuyển qua 1 công việc tạm gọi là “con buôn”. “Ba mẹ mình ban đầu rất bảo thủ lắm chỉ cần làm sản phẩm bánh và chả, làm nhiêu đó là gia đình cũng có nguồn thu nhập ổn định không cần phát triển thêm cho mệt. Mình đã thuyết phục được ba mẹ ủng hộ bằng những con số kinh doanh thử nghiệm ngày càng tốt hơn. Hơn nữa đánh vào tâm lý bố mẹ ngày càng có tuổi cũng không muốn nghề làm bánh từng mang lại thu nhập và là nguôn thu chính trong gia đình lại bị thất truyền. Từ việc không mấy ủng hộ mình trước đây thì ba mẹ hiện tại lại là cánh tay trái và cánh tay trái, tay phải đắc lực của mình trong dự án khởi nghiệp này. Trong giai đoạn đầu chạy dự án, ba sẽ lo về việc giám sát kỹ thuật dây truyền máy móc còn mẹ sẽ lo về chất lượng sản phẩm. Bởi vậy mình cũng yên tâm hơn trong việc thực hiện các khâu khác của dự án khởi nghiệp”, Vĩ tâm sự.

Đưa bánh bột lọc ra thế giới ảnh 2 Sản phẩm bánh bột lọc của Vĩ

Sau 6 năm phát triển, Duy Vĩ nhận ra rằng, các món ăn Việt có rất nhiều tiềm năng để phát triển ở thị trường trong nước và cả thị trường quốc tế. Đơn cử như bánh bột lọc do anh bạn cung cấp đã được khách đặt và đem qua 15 nước trên thế giới. Tuy nhiên, con đường đưa sản phẩm ra nước ngoài chủ yếu là qua con đường tiểu ngạch: hàng xách tay. Vĩ cũng từng “xách tay” sản phẩm sang Singapore bán và giá trị tính ra giá trị sản phẩm tăng gấp 3 so với tại Việt Nam. Nhưng Vĩ muốn mơ ước đến một thương hiệu Việt ra thị trường thế giới qua con đường chính thống bằng hệ thống chuỗi phân phối. Chính vì thế, anh bạn đã có quyết định nghiêm túc dài hạn. Duy Vĩ cho biết: “Bu's food sau này sẽ không chỉ bán mỗi bánh bột lọc và chả Huế, mà sẽ bán thêm nhiều món bánh cũng như món ăn truyền thống khác và tất nhiên mọi thứ sẽ được bán online và kết hợp với các đơn vị kinh doanh ẩm thực công nghệ khác như Now, GoViet và Grab…để lan tỏa đến mọi người. Bên cạnh đó mình cũng tự xây dựng thêm kênh thương mại điện tử cho mình khi có chuỗi nhà hàng giới thiệu sản phẩm. Người dùng chỉ cần mở smartphone lên và đặt bánh là sẽ được giao tận tay. Mọi hoạt động kinh doanh sẽ đều ứng dụng công nghệ và làm một cách bài bản và có hệ thống, mình muốn Bu's food trở nên chuyên nghiệp và vươn đến tầm cao trong lĩnh vực này”.

Đưa bánh bột lọc ra thế giới ảnh 3 Với dự án Bu's food, những sản phẩm của Vĩ đang được đầu tư theo hướng chuyên nghiệp

Hiện Vĩ đang bắt tay vào thực hiện giai đoạn đầu của dự án khởi nghiệp: đang đầu tư xong xưởng tại Bình Dương trên đất của gia đình “cho thuê giá rẻ”, làm việc xong với các đối tác về vận chuyển, đối tác phân phối hàng, tìm thêm nguồn cung nguyên liệu ổn định cho sản phẩm. “Hiện Bu's food đã kêu gọi được nguồn vốn đầu tư ban đầu và số tiền này đang được đùng để đầu tư máy móc, thiết bị và tiến hành cải tiến quy trình, triển khai hệ thống nhằm mở rộng, nâng tầm và đẩy mạnh kinh doanh trong thời gian sắp tới của công ty ở cả mảng online lẫn offline. Đồng thời nó khởi đầu cho kế hoạch dài hơi là phát triển chuỗi nhà hàng ẩm thực truyền thống trong nước và đưa các món ăn truyền thống Việt ra thế giới. Tháng 3/2020 mình sẽ chính thức khai chương vận hành quy trình. Khi đó mình có thể nhận các đơn hàng từ nước ngoài mà trước đây khi quy mô nhỏ mình không dám nhận do không đảm bảo được các yêu cầu do phía đối tác đưa ra trước đây”, Vĩ  lạc quan chia sẻ.

“Có một khó khăn rất lớn đối với mình và các dự án khởi nghiệp về ẩm thực hiện nay là việc đăng ký bản quyền về sáng chế đối với công thức món ăn chưa thể thực hiện được. Đó sẽ là một điểm yếu về lợi thế cạnh tranh khi sản phẩm phát triển ra thị trường nước ngoài. Mình cũng rất mong các cơ quan chức năng có thể tháo gỡ vấn đề này”, Vĩ chia sẻ.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.