Theo ông Vương, dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của cả hai bên và rất bình thường nếu như giáo viên không đóng vai song trùng: vừa dạy học sinh ở trường phổ thông, vừa dạy ở trung tâm hay ở nhà.
Khi song trùng, giáo viên có thể mải dạy thêm thay vì dạy ở trường, đối xử không công bằng giữa học sinh học thêm và không học thêm. Theo ThS. Nguyễn Quốc Vương, có ý kiến cho rằng, cần phải công bằng, bác sĩ đương chức còn mở được phòng khám, làm tại phòng khám thì sao giáo viên không được dạy thêm. Khi bác sĩ đóng vai song trùng, y tế nước nhà sẽ lẹt đẹt và bệnh viện sẽ có rất nhiều tiêu cực. Hình ảnh y bác sĩ cũng sẽ méo mó.
Ở Việt Nam, giáo viên, bác sĩ trong biên chế, hợp đồng dài hạn ở các trường công, bệnh viện công còn là viên chức. Khi là viên chức mà lại có thể làm thêm và có thu nhập bên ngoài là điều vô cùng kì quặc vì nó vi phạm tính chất “công” của nghề nghiệp họ phụng sự. Tuy nhiên, ông Vương nói mâu thuẫn ở đây là “làm sao sống được bằng lương”.
Cả nghề y và nghề giáo có lương rất thấp. Tuy nhiên, không thể lấy cái sai, cái phản tiến bộ để biện minh vì cuối cùng chính người muốn biện minh sẽ trở thành nạn nhân trong một “chuỗi thức ăn” không đầu không cuối. Điều cần đấu tranh và phấn đấu cho bác sĩ, giáo viên và các viên chức, công chức có thể sống được bằng lương và làm việc hết bổn phận để phụng sự dân. Nếu giáo viên, bác sĩ còn đóng vai song trùng và cơ quan quản lý duy trì kẽ hở họ có thể bù đắp phần thiếu hụt trong sinh hoạt chi tiêu bằng dạy thêm, khám thêm thì tình trạng nhốn nháo, phập phù sẽ còn tồn tại.
Theo ông Vương, nếu không tách được vấn đề dạy thêm ra khỏi các trường học, thì dù bất cứ với quy định, luật lệ nào thì các trường vẫn biến tướng thành trung tâm luyện thi trá hình. “Nên nhớ những giáo viên dạy thêm được là các giáo viên có vị thế ở trường, có thâm niên và dạy các môn chính hoặc là giáo viên chủ nhiệm tiểu học. Tức là những vị trí có khả năng ép, đẩy phụ huynh vào thế khó”, ông nói.
Trong khi đó, giáo viên ở trường phổ thông là người làm giáo dục, giáo viên ở trung tâm là bồi dưỡng kiến thức-luyện thi, hai yêu cầu khác nhau. Làm giáo dục cần toàn tâm toàn ý và nghĩ đến cái xa là triết lý, mục tiêu giáo dục, còn luyện thi nó thiên về kĩ năng, kiến thức. “Chính vì lẫn lộn hai yêu cầu này mà giáo viên Việt Nam thành thợ dạy không tầm nhìn, không triết lý, làm việc như cái máy kiếm tiền và hiểu lầm ai dạy thêm tốt, nhiều học sinh là giáo viên giỏi”, ThS. Vương nói.