Sau quãng thời gian sống tại Anh, chị Kiều Anh trở về nước với tình yêu và nỗi nhớ Sài Gòn da diết. 8X muốn làm điều gì đó để thể hiện hình ảnh một Sài Gòn đậm nét xưa nhưng vẫn mang trong mình sự mới mẻ. Bắt đầu từ ý tưởng tận dụng những vật liệu cũ để phác thảo lại ký ức tuổi thơ. Đến đầu năm 2020 Kiều Anh và các cộng sự đã cho ra mắt Dòng Dòng.
Dòng qua dòng lại, đỡ hại môi trường
Thời điểm manh nha ý tưởng cho Dòng Dòng, Kiều Anh cho biết chị ấn tượng mạnh với những dự án sáng tạo bảo vệ môi trường trên thế giới như may túi bằng vỏ phao bơi hỏng hay làm vải từ vỏ chai nhựa. Hướng đến việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải nhựa, Kiều Anh cùng nhóm bạn cũng muốn làm những điều tương tự ở Việt Nam.
Từ trái qua: Thảo Trang - Founder, Tú Quân - Quản lý, Marketing và Kiều Anh - Founder Dòng Dòng |
Nguyên liệu đầu tiên mà thương hiệu nghĩ đến là bạt từ các banner, backdrop quảng cáo. Vì chất liệu của những tấm bạt này là nhựa hiflex với thành phần chính là PVC, cần 500 đến 1000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn.
“Có một hạn chế là sản phẩm làm từ chất liệu bạt này lại có độ bền không cao do tính chất mỏng và hạn sử dụng ngắn ngày. Do đó, nhóm đã phải tính toán lại và chất liệu cuối cùng được lựa chọn để tạo nên các sản phẩm của Dòng Dòng là bạt mái hiên và bạt ô tô,…”, chị Kiều Anh chia sẻ.
Tưởng chừng việc tìm bạt cũ sẽ dễ dàng nhưng lại rất khó khăn. Giá bán những tấm bạt cũ này ở một số nơi cao ngang ngửa giá bạt mới trong khi bạt cũ phải được xử lý thủ công mới có thể tái sử dụng. Chỉ từ những người trẻ tay ngang, nhóm đã phải tự đo đạc, cắt may, dùng thử và sửa lỗi. Sau hơn một trăm mẫu túi thất bại và gần nửa năm loay hoay thì những chiếc túi đầu tiên của Dòng Dòng cũng sẵn sàng lên kệ.
Những tấm bạt hiên 'biến hóa' những chiếc túi hợp thời |
Việc thu gom được lên kế hoạch và tổ chức định kỳ. Những tấm bạt sau khi được thu mua về sẽ được phân loại để chọn ra những miếng còn chắc chắn để may sản phẩm. Những miếng mỏng hay cũ hơn sẽ được tận dụng để may thành những chiếc túi giao hàng.
Chị Kiều Anh cho biết, Dòng Dòng có những cách xử lý khác nhau tùy thuộc vào độ bẩn hay tình trạng bạt. Những tấm bạt bẩn ít chỉ cần đánh rửa bằng nước là sạch còn những tấm bẩn hơn sẽ phải xử lý chuyên sâu. Nhưng tất cả đều tuân thủ tiêu chí chung là chỉ sử dụng những chất không gây hại cho người vệ sinh và môi trường.
Thay vì sử dụng các loại hóa chất có chứa Amoniac, Sulphates như xà phòng, javen thì Dòng Dòng đã dùng các chất tẩy rửa lên men từ thực vật hay baking soda, cồn,… để làm sạch các vết bẩn trên bạt.
“Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu các công nghệ tái chế nhựa hiện có để tận dụng triệt để các tấm bạt, kể cả những tấm đã quá sờn, rách nhằm thực hiện sứ mệnh làm sống lại những tấm bạt cũ. Một trong những cách khả thi mà nhóm mình chuẩn bị áp dụng là ép chúng thành ván nhựa để có thể cắt thành các phụ kiện dùng khi may sản phẩm như tăng - đơ, đầu khóa kéo…”, 8X cho biết thêm.
Kiều Anh nhớ mãi những ánh mắt tò mò khi chị cùng các cộng sự đi móc bạt hiên cũ |
Nhóm của Kiều Anh luôn đề cao sự bền vững trong thiết kế. Chính vì vậy, mỗi sản phẩm đều được trau chuốt từ giai đoạn sản xuất đến khâu giao nhận. Tất cả đều được thực hiện những quy trình làm giảm tối đa dấu chân carbon. Điển hình là việc nói không với túi nilon và hộp giấy dùng một lần trong quá trình giao nhận đối với mỗi sản phẩm.
Dòng Dòng rồi sẽ nương theo thời cuộc mà lớn lên
Do sử dụng những chất liệu đặc biệt nên Dòng Dòng gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận khách hàng. Chị Kiều Anh cho biết, khái niệm thời trang bền vững vẫn còn xa lạ nên khách hàng thường đắn đo về chất lượng bởi họ mặc định tái chế là phải cũ, phải rách. Cũng có những người cho rằng các sản phẩm của thương hiệu có giá thành cao so với một sản phẩm tái chế.
Founder 8X chia sẻ thêm: “Dòng Dòng gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng nhưng tôi nghĩ bất kỳ thương hiệu nào cũng cần thời gian để được yêu thích. Chỉ cần tập trung vào chất lượng sản phẩm, buôn bán chân thật thì bước đầu chậm nhưng đi được đường xa”.
Founder 8X cùng cộng sự luôn đề cao sự bền vững trong thiết kế |
Ở vị trí là nhà sáng lập, chị Kiều Anh và cộng sự không đặt các sản phẩm của mình ở vị trí cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập như Trung Quốc hay các sản phẩm sản xuất hàng loạt với giá thành rẻ.
“Thay vào đó, Dòng Dòng đề cao việc giúp người tiêu dùng thấy được giá trị sản phẩm nằm ở công năng, độ bền, sự thú vị cũng như duy nhất. Đây là sự đầu tư hợp lý cho một chiếc túi ăn chắc mặc bền, một chiếc túi mang trong mình màu sắc bản địa mà không đâu trên thế giới có được”.
Trên mỗi sản phẩm bán ra Dòng Dòng đều dán một chiếc sticker nhỏ ghi nguồn gốc tấm bạt được thu về từ đâu. Hiện tại tiệm đang dần mở rộng địa điểm thu gom bạt cũ ra nhiều tỉnh thành. Nên sắp tới ngoài những chiếc túi “Dòng Dòng Sài Gòn” biết đâu sẽ có thêm những chiếc túi “Vòng Vòng Hà Nội” hay “Zàng Zàng Hậu En”.
Dòng Dòng là thương hiệu ba lô, túi xách mang trong mình những câu chuyện của Sài Gòn. Vừa ‘cõng’ mưa, ‘đội’ nắng Sài Gòn, vừa sở hữu nét độc đáo của những hàng quán vỉa hè lại chứa đựng và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.
Hiện chị Kiều Anh đang kết nối với những cửa hàng cần sản phẩm túi đi chợ nhiều lần. Ngoài ra, sắp tới chị cùng các cộng sự sẽ cho ra mắt thêm những sản phẩm mới như ví, túi đựng mỹ phẩm để có thể ‘cứu’ và mang lại nhiều cuộc đời mới cho những tấm bạt cũ còn đang ngổn ngang ‘cõng mưa, đội gió’ ngoài kia.