Thầy Nguyễn Thạc Dĩnh - Giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Ngoại giao. |
Ngay từ những ngày đầu khi vừa trở thành cán bộ và được nhận công tác tại Bộ Ngoại giao (năm 1971), thầy Nguyễn Thạc Dĩnh đã bắt đầu bén duyên với nghề “trồng người”. Thời điểm ấy, cuộc sống của cán bộ, nhân viên nhà nước nói chung đều còn nhiều khó khăn, vì vậy mà ngoài giờ làm việc, thầy Dĩnh thường tham gia dạy thêm tiếng Anh tại các trung tâm ngoại ngữ.
Điều bất ngờ là cho đến năm 2018, sau nhiều năm làm công tác ngoại giao, thầy Dĩnh lại một lần nữa được tiếp lửa nghề giáo với vai trò mới là giảng viên thỉnh giảng của Học viện Ngoại giao.
Nói về sự khác biệt của việc trở lại bục giảng sau khi đã nghỉ hưu, thầy chia sẻ: “Lần này không còn giống với trước đó vì tôi đã trải qua 20 năm công tác tại một số các cơ quan đại diện của ta tại nước ngoài và 18 năm công tác trong nước, với những kinh nghiệm phong phú về công tác ngoại giao: vui có, buồn có và thậm chí cận kề cái chết. Tiêu biểu có thể kể đến là vụ bọn Việt kiều phản động âm mưu phá trụ sở Đại sứ quán ta tại Manila - Philippines (tháng 8/2001). May nhờ sự nỗ lực và phản ứng nhanh của lực lượng an ninh Philippines và Việt Nam, bọn phản động Việt kiều đã bị bắt trước khi chúng hành động.”
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh được mời dự Quốc yến do Chủ tịch nước ta chiêu đãi Tổng thống Philippines thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. |
Ngoài sự khác biệt về cảm nhận và trải nghiệm cá nhân của bản thân, thầy Dĩnh cho rằng môi trường học tập hiện đại cũng đã có nhiều thay đổi: “Phải nói rằng việc dạy và học trong thời đại số ngày nay có rất nhiều thuận lợi. Chỉ cần một cú click chuột vào Google hay Chat GPT là ta đã có thể tra cứu, tham khảo các tài liệu. Đặc biệt, những công cụ này có khả năng triển khai sử dụng bằng nhiều ngôn ngữ, cho phép hỗ trợ người dùng trên toàn thế giới.”
Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều thách thức đối với một giảng viên đại học. Dưới góc độ của mình, thầy Dĩnh cho rằng bản thân và những giảng viên khác trong thời đại số cần hội tụ những phẩm chất cơ bản sau:
Thứ nhất là cần có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Thứ hai là có khả năng thích nghi và nhạy bén với công nghệ: người học có thể chủ động nghiên cứu tài liệu cũng như tương tác với giảng viên ở mọi thời điểm bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hơn nữa, mọi người đều có xu hướng bị thu hút với những hình ảnh và video sống động. Giờ đây, giảng viên có thể tiếp cận công nghệ để xây dựng video, bản trình chiếu,... để nâng cao chất lượng bài giảng. Do đó, đội ngũ giảng viên phải giỏi về ngoại ngữ và công nghệ thông tin, làm chủ công nghệ và tạo ra sự tự do, sáng tạo trong công tác đào tạo.
Thứ ba, giảng viên là người kết nối. Học sinh trong thế giới 4.0 đã đủ năng lực và phương tiện để tiếp nhận thông tin. Trong bối cảnh đó, giảng viên không phải là người duy nhất có được kiến thức và thông tin giá trị. Thay vào đó, họ là người giúp học trò có khả năng hiểu ý nghĩa của thông tin. Lấy ví dụ từ bản thân mình khi dạy môn Biên dịch tiếng Anh, thầy Dĩnh luôn nhắc đi nhắc lại là sinh viên phải tự làm, không dịch qua Google. Vì bài dịch qua Google không phải là chuẩn và khi đi thi cũng không thể sử dụng điện thoại di động hay laptop.
Dù đứng trên bục giảng của các lớp sinh viên hay các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đối ngoại nhân dân (do Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại thuộc Học viện ngoại giao tổ chức), thầy Dĩnh đều truyền lại cho người học những trải nghiệm thực tế của công tác ngoại giao, gắn liền lý thuyết và thực hành.
Đối với môn tiếng Anh của Học viện, thầy luôn chú trọng nêu ra những cách dùng từ chính xác khi biên, phiên dịch các văn kiện cũng như đọc hiểu các bài nghiên cứu, bài báo quốc tế. Chính những kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn trong suốt hơn 30 năm làm việc trong ngành ngoại giao là “bí kíp” để thầy Dĩnh chiếm trọn sự yêu mến và ngưỡng mộ của sinh viên Học viện.
Bên cạnh đó, nhiều bạn còn ấn tượng với giờ lên lớp của thầy bởi sự thân thiện, hài hước khiến cho mỗi bài giảng đều vui vẻ, sống động và không bị căng thẳng bởi những kiến thức chuyên ngành. Thầy Dĩnh cho biết phương châm giáo dục của mình là luôn tạo cho sinh viên tính chủ động, sáng tạo, còn bản thân đóng vai trò là người hướng dẫn phương pháp học cho sinh viên.
Thầy Dĩnh trả lời phỏng vấn trong buổi lễ ra mắt cuốn sách Chuyện "đi sứ" thời hội nhập. |
Trải qua một quãng thời gian theo sát và gắn bó với các thế hệ sinh viên, thầy Dĩnh bày tỏ những trăn trở: “Phải nói rằng sinh viên Việt Nam hiện nay cơ bản là tốt: có ý thức chính trị, chăm học, luôn phấn đấu vươn lên và đạt kết quả học tập cao. Tuy nhiên, trước tác động của quá trình toàn cầu hóa, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước cũng như môi trường chính trị - xã hội của các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay, chất lượng giáo dục ý thức chính trị của một bộ phận sinh viên còn chưa được nâng cao, chưa phân biệt được cái đúng, cái sai và nhất là dành nhiều thời gian vào các mạng xã hội. Tôi có hỏi một vài sinh viên của mình về thời gian sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Youtube, TikTok,... và rất bất ngờ khi có bạn xem đến 4 tiếng một ngày. Vậy thì còn thời gian đâu mà học nữa!”
Thầy Dĩnh cùng các bạn sinh viên Học viện Ngoại giao. |
Đối với các sinh viên Ngoại giao, thầy Dĩnh nhắn nhủ: “Ngoài việc học hành nghiêm túc thì phải phấn đấu xây dựng hình ảnh sinh viên Ngoại giao trong lòng công chúng. Ngay từ năm thứ nhất, các em phải rèn luyện bản thân theo 3 phương châm: (1) Phải nâng cao ý thức chính trị; (2) Phải am hiểu tình hình chính trị trong nước và quốc tế, giỏi nghiệp vụ và ngoại ngữ; và (3) Phải tự tin và có tư cách, tác phong chuẩn mực. Mục tiêu cuối cùng là các em sinh viên Ngoại giao phấn đấu trở thành nhà ngoại giao toàn diện và hiện đại hoặc trở nên xuất sắc trong các công việc tương lai của mình.”
Đại sứ Nguyễn Thạc Dĩnh (sinh năm 1950) tốt nghiệp khoa Tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ năm 1971; học tiếng Anh nâng cao tại khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Nehru, Ấn Độ (1972-1973); tốt nghiệp lớp Kiến thức ngoại giao tại Viện Quan hệ Quốc tế (khóa V năm 1984); tốt nghiệp Cao cấp Lý luận chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Năm 1971, thầy Nguyễn Thạc Dĩnh bắt đầu công tác tại Bộ Ngoại giao, đến tháng 10/2010 thì nghỉ hưu. Trong thời gian công tác tại đây, thầy đã làm việc tại các Vụ Phụ trách Đông Nam Á, Nam Á và Nam Thái Bình Dương; đã đi công tác ba nhiệm kỳ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.
Năm 1995-1996: Được cử làm Tham tán Công sứ, Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei với nhiệm vụ chính là lập Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei và chuẩn bị cho lễ Việt Nam gia nhập Asean tại Brunei.
Được Chủ tịch nước cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Philippines (1997-2002) và Brazil (2006-2010).
Tháng 6/2008: Được phong hàm Vụ trưởng.
Tháng 8/2010: Được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Tháng 7/2011: Được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ.
Sau khi nghỉ hưu, thầy Dĩnh hoạt động trong lĩnh vực tư vấn về thương mại và đầu tư. Từ năm 2018 cho đến nay, thầy trở thành giảng viên thỉnh giảng Học viện Ngoại giao. Hiện, thầy Dĩnh đảm nhiệm các chức vụ: Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Philippines; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Brazil; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Malaysia.
(Ảnh do nhân vật cung cấp)