Tình trạng "nhảy việc" của gen Z
“Nhảy việc” là cụm từ phản ánh tình trạng người lao động thay đổi nơi làm việc khoảng dưới 1 – 2 năm sau khi được tuyển dụng. Khác với các thế hệ 8X, 9X đời đầu thích sự ổn định, luôn đắn đo trước quyết định nghỉ việc thì với gen Z, “nhảy việc là để thử sức".
Thực tế cho thấy, nhiều sinh viên chỉ mới ra trường 1-2 năm nhưng đã từng làm việc tại 3-4 công ty khác nhau. Vậy nguyên nhân gen Z liên tục thay đổi môi trường làm việc là do đâu?
Khi được hỏi về vấn đề này, bạn Nguyễn Thị Hà, sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Dù chưa ra trường, nhưng mình cũng đã từng làm thêm ở 3 công ty. Mặc dù đều làm chung một lĩnh vực, nhưng mỗi nơi lại cho mình những bài học kinh nghiệm khác nhau, giúp mình nhận ra nhiều điều mới mẻ. Vì thế trong thời gian này, với mỗi nơi mình chỉ muốn làm việc ngắn hạn, tới khi cảm thấy không còn học hỏi được nữa mình sẽ nghỉ và kiếm một nơi làm việc mới”.
Hà cho biết thêm, tuổi trẻ thì không nên ngại thử sức. Cần thay đổi một số môi trường làm việc khác nhau để có trải nghiệm và biết được bản thân phù hợp nhất với môi trường nào.
Nhiều bạn trẻ gen Z thay đổi 3-4 chỗ làm chỉ trong vòng 1 năm (Ảnh minh họa). |
Đồng tình với Nguyễn Thị Hà, bạn Bùi Hương Trà cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, khi còn trẻ chưa vướng bận quá nhiều thứ thì nên trải nghiệm thật nhiều. “Làm việc tại một công ty việc nặng, lương thấp chưa chắc đã là không tốt. Bởi sau mỗi lần như thế mình sẽ có cơ hội định vị lại giá trị bản thân, biết mình đang ở đâu và cần làm gì. Việc chưa hài lòng với mức lương, đãi ngộ hay khối lượng công việc trong thời điểm mới ra trường là điều hết sức bình thường. Mỗi lần như thế, mình lại cho phép bản thân tìm kiếm một môi trường mới tốt hơn”.
Tuy nhiên, Trà cũng cho rằng không nên quá lạm dụng việc “nhảy việc”. Gen Z chỉ nên thay đổi công việc tới một thời điểm nhất định, khi những mối lo mới xuất hiện như gia đình, con cái thì cần phải ổn định hơn.
Doanh nghiệp nên làm gì để giữ chân gen Z?
Thế hệ gen Z có sự tự tin và tư duy độc lập, tuy nhiên cũng mang đầy "cái tôi" trong công việc. Vì thế, làm sao để giữ chân và phát huy điểm mạnh của thế hệ lao động trẻ này hiện đang là bài toán được đặt ra với các doanh nghiệp.
Chia sẻ với phóng viên, anh Trần Văn Long - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TMD Việt Nam cho biết, thời đại ngày nay giúp gen Z có nhiều cơ hội hơn các thế hệ trước trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, gen Z còn được trưởng thành và tiếp xúc với nền giáo dục tiên tiến hơn so với thế hệ trước, mạnh về kỹ năng ngoại ngữ và tin học. Vì thế, các bạn trẻ luôn tự tin vào bản thân và kỳ vọng rất nhiều vào một môi trường làm việc xứng đáng với năng lực của mình. Ngoài ra, các bạn gen Z còn không phải chịu áp lực về tài chính cũng như gia đình nên tình trạng thay đổi công việc liên tục là điều dễ hiểu.
“Nhiều bạn trẻ mới chỉ đi làm chưa đến 1 năm nhưng vẫn sẵn sàng xin nghỉ để tìm đến một môi trường mới. Các bạn ấy thường cảm thấy nhàm chán, không có nhiều điều kiện để học hỏi và phát triển. Tuy nhiên các doanh nghiệp lại chưa đáp ứng đủ các yêu cầu từ môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến… Điều này khiến cho các bạn gen Z bị vỡ mộng và có xu hướng nghỉ việc cao”, anh Long chia sẻ.
Anh Long cho rằng, các chủ doanh nghiệp muốn giữ chân gen Z thì không nên quá khắt khe, cần đầu tư hơn vào việc phát triển con người, tạo môi trường làm việc linh động hơn, xây dựng văn hóa đa dạng và hội nhập, giao tiếp cởi mở, đảm bảo về chính sách phúc lợi và đào tạo, cho gen Z nhiều trải nghiệm mới mẻ. Nếu được như vậy, xu hướng “nhảy việc” của gen Z dần dần sẽ được đổi thành “không cần nhảy việc”.