"Giấc mơ trưa" của Seen house

"Giấc mơ trưa" của Seen house
SVVN - “SEEN House” là căn nhà sạch sẽ và ngăn nắp theo tiêu chí công trình xanh cho giấc ngủ trưa êm đềm của học sinh. Đó không là ý tưởng trong mơ mà là công trình thực tế sắp sửa khởi công, do nhóm ba sinh viên trường ĐH Cần Thơ và trường ĐH Kiến trúc TP. HCM khởi xướng.

Chính nhóm bạn trẻ này từng trải nghiệm những buổi trưa mệt mỏi, giấc ngủ vạ vật, tạm bợ, ăn uống qua loa trước khi bước vào buổi học chiều vì nhà quá xa trường.

Công trình cho trường cũ

“SEEN House” sẽ được xây dựng tại trường THPT Thống Linh (xã Phương Trà, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), vốn là ngôi trường cũ của cô sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM Phạm Thị Thùy Linh. Ngày còn học THPT, vì nhà ở xa, Thùy Linh thường không về nhà sau buổi học sáng mà ở lại để chuẩn bị cho buổi học chiều. Cũng như rất nhiều bạn bè có hoàn cảnh khó khăn khác, Linh phải tự túc ăn uống và tìm chỗ ôn bài hoặc ngủ trưa vạ vật trên các dãy bàn học xếp lại thành giường, ghế đá hoặc bất cứ chỗ nào có bóng mát. Một số bạn thì tụ tập ở các hàng quán xung quanh trường. Trường khó khăn, không kiếm đâu ra một chỗ đàng hoàng cho học sinh nghỉ trưa. Sinh hoạt bất tiện như vậy ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng buổi học chiều, vì ai cũng mệt mỏi.

Những ký ức đó khiến Thùy Linh nhớ mãi và nảy sinh ý tưởng độc đáo: Làm nhà nghỉ trưa cho học sinh. Ý tưởng của Linh chính là đầu mối cho sự gặp gỡ với hai người bạn khác tại trường ĐH Cần Thơ: Cao Thanh Hùng và Huỳnh Ngọc Trúc Phương. Cả ba kết hợp với nhau để hình thành dự án “SEEN House – Giấc mơ trưa”. Dự án tạo ra một không gian xanh để học sinh có thể ở lại trường nghỉ trưa và linh hoạt thành không gian sinh hoạt chung, sinh hoạt đội nhóm.

“Tụi mình trở về trường Thống Linh, gặp gỡ các thầy cô để trình bày ý tưởng và khảo sát hiện trạng. Qua bao nhiêu năm, tình trạng nghỉ trưa tạm bợ của các học sinh tại đây vẫn không thay đổi, khiến lãnh đạo nhà trường rất khổ tâm. Trường THPT có 900 học sinh nhưng có đến gần phân nửa thuộc diện khó khăn và có khoảng gần 300 học sinh không về nhà sau buổi học sáng mà ở lại qua trưa để chuẩn bị học chiều”, Cao Thanh Hùng (trưởng nhóm) cho biết. Khi các bạn trình bày ý định và đề xuất xây dựng nhà nghỉ trưa, nhà trường đã ủng hộ tuyệt đối. Lúc còn học tại đây, Thùy Linh từng là học sinh Giỏi cấp tỉnh môn Sử . Nhiều thầy cô vẫn còn nhớ và cảm động khi biết cô học trò cũ về trường làm công trình ý nghĩa cho các đàn em.

Giấc mơ trưa của Seen house

Nhóm sáng tạo bên mô hình “SEEN House”.

Các thành viên trong nhóm “bật mí”, năm 2017, nhóm đã từng dự thi “Insee Prize” và giành giải Ba, với dự án “Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi”. Ở cuộc thi năm nay, ban đầu, nhóm dự định thực hiện công trình mang tên “Nhà nổi cho tương lai” nhưng nhận thấy tính khả thi và kinh phí không cho phép nên quyết định chọn dự án “SEEN House”, vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa mang tính trải nghiệm thực tế, đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn.

Cho giấc trưa êm đềm

 “Nhóm mình làm dự án này rất thuận lợi, không gặp trở ngại lớn nào, vì được sự ủng hộ tuyệt đối của nhà trường và các phụ huynh. Từ cuối tháng 12/2017, nhóm bắt đầu bắt tay vào thiết kế, vừa học, vừa đến địa điểm thực tế để ghi nhận và sửa chữa, nếu có ý kiến đóng góp”, Thanh Hùng cho biết. Ban đầu, “SEEN House” được thiết kế với giải pháp sử dụng mái lá, vừa tiết kiệm chi phí, vừa mát, lại không gây ồn khi mưa. Vách tường ngăn sử dụng nguồn gỗ sẵn có. Tuy nhiên, những góp ý cho thấy, ý tưởng không thỏa mãn được yêu cầu của nhà trường và học sinh. Mái lá rất mau hư, phát sinh chi phí khi cần bảo trì. Nhà trường lại mong muốn có một công trình có tính ổn định cao, vững chắc, an toàn theo thời gian cho học sinh nên nhóm quyết định làm tường gạch, mái ngói. Những thay đổi này làm đội chi phí ban đầu lên khoảng 30 triệu đồng. Nhóm vẫn quyết định làm và tiết kiệm bằng cách sử dụng nguồn cát của trường để làm nền, khoản đóng góp thêm của nhà trường dùng mua gạch không nung để xây tường.

“SEEN House” được thiết kế với 2 gian riêng biệt cho nam và nữ để thầy cô tiện quản lý. Nhóm lựa chọn phương án thiết kế linh hoạt để khi cần có thể tận dụng thành không gian chung, phục vụ các hoạt động tập thể, CLB Anh văn, nơi quản lý học sinh trong trường hợp nghỉ tiết. Với tiêu chí “xanh và thân thiện với môi trường”, “SEEN House” sử dụng nguồn nguyên vật liệu tại địa phương, thiết kế tránh các phát thải độc hại, giữ nguyên hiện trạng khu đất xây dựng và trồng thêm các loại cây xanh phù hợp. Khu phía ngoài các phòng nghỉ được thiết kế các lam tre, có bàn ghế học tập, tránh được ánh nắng. Laphông được đan từ lục bình, có tác dụng chống nóng, cửa ra vào làm bằng gỗ tràm bông vàng có sẵn tại địa phương.

“SEEN House” có thể đáp ứng chỗ nghỉ trưa cho 100 học sinh. Nhà trường sẽ căn cứ vào hoàn cảnh từng em để chọn lọc. Mỗi ngày, sẽ có 100 suất cơm từ bếp ăn từ thiện của địa phương chuyển đến đây. Không chỉ tiết kiệm nguyên vật liệu, nhóm còn thiết kể để công trình tận dụng được các khoảng đất trống cho học sinh trồng các loại cây rau màu, vừa cung cấp các yếu phẩm gia vị cho bếp ăn từ thiện, vừa nâng cao tính gắn kết. Cả công trình chỉ sử dụng 3 bóng đèn LED, trổ nhiều cửa thông gió để lấy sáng từ bên ngoài, tiết kiệm năng lượng.

Đại diện nhóm cho rằng, “SEEN House” không chỉ là kết quả từ kiến thức và mong muốn đóng góp cho cộng đồng mà còn từ những đóng góp ý kiến, chung tay của chính các đối tượng thụ hưởng. Đó chính là vẻ đẹp của nghiên cứu khoa học trẻ: “Dự kiến, trong 2 tháng nữa, công trình sẽ chính thức khởi công, tụi mình đã xin được các giấy phép xây dựng và nhận được nhiều sự giúp đỡ của chính quyền và cả Công ty Xây dựng Phú Thịnh giúp giám sát thi công. Tụi mình cũng kêu gọi được cam kết đầu tư 10 triệu đồng từ quỹ khuyến học của nhà trường”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dự án Trung Thu Cùng Bé Vùng Cao của cô bạn 'Bống Chè Bưởi'

Dự án Trung Thu Cùng Bé Vùng Cao của cô bạn 'Bống Chè Bưởi'

SVVN - “Bống Chè Bưởi” là biệt danh của cô bạn Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, đang là học sinh lớp 11 tại Hà Nội. Năm 10 tuổi, Bảo Ngọc được nhiều khán giả yêu mến qua chương trình “Mặt trời bé con” với hình ảnh cô bé đến từ Tuyên Quang biết kinh doanh món chè bưởi như người lớn. Đến nay, Bảo Ngọc đã nấu chè và bán chè được gần 9 năm, dự án “Chè bưởi Bống nấu” của cô bạn còn gọi vốn thành công ở chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2018.
Kỳ công phục dựng lồng đèn truyền thống trăm tuổi

Kỳ công phục dựng lồng đèn truyền thống trăm tuổi

SVVN - Trong khi nhiều người trẻ chọn con đường đi tìm cái mới, cái hiện đại để nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thì vẫn có những người trẻ chọn hướng quay về với những giá trị xưa cũ của dân tộc: Chị Nguyễn Thị Kim Thủy và anh Nguyễn Hoàng Sơn (cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM), đồng sáng lập cửa hàng quà tặng văn hóa Khởi Đăng Tác Khí (KĐTK).
Chàng trai Hải Phòng kiên trì làm nội dung giáo dục trên TikTok: Không có đường tắt trong dạy và học

Chàng trai Hải Phòng kiên trì làm nội dung giáo dục trên TikTok: Không có đường tắt trong dạy và học

SVVN - Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, Đặng Quốc Dũng (sinh năm 2000) hiện đang học Thạc sĩ ngành Giảng dạy Ngôn ngữ Anh tại trường Southern New Hampshire. Chàng trai gốc Hải Phòng còn được cộng đồng giáo viên, học sinh biết đến qua kênh TikTok “Dũng Đi Dạy” với những nội dung mang tính giáo dục cao liên quan đến việc dạy và học tiếng Anh.
Hành trình biến ‘giấc mơ nghệ thuật’ trở thành hiện thực của chàng trai từng nặng 100kg

Hành trình biến ‘giấc mơ nghệ thuật’ trở thành hiện thực của chàng trai từng nặng 100kg

SVVN - Từng là nạn nhân của body shaming, bị bạn bè “chê bai, dè bỉu”, chàng trai Nolan với thân hình quá khổ, mang trong mình ước mơ nghệ thuật đã quyết tâm thay đổi, “lột xác” để theo đuổi ước mơ. Bên cạnh đó là những khó khăn vô cùng khác, nhưng cũng không thể “dập tắt” niềm đam mê nghệ thuật của bản thân Nolan.