- Xin bà cho biết, mức đóng BHYT với học sinh năm nay ra sao? Nếu bố mẹ đã tham gia BHYT, các con khi tham gia có được giảm trừ mức đóng không?
Bà Phan Thị Mai: Luật BHYT và các hướng dẫn thi hành quy định, mức đóng BHYT với học sinh, sinh viên hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, học sinh, sinh viên đóng 70%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%.
Mức lương cơ sở hiện hành là 1,49 triệu đồng/tháng, tương ứng mức đóng BHYT học sinh, sinh viên cho 12 tháng là 804.600 đồng, trong đó học sinh, sinh viên đóng 563.220 đồng (70% tổng mức đóng), ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% còn lại tương ứng 241.380 đồng. Việc đóng BHYT có thể thực hiện mỗi lần cho 3, 6, 9 hoặc 12 tháng.
Do học sinh, sinh viên khi tham gia BHYT đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, không phải nhóm tham gia BHYT hộ gia đình nên không áp dụng mức giảm trừ theo số người tham gia như BHYT hộ gia đình.
- Trường hợp học sinh, sinh viên không muốn tham gia BHYT có bị kỷ luật không?
Bà Phan Thị Mai: Luật BHYT quy định, học sinh, sinh viên thuộc nhóm bắt buộc tham gia BHYT. Hiện chưa có quy định, chế tài đối với trường hợp học sinh, sinh viên không tham gia BHYT. Chính sách BHYT là một trong hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội và phát triển kinh tế - xã hội, nên cần được người dân ủng hộ tham gia.
Chính sách BHYT không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện. Với những học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng 70% kinh phí mua thẻ BHYT.
- Việc tham gia BHYT với học sinh, sinh viên được tiến hành vào đầu năm học, và thường bị gián đoạn 1-2 tháng đầu, khi phụ huynh đóng tiền vẫn chưa được cấp thẻ BHYT ngay. Vậy thời gian này quyền lợi BHYT của học sinh, sinh viên có bị ảnh hưởng?
Bà Phan Thị Mai: Theo quy định hiện hành, học sinh, sinh viên được cấp thẻ BHYT theo năm tài chính, trường hợp cấp thẻ theo khóa học hoặc học sinh lớp 12 được cấp thẻ đến 30/9 hàng năm, từ ngày 1/10 cấp thẻ theo diện sinh viên. Trường hợp học sinh, sinh viên có phát sinh khám chữa bệnh trong giai đoạn chưa được cấp thẻ BHYT thì phụ huynh liên hệ nhà trường nơi nộp tiền, nhà trường lập danh sách tham gia và gửi cơ quan BHXH để được cấp thẻ sớm nhất có thể. Khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến được BHYT chi trả 80% chi phí theo quy định.
BHYT là chính sách bắt buộc với học sinh, sinh viên, khi đi khám chữa bệnh sẽ được quỹ BHYT chi trả 80% chi phí theo quy định. |
- Trường hợp gia đình đã tham gia BHYT cho con theo diện hộ gia đình, nay đi học bắt buộc phải tham gia tại trường, vậy xử lý ra sao?
Bà Phan Thị Mai: Trường hợp học sinh, sinh viên đã được bố mẹ mua BHYT hộ gia đình, phụ huynh liên hệ với các tổ chức dịch vụ hoặc cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để được hoàn trả lại tiền đã đóng trùng với thời gian tham gia ở trường.
- Khi thu BHYT, nhà trường được giữ lại bao nhiêu cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học?
Bà Phan Thị Mai:Cơ quan BHXH sẽ chuyển kinh phí từ quỹ BHYT chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng 5% số thu BHYT trên tổng số học sinh, sinh viên đang học tại trường. Đây là nguồn kinh phí nhà trường sử dụng để chi chăm sóc sức khỏe cho các em học sinh, sinh viên của trường. Các nội dung chi theo quy định Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
- Xin cảm ơn bà!