Ở trường ĐH Hoa Sen, Trịnh Đình Lê Minh là cái tên không xa lạ với sinh viên trong trường. Ngoài công việc của một đạo diễn chuyên nghiệp, thầy Minh còn là Giám đốc chương trình Quản trị Công nghệ truyền thông, khoa Thiết kế và Nghệ thuật.
“Hãy là chính mình, tạo sự khác biệt”
Con đường đến với phim ảnh của thầy Minh khá lạ: “Kiểu như thích thì làm thôi. Hồi đó, tôi học chuyên ban A nhưng lại rất thích điện ảnh. Thời điểm đó, nhiều học sinh khác đã chọn ngành ở đại học theo ý thích của ba mẹ hơn là của bản thân. Tôi lại khác, chọn học Điện ảnh”.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bắt đầu công tác tại trường ĐH Hoa Sen từ năm 2015. |
Gia đình không cấm cản nhưng vị đạo diễn sinh năm 1986 này nhớ mãi đã bị cảnh báo là theo phim ảnh rất khó, phải khổ luyện và phải thực tế, thay vì mơ mộng. Ngày đó, thầy Lê Minh thi cùng lúc ba ngành đại học: Kinh tế, Báo chí và Điện ảnh. Đậu cả ba và chọn theo ngành yêu thích.
Thời sinh viên, trong khi bạn bè ưa thích phim điện ảnh thì Lê Minh lại thích tài liệu và phim ngắn. Nổi bật nhất là tác phẩm tốt nghiệp khóa học làm phim Varan 2009 – phim “Chung cư của tôi và Ngọn gió về đâu”.
Sau khi tốt nghiệp, Trịnh Đình Lê Minh giành học bổng Fulbright và học chương trình Thạc sĩ Mỹ thuật, chuyên ngành Sản xuất phim tại ĐH Austin (Texas). Nhớ về thời điểm này, thầy Lê Minh cho rằng: “để có thể đạt kết quả tốt trong những lần ứng tuyển là tìm hiểu kỹ thông tin, đánh giá đúng ưu nhược điểm, phù hợp và bất lợi với với yêu cầu của học bổng. Nhưng quan trọng là luôn là chính mình, tạo sự khác biệt”.
Học ở Mỹ là một trải nghiệm đặc biệt: “Học ở Mỹ là học thầy và học bạn. Trường mình học khuyến khích sự học hỏi giữa các phong cách phim khác nhau để hoàn thiện. Môi trường học ở đây đòi hỏi sự năng động và tự học từ đọc sách, tìm hiểu thêm thông tin ngoài bài giảng ở lớp. Sinh viên hoàn toàn có thể có quan điểm khác giảng viên và vẫn được tôn trọng. Giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tạo ra môi trường và dạy cách học”.
ThS Lê Minh khi học làm phim tại Mỹ. |
Thời gian đầu ở Mỹ khá nhiều khó khăn, nhất là việc giao tiếp và học bằng tiếng Anh bởi phát âm không tốt, nhất là lúc sinh viên thảo luận, mất nhiều thời gian để điều chỉnh. Lời khuyên của thầy Minh cho những sinh viên muốn đi du học là: “Đặt mục đích lên hàng đầu. Vì sao chọn học tại đây? Vì sao học ngành này? Nó sẽ ảnh hưởng và giúp mình ra sao trong sự nghiệp? Chúng ta sẽ khác biệt ra sao sau khi học? Hiểu rõ bản thân”.
Giảng đường là nơi duy nhất sai lầm không bị trả giá đắt
Thầy Trịnh Đình Lê Minh bắt đầu công tác tại trường ĐH Hoa Sen từ năm 2015, đảm nhiệm vị trí Giám đốc chương trình Quản trị Truyền thông. Thầy Lê Minh chia sẻ: "Với ngành này, cái riêng và tính cách cá nhân rất quan trọng. Chúng tôi luôn cố gắng mở ra cho sinh viên có cơ hội được sáng tạo, rèn luyện, được mắc sai lầm để các bạn có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình."
ThS Trịnh Đình Lê Minh (thứ 3 từ trái sang) và đoàn phim tham gia LHP Busan năm 2019. |
Là người có quan điểm ủng hộ sự khác biệt, ở trường, Lê Minh ủng hộ sinh viên làm những việc mới lạ và theo đuổi đến tận cùng. Theo thầy, môi trường học thuật là nơi sinh viên có cơ hội để mắc sai lầm mà không phải trả giá quá đắt.
Với sự nghiệp điện ảnh, giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam XXII là một bước tiến mới của ThS Lê Minh. Bộ phim Bộ phim “Bằng chứng vô hình” của thầy đã bán bản quyền cho hơn 10 quốc gia trong khu vực Châu Á.
Trong 10 năm theo đuổi điện ảnh, nhiều bộ phim của ThS Lê Minh đã gây tiếng vang với thị trường quốc tế. Có thể kể đến “The Scent of Fish Sauce” (Nước mắm), là một trong hai đại diện của Việt Nam tham gia LHP Bucheon, và BFI London, Palm Springs. Phim điện ảnh “Thưa mẹ con đi” tham gia LHP quốc tế Busan, LHP Hawaii và giành giải thưởng Phim xuất sắc nhất tại LHP Reeling 2020, giải do khán giả bình chọn tại Toronto Asia Film Festival, Philadelphia Asian American Film Festival 2020. Phim được phát hành tại các thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Úc, Ba Lan…
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh (ngoài cùng bên phải) và các diễn viên phim "Bằng chứng vô hình". |
Cân bằng thời gian cho điện ảnh và giảng dạy tại trường là một nỗ lực nhưng việc gieo cảm hứng về điện ảnh cho sinh viên cũng thú vị không kém. “Điện ảnh Việt Nam có rất nhiều triển vọng. Rất nhiều đạo diễn trẻ giành giải thưởng ở các LHP quốc tế danh giá. Khi dạy các bạn trẻ về sản xuất phim, mình nhận thấy đó là một thế hệ văn minh, nhiều năng lượng, có hoài bão, đang định hình những quan niệm về điện ảnh. Rất hi vọng vào họ”
Từng là một sinh viên, thầy Minh cho rằng làm phim là một nghề đầy thách thức đòi hỏi cả kỹ năng hợp tác và đầu óc kinh doanh. Ngoài sự sáng tạo nghệ thuật, người làm phim còn phải có đầu óc chiến lược để quản trị, tìm kiếm đầu tư và điều hành dự án. Đó cũng chính là những kiến thức mà thầy đang giảng dạy.