11 giảng viên nghỉ việc
Trước những lùm xùm xảy ra tại khoa Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP. HCM đã thông tin về vụ việc.
Theo thông báo này, nhà trường cho biết, từ ngày 26/2, dựa trên phản ảnh của các giảng viên khoa Hàn Quốc học đã và đang làm đơn xin nghỉ việc, một số cơ quan báo chí đã yêu cầu nhà trường cung cấp thông tin về việc giải quyết kiến nghị, phản ảnh của các giảng viên về vấn đề liên quan đến TS Nguyễn Thị Phương Mai - Trưởng khoa Hàn Quốc học.
Nhà trường cho biết, quá trình giải quyết kiến nghị phản ánh, trường đã làm đúng trình tự như hòa giải, đối thoại, hướng dẫn gửi đơn kiến nghị cho nhà trường để có căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, nhà trường không nhận được văn bản kiến nghị. Các giảng viên đã gửi đơn kiến nghị đến Thanh tra Chính phủ. Khi nhận được đơn chuyển của Thanh tra Chính phủ, nhà trường đã thành lập tổ xác minh để giải quyết sự việc theo đúng quy định.
Hiện nay, các giảng viên đã gửi kiến nghị phản ánh lần hai tới Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã chuyển đơn đến ĐHQG TP. HCM. ĐHQG TP. HCM đã thụ lý đơn và đang giải quyết.
Về kết quả xử lý vụ việc, căn cứ vào kết quả xác minh, nhà trường đã ban hành văn bản phê bình trưởng khoa vì có những hạn chế trong công tác quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục. Đối với 11 giảng viên, trường cũng đã ra văn bản phê bình vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan.
Bổ nhiệm Trưởng khoa đúng quy trình
Cũng theo thông báo của trường này, quy định về tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng quyết định năm 2018, trong đó có Trưởng khoa Hàn Quốc học, áp dụng các văn bản quy định của Nhà nước, của ĐHQG TP. HCM và nhà trường trong việc bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng.
Trước những lùm xùm xảy ra tại khoa Hàn Quốc học, trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG TP. HCM đã thông tin về vụ việc.
Đó là Luật Viên chức; Nghị định số 29/2012 của Chính phủ, Quyết định số 70/2014 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Điều lệ trường đại học (thời điểm bổ nhiệm bà Mai còn hiệu lực); Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường đại học thành viên và khoa trực thuộc ĐHQG TP. HCM do ĐHQG TP. HCM ban hành; Quy chế Tổ chức và hoạt động của trường và các văn bản có liên quan khác.
Theo đó, tiêu chuẩn của trưởng khoa được quy định phải có trình độ Tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa, có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý.
“Quy trình bổ nhiệm trưởng khoa được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục: Nhà trường dựa trên các quy định về việc bổ nhiệm viên chức quản lý thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng, việc đáp ứng các tiêu chuẩn của cá nhân và tình hình thực tế của đơn vị và của Nhà trường. Quy trình bổ nhiệm trưởng khoa được triển khai công khai, minh bạch tới toàn thể viên chức – người lao động của trường, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, giám sát của Công đoàn trường, đại diện Ban Chủ nhiệm Khoa đương nhiệm, đại diện Chi ủy, Chủ tịch Công đoàn bộ phận Khoa, đại diện Phòng Tổ chức - Cán bộ và sự tham gia của toàn thể viên chức – người lao động trong khoa”, trường này khẳng định.
Đối với việc bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Mai làm Trưởng khoa Hàn Quốc học, trường này thông tin, bên cạnh việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung về phẩm chất đạo đức, năng lực, độ tuổi, sức khỏe… bà Nguyễn Thị Phương Mai hoàn toàn đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm trưởng khoa theo quy định như: Tốt nghiệp Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục tiếng Hàn và Thạc sĩ chuyên ngành Hàn Quốc học tại ĐHQG Seoul, Hàn Quốc.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai cũng có đầy đủ các văn bằng chứng chỉ theo tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ đại học, như Chứng chỉ Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, Chứng chỉ Ngoại ngữ, Chứng chỉ Ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Bà Phương Mai có thâm niên giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học. Từ năm 2003 đến nay, bà Nguyễn Thị Phương Mai đã tham gia giảng dạy tại khoa Hàn Quốc học, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia viết sách và có nhiều bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Phương Mai còn có kinh nghiệm quản lý ở vị trí Trưởng bộ môn và Phó Trưởng khoa, trước khi giữ chức vụ Trưởng khoa như hiện nay.
Giảng viên làm việc lâu năm
Được biết, trong 11 giảng viên khoa Hàn Quốc học nộp đơn xin nghỉ, người có thời gian làm việc ít nhất 5 năm, người có thời gian làm việc nhiều nhất là 23 năm. Trong số này, có nhiều giảng viên có trình độ Tiến sĩ.
Nhiều giảng viên cho biết, đồng ý làm việc thì phải theo “lý” nhưng cũng phải có “tình”. Nhìn lại, khoa Hàn Quốc học từ một bộ môn phát triển thành khoa nổi tiếng như hôm nay, tập thể giảng viên, lãnh đạo khoa từ lúc thành lập đến khi sự việc xảy ra đều sống rất tình cảm, chân tình, đoàn kết. Bằng chứng là khoa đã tổ chức rất thành công nhiều chương trình. “Nếu trong quá trình đó, chúng tôi vô kỷ luật thì không thể đạt được điều đó”, một giảng viên cho biết.
Theo các giảng viên, sự việc kéo dài, âm ỉ ở khoa Hàn Quốc học đã lâu và mọi người vẫn mong giải quyết trong nội bộ khoa, mong một cuộc đối thoại và đã nhiều lần gặp nhưng không đi đến kết quả.