Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Vận hành và thành viên Ban lãnh đạo Microsoft Việt Nam, bắt đầu câu chuyện trong buổi tọa đàm về sự thay đổi của thế giới bằng những thông tin về 4 xu thế công nghệ đang gây tác động sâu sắc lên xã hội, doanh nghiệp và mỗi cá nhân.
Theo bà Quyên, sinh viên Việt Nam vẫn có tâm lý thiếu tự tin nhất định khi bước vào môi trường công việc theo chuẩn quốc tế, so với người lao động đến từ các quốc gia phát triển khác. Do đó, việc cải tiến chất lượng dạy và học với tư duy và góc nhìn mới sẽ góp phần kiến tạo những thế hệ sinh viên mới.
Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Vận hành và thành viên Ban lãnh đạo Microsoft Việt Nam chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Cũng theo bà Quyên, thế giới đã phẳng từ đây và toàn cầu hóa đang gia tốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự phát triển theo cấp số nhân của công nghệ đã và đang giúp các công ty đa quốc gia tận dụng được nguồn nhân lực trên toàn thế giới.
Trong tương quan đó, nguồn nhân lực Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi vì chưa được chuẩn bị đầy đủ các năng lực cần thiết trong quá trình đi học. Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho các trường đại học tại Việt Nam. Đó là "bài toán khó" trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí chung trên toàn cầu mà không chịu ảnh hưởng về thời gian.
Những vị khách mời chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Từ những thông tin bà Quyên đưa ra, TS Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Văn Lang khẳng định, chúng ta đang sống trong một thời đại biến động, bất định, không đoán trước và tiềm ẩn đầy rủi ro. “Tương lai có thể sẽ có những điều bất ngờ xảy ra, chẳng hạn như dịch COVID-19. Chính vì thế, giáo dục cũng phải thay đổi, đào tạo ra lực lượng lao động biết thích ứng với sự thay đổi và ứng phó với những rủi ro đến bất ngờ. Nếu trước đây, dạy học sinh, sinh viên một kỹ năng cụ thể, thì bây giờ, trường học phải dạy tư duy sáng tạo, năng lực thích nghi, thích ứng”, TS Cao Trí nhìn nhận.
TS Nguyễn Cao Trí chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Bà Huỳnh Thị Xuân Liên - Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thời trang CAO, ví mỗi người như một cái cây trong sự chuyển động, thay đổi chóng mặt của thời đại: “Thời nay, những kiến thức chúng ta vừa mới học được, vài tháng sau đã trở nên lỗi thời. Vì thế, nếu không có tư duy không ngừng học để có kiến thức và kỹ năng mới, để sẵn sàng đối mặt, thì như cái cây không có gốc rễ vững vàng, dễ bị lung lay”.
Rất đông sinh viên và các nhà quản lý giáo dục tham dự buổi tọa đàm. |
Tham dự buổi tọa đàm, bà Tôn Nữ Thị Ninh lưu ý thêm: “Trong biển cả tri thức bao la, bạn trẻ phải biết cái gì quan trọng, cái gì thứ yếu, mình cần cái gì, mình muốn cái gì và làm thế nào để đạt được… Chúng ta phải có khả năng giải mã. Để làm được việc đó, bạn trẻ cần có kỹ năng phân tích, tổng hợp và tự định hướng. Nhiều bạn nói: 'Tôi muốn trở thành giám đốc' nhưng đó chỉ là khát vọng. Cần hỏi 'Bạn sẽ làm như thế nào để trở thành giám đốc?', nhưng không phải ai cũng định hướng được, vạch ra được đường đi”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ tại buổi tọa đàm. |
Bà Ninh nhấn mạnh, vai trò của trường đại học rất quan trọng trong việc trang bị các kỹ năng học tập, kỹ năng mềm để thích ứng với sự thay đổi. “Trong đó, phải chú trọng tới kỹ năng phân tích tổng hợp và tự định hướng, vì đây là những thứ sinh viên Việt Nam đang còn yếu, trong khi nó rất quan trọng trong thời đại ngày nay. Trước khi tốt nghiệp, trường đại học nên kiểm tra 2 kỹ năng này bằng cách đưa ra một bài toán có tình huống cụ thể để các bạn giải quyết”, bà Ninh chia sẻ.