Hai thế hệ họa sĩ - quá khứ và hiện tại
Triển lãm Hồi sinh giới thiệu một số tác phẩm của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm (1933 - 2019) và họa sĩ đương thời Đinh Quang Hải (Hay còn gọi là Hải Tre, sinh năm 1977). Tuy không đồng nhất về bút pháp và tư duy thẩm mỹ, hành trình mà 2 họa sĩ đi qua cũng thuộc 2 mốc thời gian khác nhau. Nhưng tựu trung, đây vẫn là những trang nhật ký nối dài của những vùng đất, những câu chuyện thời sự và con người họ đã tiếp xúc. Chính sự khác biệt trên đã tạo nên sức hút và thông điệp cốt yếu mà buổi triển lãm muốn hướng đến.
Tranh của cố họa sĩ Phạm Thanh Tâm, người "kể chuyện chiến tranh bằng hội họa”, là tranh vẽ nhanh bằng chì than và màu từ lọ mực giắt trong túi áo, là tranh vẽ trong tiếng gầm rú của máy bay chiến đấu, trong tiếng nổ của đạn bom. Từ năm 1954 đến những năm 1960 - 1970, ông đã miệt mài ký họa ngay trên trận địa, trong các hầm hào, dưới các địa đạo và ghi lại cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các chiến sĩ Điện Biên Phủ và của những bà con các vùng đất lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Rất đông bạn trẻ tham dự buổi khai mạc triển lãm. (Ảnh: Lotus Gallery) |
Hơn năm mươi năm sau, khi Việt Nam vừa trải qua 2 năm dài với dịch COVID-19, hoạ sĩ Đinh Quang Hải (hay còn được biết đến là Hải Tre) cũng xách ba lô lên đường để vẽ phong cảnh đất nước và nếp sống, sinh hoạt của người dân ở thời đại nay. Anh chọn những tỉnh thành mà cố hoạ sĩ Phạm Thanh Tâm đã đi qua để bắt đầu dự án Vẽ-Đi-Tre của mình và ghi lại những cảm nhận của anh về các vùng từng là đất lửa ấy qua con mắt đương thời.
Các bạn trẻ xem tranh tại triển lãm. (Ảnh: Lotus Gallery) |
Triển lãm Hồi sinh, vì thế mang đến cho công chúng, người thưởng lãm, một góc nhìn mới, một hướng tiếp cận khác về chiến tranh và hòa bình.
Một hướng tiếp cận về chiến tranh và hòa bình
Trong không gian được sắp đặt đan xen các tác phẩm giữa thời chiến và thời bình, buổi triển lãm hy vọng sẽ mang đến một khúc song tấu thật lý thú và gợi mở cho khách tham quan. Ở đó, họ như bước lên chuyến tàu chạy ngang dọc ở hai điểm thời gian của nước Việt để cùng nhau chiêm nghiệm những đổi thay của của những nơi đã từng là “vùng đất lửa”.
Đình Hà (năm thứ hai, trường ĐH Sài Gòn) chia sẻ: “Sau khi xem những bức tranh của hai họa sĩ, cảm nhận đầu tiên của mình là nó rất đẹp. Chúng cho mình thấy sự khác nhau giữa thời chiến và thời bình. Sự thay đổi của cuộc sống theo dòng chảy của thời gian, những nơi trước kia chỉ có bom đạn, chết chóc giờ đã có sức sống hơn, người dân bắt đầu có cuộc sống ổn định hơn. Từ đó, mà mình càng thêm trân trọng công ơn của những người đã ngã xuống để đổi lấy hòa bình ngày hôm nay”.