Hành trình “chữa lành bản thân” bằng việc sáng tạo giấy dó

0:00 / 0:00
0:00
Hành trình “chữa lành bản thân” bằng việc sáng tạo giấy dó
SVVN - Sau khoảng thời gian dài gặp nhiều khó khăn về công việc và sức khỏe, Lê Hồng Kỳ (sống tại Hà Nội) đã vượt qua sự khủng hoảng nhờ niềm đam mê sáng tạo các sản phẩm thủ công từ giấy dó.

Lê Hồng Kỳ bắt đầu tìm hiểu và sáng tạo các sản phẩm thủ công từ giấy dó để chia sẻ với mọi người trên mạng xã hội từ năm 2017. Đến tháng 3/2021, sau khi sức khỏe và tinh thần đã ổn định, Hồng Kỳ đã quyết định thành lập Chạm Store để bày bán các sản phẩm được làm từ giấy dó - loại giấy chứa đựng giá trị truyền thống, văn hóa và tinh hoa dân tộc Việt. Hồng Kỳ tâm sự: “Đối với mình, mỗi ngày được làm việc, được chạm vào giấy dó và sáng tạo nên những sản phẩm thủ công đều là những ngày vui và hạnh phúc”.

Trong thời gian giãn cách xã hội, Hồng Kỳ còn tạo ra một cộng đồng kết nối những người có cùng đam mê với việc làm đồ thủ công qua nhóm “Làng thủ công - Handmade Village” trên Facebook. Cô cho rằng, việc làm các sản phẩm thủ công sẽ giúp rèn luyện về thể chất lẫn tinh thần như sự khéo léo, linh hoạt của đôi tay, sự kiên trì, sáng tạo của trí óc và sự kết nối sâu sắc của tâm hồn. Hồng Kỳ mong muốn tạo ra một cộng đồng để giúp mọi người có thể kết nối, chia sẻ những câu chuyện, những tác phẩm cũng như kinh nghiệm sáng tạo của mình thông qua các tác phẩm được đăng tải mỗi ngày.

Hành trình “chữa lành bản thân” bằng việc sáng tạo giấy dó ảnh 1

Hồng Kỳ bên sản phẩm của mình tạo ra.

Quy trình làm ra giấy dó tốn khá nhiều thời gian và qua nhiều công đoạn phức tạp. Đây là loại giấy được sản xuất hoàn toàn thủ công và tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Quá trình nhuộm giấy cũng dùng các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như: Vỏ cây chàm, vỏ vải thiều, cây cẩm hồng, cẩm tím, cây hoằng đằng…

Hành trình “chữa lành bản thân” bằng việc sáng tạo giấy dó ảnh 2
Những đôi khuyên tai làm từ giấy dó.

Hồng Kỳ đang trong quá trình nghiên cứu và kết hợp với các sản phẩm khác của làng nghề Việt Nam để tạo ra những sản phẩm vừa mang giá trị văn hóa dân tộc, vừa có tính ứng dụng cao, lại vừa thân thiện với môi trường. Ngoài ra, cô bạn cũng kết hợp giấy dó với các chất liệu khác như màu nước, sơn mài và gốm để tạo ra những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Các sản phẩm của Chạm Store đa dạng từ màu sắc đến kiểu dáng như: Khuyên tai, bookmark, sổ tay, khung ảnh…

Hành trình “chữa lành bản thân” bằng việc sáng tạo giấy dó ảnh 3
Hồng Kỳ hy vọng sẽ có thể tổ chức thêm nhiều hoạt động quảng bá về những sản phẩm từ làng nghề thủ công Việt Nam.

Hồng Kỳ mong rằng niềm đam mê mà mình gửi gắm trong từng sản phẩm sáng tạo từ giấy dó sẽ chạm đến trái tim người khác và truyền được cảm hứng, giúp mọi người tìm thấy được đam mê của bản thân cũng như sống tích cực và tốt đẹp hơn mỗi ngày. Bên cạnh đó, Hồng Kỳ cũng tổ chức nhiều workshop thủ công về giấy dó để giữ gìn và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống đến các bạn trẻ trong và ngoài nước.

Hồng Kỳ bộc bạch: “Nghề thủ công giấy dó và nhiều nghề khác ở Việt Nam đang dần mai một. Nếu chúng ta không có các hoạt động như vậy thì các di sản dân tộc sẽ dần bị lãng quên và biến mất”. Cô dự định sau khi tình hình dịch bệnh ổn định sẽ tổ chức thêm nhiều hoạt động ý nghĩa hơn nữa.

Hành trình “chữa lành bản thân” bằng việc sáng tạo giấy dó ảnh 4
Lê Hồng Kỳ và các bạn nước ngoài yêu thích các sản phẩm thủ công được làm từ giấy dó.

Ngoài niềm đam mê sáng tạo đồ thủ công từ giấy dó, Lê Hồng Kỳ còn có sở thích đặc biệt với nghệ thuật viết thư pháp bằng mực chàm và trồng cây. Cô tâm sự: “Chính thiên nhiên đã “chữa lành” bản thân mình và mang lại cho mình nhiều năng lượng tích cực giúp mình tiếp tục công việc sáng tạo đồ thủ công”.

Trong tương lai, Hồng Kỳ sẽ cho ra mắt thêm nhiều hoạt động và các sản phẩm thủ công từ giấy dó độc đáo hơn để lan tỏa giá trị truyền thống của làng nghề Việt Nam đến đông đảo mọi người.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dự án Trung Thu Cùng Bé Vùng Cao của cô bạn 'Bống Chè Bưởi'

Dự án Trung Thu Cùng Bé Vùng Cao của cô bạn 'Bống Chè Bưởi'

SVVN - “Bống Chè Bưởi” là biệt danh của cô bạn Nguyễn Hoàng Bảo Ngọc, đang là học sinh lớp 11 tại Hà Nội. Năm 10 tuổi, Bảo Ngọc được nhiều khán giả yêu mến qua chương trình “Mặt trời bé con” với hình ảnh cô bé đến từ Tuyên Quang biết kinh doanh món chè bưởi như người lớn. Đến nay, Bảo Ngọc đã nấu chè và bán chè được gần 9 năm, dự án “Chè bưởi Bống nấu” của cô bạn còn gọi vốn thành công ở chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2018.
Kỳ công phục dựng lồng đèn truyền thống trăm tuổi

Kỳ công phục dựng lồng đèn truyền thống trăm tuổi

SVVN - Trong khi nhiều người trẻ chọn con đường đi tìm cái mới, cái hiện đại để nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thì vẫn có những người trẻ chọn hướng quay về với những giá trị xưa cũ của dân tộc: Chị Nguyễn Thị Kim Thủy và anh Nguyễn Hoàng Sơn (cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc TP. HCM), đồng sáng lập cửa hàng quà tặng văn hóa Khởi Đăng Tác Khí (KĐTK).
Chàng trai Hải Phòng kiên trì làm nội dung giáo dục trên TikTok: Không có đường tắt trong dạy và học

Chàng trai Hải Phòng kiên trì làm nội dung giáo dục trên TikTok: Không có đường tắt trong dạy và học

SVVN - Tốt nghiệp trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội, Đặng Quốc Dũng (sinh năm 2000) hiện đang học Thạc sĩ ngành Giảng dạy Ngôn ngữ Anh tại trường Southern New Hampshire. Chàng trai gốc Hải Phòng còn được cộng đồng giáo viên, học sinh biết đến qua kênh TikTok “Dũng Đi Dạy” với những nội dung mang tính giáo dục cao liên quan đến việc dạy và học tiếng Anh.
Hành trình biến ‘giấc mơ nghệ thuật’ trở thành hiện thực của chàng trai từng nặng 100kg

Hành trình biến ‘giấc mơ nghệ thuật’ trở thành hiện thực của chàng trai từng nặng 100kg

SVVN - Từng là nạn nhân của body shaming, bị bạn bè “chê bai, dè bỉu”, chàng trai Nolan với thân hình quá khổ, mang trong mình ước mơ nghệ thuật đã quyết tâm thay đổi, “lột xác” để theo đuổi ước mơ. Bên cạnh đó là những khó khăn vô cùng khác, nhưng cũng không thể “dập tắt” niềm đam mê nghệ thuật của bản thân Nolan.