“Tầm sư học đạo”
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Phú Hòa (tỉnh Phú Yên), ước mong lớn nhất của cô gái nhỏ Mỹ Hiền là có thể lo được cho bố mẹ và hai em một cuộc sống đỡ vất vả, không còn phải chật vật với miếng cơm manh áo và lo lắng triền miên mỗi khi gia đình túng thiếu. 18 tuổi, mang theo mong ước đó, Hiền xin ba mẹ vào TP. HCM học khóa Bếp trưởng Bếp bánh tại trường Hướng Nghiệp Á Âu. Chính Hiền cũng không ngờ, từ đây, cuộc đời mình rẽ sang một bước ngoặt mới.
Những ngày đầu Hiền học làm bánh. (Ảnh: NVCC)
Giữa Sài Gòn, Hiền cùng mẹ tìm một căn phòng trọ nhỏ, rồi hai mẹ con cùng xin làm việc tại một tiệm cafe để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Gọi là phòng trọ nhưng thực chất chỉ là cái gác nằm trên lầu 3 của một căn nhà, vừa đủ để hai mẹ con ngả lưng sau những ngày làm việc mệt nhoài. Hiền thương mẹ nên nhiều đêm nằm ngủ mà nước mắt cứ chảy dài.
Cứ thế, Hiền và mẹ vừa làm vừa chắt chiu dành dụm tiền đi học. Hiền rất chăm chỉ, mỗi ngày trên lớp, cô cố gắng tập trung học tập. Mỗi bài học đối với Hiền không chỉ là công thức để làm ra một chiếc bánh ngon mà còn là một cơ hội, một tia hy vọng để Hiền có thể thay đổi cuộc đời, chăm lo cho bố mẹ và giúp hai em ăn học nên người.
Vượt qua những khó khăn
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình, Hiền kể, đó là lần đầu được nhận làm thợ bánh. Vì sơ suất nên Hiền đã làm hư thành phẩm và phải đền tiền. “Lúc đó, vừa buồn, vừa thất vọng về bản thân, mình khóc cả một ngày. Thấy con gái khóc, mẹ mình cũng khóc theo”, Hiền nhớ lại. Đó chỉ là một trong rất nhiều lần yếu đuối của cô gái nhỏ nhưng rồi Hiền lại gạt nước mắt và lao vào nhào bột, nướng bánh. Thương bố mẹ, thương em ở quê, Hiền tự nhủ mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Công việc của Hiền hằng ngày bắt đầu từ 8h sáng và kết thúc lúc 22h tối. (Ảnh: NVCC)
Hơn một năm cố gắng miệt mài, với vốn kiến thức và kỹ năng được đào tạo, Hiền xin vào làm việc ở Grand Palace. Khi Hiền có việc cũng là lúc này mẹ Hiền về quê chăm lo cho gia đình. Một mình Hiền lại tiếp tục chuỗi ngày chăm chỉ làm lụng và trau dồi thêm kỹ năng tay nghề. Trong quá trình làm việc ở đây, Hiền phát hiện mình rất thích bánh kem, từ đó, cô ngày đêm theo các đầu bếp học làm cốt bánh và tập chà láng. “Lúc ấy, mình bắt đầu nhen nhóm một dự định khởi nghiệp trong tương lai. Nó thôi thúc mình mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn và vững tin tiến về phía trước”, Hiền chia sẻ.
Định về quê Phú Yên khởi nghiệp ngay với một tiệm bánh do mình làm chủ, tuy nhiên, nhận thấy bản thân cần học hỏi thêm nên Hiền đã gói gém hành lí từ Phú Yên vào lại Bình Phước, tiếp tục trau dồi thêm kỹ năng làm bánh kem. May mắn là Hiền đã gặp được một người thầy tốt, sẵn sàng giúp đỡ từng chút một để Hiền hoàn thiện tay nghề.
Ước mơ với thương hiệu bánh riêng
Sau bao cố gắng, cuối cùng ngày khai trương tiệm bánh “Bakery Hiền Nguyễn” ở quê nhà Phú Yên cũng đã thành hiện thực. Bao nhiêu tâm huyết của Hiền đều đặt vào đấy. Không đủ vốn, Hiền đi vay của người thân rồi tự tay thiết kế, set up… cửa tiệm. Ngày khai trương tiệm bánh của Hiền được nhiều bạn bè và người thân đến chúc mừng, ủng hộ. Cô bạn phấn khởi và vui mình và tràn trề hy vọng.
Tuy nhiên, tưởng mọi thứ đã bắt đầu ổn định thì khó khăn lại ập đến, mới bán được một ngày, người cho thuê mặt bằng bất ngờ đòi lại chỗ. “Mẹ mình khóc, mình thì nước mắt cũng rưng rưng khi chủ nhà làm khó”, Hiền kể. Vì chưa có kinh nghiệm làm hợp đồng nên Hiền không còn cách nào khác là phải đóng cửa tiệm. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Hiền chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc.
Một lần nữa, Hiền gom góp, chạy ngược chạy xuôi tìm địa điểm để mở lại tiệm bánh. Lần thứ hai khai trương tiệm “Bakery Hiền Nguyễn” là lúc Hiền biết mình đã có một lựa chọn sáng suốt khi theo nghề bánh. “Tiệm bánh mới chỉ mở bán được một tháng. Chặng đường phía trước của mình chắc chắn sẽ còn vô vàn thử thách, khó khăn nhưng mình tin rằng, với niềm đam mê đủ lớn thì mọi khó khăn mình sẽ vượt qua”, Hiền khẳng định.