“Gieo” ước mơ
Xuất phát từ niềm yêu thích thiện nguyện, anh Nguyễn Tú Anh đã thành lập nhóm 'Chủ Nhật yêu thương' để thực hiện các dự án cộng đồng nhiều năm nay. Theo anh Tú Anh, từ năm 2007, anh chỉ tổ chức chơi với các bé mồ côi, các cụ già neo đơn, người vô gia cư… Sau đó, các hoạt động được tổ chức nhiều dần, có nhiều người đi theo giúp đỡ, năm 2013 nhóm thiện nguyện mới chính thức có tên.
Cứ thế, mỗi Chủ Nhật, nhóm sẽ mang yêu thương lan tỏa đến cộng đồng với dự án nổi bật là '1001 thư viện bản xa'. Dự án nhằm tạo điều kiệu để các bé vùng sâu, vùng xa được tiếp cận gần hơn với tri thức, giúp các bé ham học hơn. Ngoài tặng sách, lập thư viện, 'Chủ nhật yêu thương' còn mang đến cho các bé vùng cao những suất học bổng tiếp sức đến trường, xây những ngôi nhà, ngôi trường để các bé có môi trường học tập tốt hơn.
Anh Tú Anh cho biết, lý do 'Chủ nhật yêu thương' chọn thực hiện dự án '1001 thư viện bản xa', mang sách tặng trẻ em vùng cao là bởi anh muốn “gieo mầm” ước mơ đến các trẻ em nơi ấy. Bởi chỉ khi có ước mơ, các em mới có thể “vươn mình” xa hơn, giúp cho cuộc sống khốn khó tại quê hương dần thay đổi, ngày một tốt hơn.
Các thành viên nhóm 'Chủ Nhật yêu thương' soạn sách cho các em vùng cao. |
“Cũng có lúc tôi mang mực, tôm, hải sản lên cho các bé thưởng thức. Tôi mang ước mơ về một vùng đất xa xôi hơn, vượt qua khỏi núi rừng của các bé. Đó là miền biển mà các bé chưa bao giờ được thấy, những thực phẩm mà các bé chưa bao giờ được ăn. Tôi mong vào một ngày mai, cuộc sống của các bé và tương lai của bản làng sẽ giàu tri thức hơn, giàu ước mơ hơn và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”, anh Tú Anh tâm sự.
Thêm “en-nờ” sau tự ti
Hiện tại, anh Tú Anh có một căn trọ rộng khoảng 90m2 chứa khoảng 100.000 quyển sách. Cứ mỗi Chủ Nhật, anh Tú Anh cùng nhóm sẽ dành thời gian để soạn sách, đóng sách gửi đến cho các em vùng cao. Với anh, được làm những công việc thiện nguyện, trao gửi tri thức để trẻ em khó khăn là một niềm vui lớn trong cuộc sống.
Được nhìn thấy các trẻ em vùng cao say mê đọc sách là động lực to lớn khiến anh Tú Anh tiếp tục cố gắng cho dự án cộng đồng của mình. |
Nói về giá trị của sách, anh Tú Anh bày tỏ: “Sách đã làm thay đổi tính cách của tôi rất nhiều. Từ một người nhút nhát, tự ti về bản thân, khả năng của mình. Giờ biến thành một người thêm chữ “en-nờ” sau chữ tự ti, là tự tin. Tôi biết ơn rất nhiều những quyển sách từng đọc”. Chính vì thế, anh luôn ấp ủ giấc mơ có thể lan tỏa những giá trị ấy đến trẻ em vùng cao.
Nhóm 'Chủ Nhật yêu thương' mang tri thức đến trẻ em tại Yên Bái. |
Tuy mang nhiều ý nghĩa cũng như tâm tư của mình, nhưng khi thực hiện, anh Tú Anh cho biết, dự án '1001 thư viện bản xa' gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất đối với nhóm là nguồn sách. Sách mua số lượng lớn sẽ rất tốn kém nên anh Tú Anh luôn cố gắng tiết kiệm chi phí nhất có thể bằng cách mua lại các sách cũ hoặc mua sách mới trực tiếp từ nhà xuất bản. Với những quyển sách được quyên góp, anh cùng nhóm luôn chọn lọc lại những quyển sách phù hợp với lứa tuổi của các em. Chính vì thế, sách sau khi được lọc lại sẽ không còn nhiều.
Trưởng nhóm 'Chủ Nhật yêu thương' kể, khi đi làm những thư viện nhỏ cho những trường trong bản, có những nơi nhóm phải thức tới 11h - 12h đêm trang trí góc đọc sách để bé cảm thấy hứng thú, ham đọc hơn. Nhưng khoảng một tuần sau, nhóm lên lại thì góc học tập không còn, kệ sách hay mấy quyển sách đều không thấy đâu. Lúc đó, anh cùng nhóm cũng cảm thấy hơi buồn nhưng rồi khi nghĩ về tương lai tụi nhỏ, anh cho rằng bản thân cần phải cố gắng thêm nữa để tiếp tục công việc này. “Tôi coi tụi nhỏ như những đứa em, những đứa cháu của mình và luôn mong tụi nhỏ sẽ có cuộc sống tươi sáng hơn. Nghĩ tới cảnh tụi nhỏ cầm quyển sách đọc say mê là tôi vui lại liền”, anh Tú Anh chia sẻ.