Tự bộ đội đến sinh viên
Sau 18 tháng quân ngũ tại Sư đoàn Bộ binh 8 và Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau, Trà Phal xuất ngũ. Vốn yêu thích hoạt động Đoàn và công tác thiếu nhi, cậu làm hồ sơ xét tuyển vào Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Phân viện miền Nam. “Lúc đó, một mình khăn gói lên đường, chưa một lần đến Sài Gòn, cũng không có người quen. Vào đến cổng trường được cô giáo ra đón mình còn nghĩ là... bị lừa, vì thấy sân trường quá vắng và không thấy sinh viên đâu cả. Vào đến nơi, mới biết mình là thí sinh đầu tiên của khóa đầu tại khu vực phía Nam. Đối với mình, đây là một ngã rẽ quan trọng, tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời”, Phal nhớ lại.
Hồ Trà Phal, sinh viên năm thứ tư, ngành Công tác thanh niên, Học viên Thanh thiếu niên Việt Nam (Phân viện miền Nam). (Ảnh: NVCC)
Xuất thân trong gia đình khó khăn, ba mẹ đã lớn tuổi, dưới Trà Phal còn có hai em đang đi học. Trong suốt bốn năm đi học, Phal phải tự lập về tài chính, không xin phụ cấp của gia đình bằng cách làm thêm đủ loại công việc, từ bảo vệ, phục vụ đám cưới, bốc vác, múa đám cưới, rửa chén, MC đến dựng chương trình… Với công việc nào, cậu cũng luôn được mọi người thương, cứ làm một thời gian là được bầu làm trưởng nhóm. Khi có thêm việc làm, cậu lại giới thiệu cho “đội quân hùng hậu” là những bạn sinh viên trong trường.
Hồ Trà Phal luôn chủ động tự tìm cơ hội làm thêm cho mình. (Ảnh: NVCC)
Đầu năm 2018, Trà Phal tập trung làm thêm nhiều ở lĩnh vực: MC, dựng chương trình văn nghệ trong vai trò cộng tác viên cho Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam, tham gia tổ chức các chương trình ngoại khóa cho các trường học, giảng dạy kỹ năng sống, tổ chức chương trình Học kỳ quân đội cho thanh thiếu nhi...
"Anh nuôi" của các em thiếu nhi
Dạy kỹ năng sống cho trẻ em là công việc yêu thích của Phal. (Ảnh: NVCC)
“Khi làm Điều phối viên, mình có dịp học hỏi các kỹ năng, kinh nghiệm của các anh chị trong ban tổ chức. Với vai trò Chỉ huy phó, mình phải cố gắng nhiều hơn, từ kỹ năng quan sát, quản lý, truyền đạt, tổ chức…. Sau mỗi chương trình, mình được các bạn nhỏ quý mến, thường xuyên gọi điện hoặc nhờ phụ huynh kết nối, chỉ đơn giản là hỏi thăm, chia sẻ việc học hành. Nhiều ba mẹ còn hẹn mình đi cà phê để chia sẻ câu chuyện về các con. Nhiều bạn đi chương trình về thì thay đổi rất nhiều theo chiều hướng tích cực khiến mình cảm thấy vui lây… Những điều như vậy buộc bản thân mình phải cố gắng hơn nữa trong nghề nghiệp sau này”.
Sắp xếp được thời gian, Phal lại tham gia các hoạt động thiện nguyện. (Ảnh: NVCC)
Bén duyên với nghề MC
Nghề dẫn chương trình mang đến cho Hồ Trà Phal nhiều trải nghiệm thú vị. (Ảnh: NVCC)
Nhờ quan niệm như vậy, anh chàng luôn nghiêm túc với công việc, tự ý thức phải làm mới bản thân. Từ trang phục, tác phong, lời dẫn… làm sao cho mới mẻ nhưng phải phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của ban tổ chức và đặc thù của nhóm của khán giả.
Hồ Trà Phal làm hoạt náo viên trong một chương trình thiện nguyện. (Ảnh: NVCC)
Yêu thích MC Trấn Thành, khi có dịp, Trà Phal luôn xem hết những chương trình mà nghệ sĩ này dẫn để học hỏi. Ngoài ra, cậu cũng thường tham khảo thêm một số MC khác và tìm những điểm đặc sắc của từng người để học. “Trong thời gian tới, sau khi tốt nghiệp mình sẽ tìm kiếm một công việc ổn định và theo học các lớp MC chuyên nghiệp. Mình vẫn cộng tác lâu dài với Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam để tạo ra những chương trình ý nghĩa cho các em nhỏ”.
Hồ Trà Phal cũng nhận được nhiều bằng khen, thành tích trong các hội thi và trong các hoạt động Đoàn. (Ảnh: NVCC)
"Trong chương trình “Chiến sĩ tí hon 2019”, cũng là dịp sinh nhật mình, các bạn nhỏ biết thông tin đã bí mật gửi tặng quà. Mình đã ngồi đọc từng tấm thiệp tự tay các bạn nhỏ viết lời đề tặng. Đó là những tình cảm yêu thương mà các bạn nhỏ gửi gắm, xem mình giống như một người anh của các bạn. Cảm xúc đó sẽ theo mình mãi trong hành trang nghề nghiệp”, Hồ Trà Phal chia sẻ.